Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
15 tình huống giải đáp pháp luật về giao thông vận tải
Ngày cập nhật 16/05/2022

  Điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới

Tình huống 1. Anh Trần Quốc Tuấn là Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Tuấn, Công ty cổ phần Quốc Tuấn dự định xây dựng kế hoạch kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới tại thành phố H, tỉnh T. Anh Tuấn muốn hỏi hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cần phải đáp ứng những điều kiện gì về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 6, 7  Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới quy định điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới như sau:

Điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định

1. Mặt bằng đơn vị đăng kiểm là nơi dùng để bố trí các công trình phục vụ việc kiểm định xe cơ giới trên cùng một khu đất, có diện tích được quy định như sau:

a) Đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại I, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.250 m2;

b) Đối với đơn vị đăng kiểm có một dây chuyền kiểm định loại II, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 1.500 m2;

c) Đối với đơn vị đăng kiểm có hai dây chuyền kiểm định, diện tích mặt bằng tối thiểu sử dụng cho hoạt động kiểm định là 2.500 m2;

d) Đối với đơn vị đăng kiểm có từ 03 (ba) dây chuyền kiểm định trở lên thì diện tích sử dụng cho hoạt động kiểm định từ dây chuyền thứ 3 trở lên tăng thêm tương ứng cho mỗi dây chuyền không nhỏ hơn 625 m2.

2. Xưởng kiểm định

a) Xưởng kiểm định chỉ có một dây chuyền kiểm định loại I: Kích thước thông xe tối thiểu (dài x rộng x cao) là 30 x 4 x 3,5 (m);

b) Xưởng kiểm định chỉ có một dây chuyền kiểm định loại II: Kích thước thông xe tối thiểu (dài x rộng x cao) là 36 x 5 x 4,5 (m);

c) Đối với xưởng kiểm định có nhiều dây chuyền kiểm định bố trí cạnh nhau thì khoảng cách giữa tâm các dây chuyền kiểm định không nhỏ hơn 4 m và khoảng cách từ tâm dây chuyền ngoài cùng đến mặt trong tường bao gần nhất của xưởng kiểm định không nhỏ hơn 2,5 m;

d) Đối với trường hợp dây chuyền kiểm định bố trí tại nhiều xưởng kiểm định thì tổng chiều dài tối thiểu các xưởng kiểm định phải bằng chiều dài tương ứng với loại dây chuyền quy định tại điểm a, điểm b nêu trên.

3. Dây chuyền kiểm định phải được bố trí, lắp đặt các thiết bị kiểm tra và dụng cụ kiểm tra phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành, đảm bảo kiểm tra được đầy đủ các hệ thống, tổng thành, chi tiết của xe cơ giới tham gia giao thông để đảm bảo chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của Luật giao thông đường bộ.

Điều kiện về nhân lực

Nhân lực trong đơn vị đăng kiểm phải đảm bảo các điều kiện sau:

1. Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 03 đăng kiểm viên, trong đó có ít nhất một đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

2. Có phụ trách dây chuyền kiểm định. Mỗi phụ trách dây chuyền kiểm định chỉ được phụ trách tối đa hai dây chuyền kiểm định.

3. Có lãnh đạo đơn vị đăng kiểm và nhân viên nghiệp vụ đáp ứng các quy định tại Nghị định số 139/2018/NĐ-CP.

Như vậy, hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới cần phải đáp ứng những điều kiện về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định, nhân lực như đã nêu trên.

Thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới

Tình huống 2. Doanh nghiệp A đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới và đi vào hoạt động từ tháng 3 năm 2019, tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, có 03 đăng kiểm viên của doanh nghiệp A bị thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên trong thời gian 12 tháng liên tục nên doanh nghiệp A bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới. Đến nay, doanh nghiệp A muốn cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, doanh nghiệp A hỏi thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 9 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới quy định thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới như sau: “Việc cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới do bị thu hồi được thực hiện như cấp lần đầu theo quy định tại Điều 8 của Nghị định này.”

Điều 8 Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới quy định thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới như sau:

1. Sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt cơ sở vật chất kỹ thuật của đơn vị đăng kiểm, tổ chức lập 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới gửi về Cục Đăng kiểm Việt Nam, hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản đề nghị kiểm tra cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới;

b) Danh sách trích ngang kèm theo bản sao được chứng thực hợp đồng lao động theo quy định hoặc quyết định tiếp nhận đối với đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ kiểm định; quyết định bổ nhiệm đối với phụ trách dây chuyền kiểm định; quyết định bổ nhiệm lãnh đạo đơn vị đăng kiểm (nếu có);

c) Bản đối chiếu các quy định về cơ sở vật chất, dây chuyền kiểm định theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

d) Bản vẽ bố trí mặt bằng tổng thể và mặt bằng nhà xưởng có bố trí các dây chuyền và thiết bị kiểm tra;

đ) Tài liệu về bảo đảm an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

2. Trình tự, cách thức thực hiện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới

a) Trong vòng 03 ngày làm việc, nếu hồ sơ đầy đủ và phù hợp theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam thông báo cho tổ chức về thời gian kiểm tra, đánh giá thực tế đơn vị đăng kiểm. Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không phù hợp theo quy định, Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thông báo cho tổ chức bằng văn bản, trong đó nêu rõ lý do;

b) Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo kiểm tra, đánh giá, Cục Đăng kiểm Việt Nam tiến hành kiểm tra, đánh giá thực tế. Kết quả đánh giá được lập thành Biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 139/2018/NĐ-CP. Nếu đạt yêu cầu thì cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới trong thời hạn 05 ngày làm việc; nếu kết quả kiểm tra, đánh giá không đạt yêu cầu thì Cục Đăng kiểm Việt Nam phải thông báo bằng văn bản trong vòng 05 ngày làm việc để tổ chức khắc phục và tiến hành kiểm tra, đánh giá lại.

3. Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện trực tiếp tại Cục Đăng kiểm Việt Nam hoặc qua hệ thống bưu chính hoặc bằng hình thức phù hợp khác. Thành phần hồ sơ đối với từng hình thức tiếp nhận phải phù hợp với quy định tại khoản 1 nêu trên.

4. Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định số 139/2018/NĐ-CP.

Như vậy, thủ tục cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới được thực hiện theo trình tự nêu trên.

Điều kiện hoạt động đối với phương tiện có sức chở trên 12 người

Tình huống 3. Chị Lê Thị Tuyết là giám đốc doanh nghiệp tư nhân K, chị đang xây dựng kế hoạch mở rộng kinh doanh phục vụ khách du lịch bằng thuyền trên sông H với lượng khách khoảng 15 người/thuyền. Chị muốn biết khi thuyền hoạt động trên sông H có bắt buộc phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 24 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa năm 2014 quy định về điều kiện hoạt động đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người khi hoạt động trên đường thủy nội địa phải bảo đảm các điều kiện sau:

1. Đạt tiêu chuẩn chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 26 của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

2. Có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; kẻ hoặc gắn số đăng ký, vạch dấu mớn nước an toàn, ghi số lượng người được phép chở trên phương tiện;

3. Có đủ định biên thuyền viên và danh bạ thuyền viên theo quy định.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, khi thuyền hoạt động trên sông H phải bắt buộc phải có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Bồi thường hành lý ký gửi hư hỏng qua đường thủy nội địa

Tình huống 4. Anh Nguyễn Anh Hưng là giám đốc Công ty vận tải Nam Á. Trong quá vận chuyển 1 tấn trái cây ký gửi của doanh nghiệp tư nhân Hùng Lân, do bị lỗi trong khâu bảo quản lạnh trong quá trình vận chuyển bằng thuyền không tốt dẫn đến 1 tấn trái cây bị hư hỏng. Anh Nguyễn Anh Hưng muốn hỏi việc bồi thường hành lý ký gửi qua đường thủy nội địa được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 19 Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa (được sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Thông tư số 59/2015/TT-BGTVT ngày 30 tháng 10 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 80/2014/TT-BGTVT ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về vận tải hành khách, hành lý, bao gửi trên đường thủy nội địa) quy định bồi thường hành lý ký gửi, bao gửi bị mất mát, hư hỏng như sau:

1. Trường hợp hành lý ký gửi, bao gửi hư hỏng, mất mát do lỗi của người kinh doanh vận tải thì phải bồi thường theo các quy định sau đây:

a) Theo giá trị đã kê khai đối với hành lý ký gửi, bao gửi có kê khai giá trị; trường hợp người kinh doanh vận tải chứng minh được giá trị thiệt hại thực tế thấp hơn giá trị kê khai thì theo giá trị thiệt hại thực tế;

b) Theo mức do hai bên thỏa thuận;

c) Theo giá thị trường của hàng hóa đó tại thời điểm trả tiền và địa điểm trả hàng; trong trường hợp không có giá thị trường của hàng hóa đó thì theo giá trung bình của hàng hóa cùng loại trong khu vực nơi trả hàng;

d) Trường hợp không kê khai giá trị hàng hóa thì theo quy định sau đây: đối với hành lý ký gửi mức bồi thường không vượt quá 20.000 đồng tiền Việt Nam cho 01 kg hành lý ký gửi tổn thất; đối với bao gửi, mức bồi thường không vượt quá 20.000 đồng tiền Việt Nam cho 01 kg bao gửi tổn thất; 7.000.000 đồng tiền Việt Nam đối với mỗi bao hoặc kiện tổn thất.

2. Hành lý ký gửi, bao gửi bị hư hỏng, thiếu hụt, mất mát một phần thì bồi thường phần hư hỏng, thiếu hụt hoặc mất mát; trường hợp phần hư hỏng, thiếu hụt, mất mát dẫn đến hư hỏng hoặc không sử dụng được toàn bộ thì phải bồi thường toàn bộ; người vận tải được quyền sở hữu số hàng hóa tổn thất đã bồi thường.

3. Ngoài việc bồi thường thiệt hại theo các quy định tại khoản 1 nêu trên, người kinh doanh vận tải còn phải hoàn lại cho hành khách hoặc người gửi hàng toàn bộ tiền cước hoặc phụ phí của số hành lý ký gửi, bao gửi bị tổn thất.

Như vậy, việc bồi thường hành lý ký gửi qua đường thủy nội địa được thực hiện theo quy định viện dẫn như trên.

Xử lý hàng hoá ký gửi, bao gửi trong trường hợp người nhận từ chối không nhận

Tình huống 5. Anh K là thuyền trưởng của doanh nghiệp B, doanh nghiệp B được doanh nghiệp A hợp đồng vận chuyển 05 tấn rau, củ, quả bằng đường thủy nội địa giao cho doanh nghiệp M gia công, sấy khô. Tuy nhiên, khi  anh K thực hiện việc giao 05 tấn rau, củ, quả cho doanh nghiệp M thì doanh nghiệp M từ chối không nhận. Anh K muốn hỏi trong trường hợp này, doanh nghiệp B phải xử lý như thế nào Phù hợp với quy định của pháp luật?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 90 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 quy định về xử lý hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi không có người nhận hoặc người nhận từ chối như sau:

1. Khi hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi đã được vận tải đến nơi trả hàng mà không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận thì người kinh doanh vận tải có quyền gửi hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi vào nơi an toàn, thích hợp và thông báo ngay cho người thuê vận tải biết; mọi chi phí phát sinh do người thuê vận tải chịu.

2. Sau ba mươi ngày, kể từ ngày người kinh doanh vận tải thông báo cho người thuê vận tải, nếu người kinh doanh vận tải không nhận được trả lời của người thuê vận tải hoặc người kinh doanh vận tải không được thanh toán đầy đủ chi phí phát sinh thì người kinh doanh vận tải có quyền bán đấu giá hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi để trang trải chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật về bán đấu giá; nếu hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi thuộc loại mau hỏng hoặc chi phí ký gửi quá lớn so với giá trị của hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi thì người kinh doanh vận tải có quyền bán đấu giá trước thời hạn trên, nhưng phải thông báo cho người thuê vận tải biết trước khi bán.

3. Hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi thuộc loại cấm lưu thông hoặc có quy định hạn chế vận chuyển mà không có người nhận hoặc người nhận từ chối nhận thì được giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Như vậy, trường hợp doanh nghiệp M từ chối không nhận 05 tấn rau, củ, quả thì doanh nghiệp B thực hiện theo quy định đã viện dẫn như trên.

Thời hạn yêu cầu bồi thường, thời hạn yêu cầu khởi kiện đối với hàng hóa bị mất

Tình huống 6. Công ty cổ phần Việt Mỹ ký hợp đồng thuê Công ty vận tải Mậu Tài vận chuyển hàng hóa từ nhà máy về nhập kho bằng đường thủy nội địa. Tuy nhiên, khi về nhập kho, nhân viên quản lý kho của Công ty cổ phần Việt Mỹ kiểm đếm số lượng hàng hóa vận chuyển theo hợp đồng thiếu 1/3 số lượng hàng hóa mà không có lý do rõ ràng. Công ty cổ phần Việt Mỹ muốn Công ty vận tải Mậu Tài bồi thường số lượng hàng hóa đã mất, Công ty cổ phần Việt Mỹ muốn biết thời hạn yêu cầu cũng như thời hạn khởi kiện bồi thường được quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 92 Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 quy định về thời hạn gửi yêu cầu bồi thường, thời hạn giải quyết bồi thường và thời hiệu khởi kiện như sau:

1. Thời hạn gửi yêu cầu bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi là hai mươi ngày, kể từ ngày hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi được giao cho người nhận hoặc ngày mà lẽ ra hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi phải được giao cho người nhận. Người kinh doanh vận tải phải giải quyết bồi thường trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có yêu cầu bồi thường của người thuê vận tải.

2. Thời hạn gửi yêu cầu bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khoẻ của hành khách là hai mươi ngày, kể từ thời điểm xảy ra thiệt hại. Người kinh doanh vận tải có trách nhiệm giải quyết yêu cầu bồi thường trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày có yêu cầu bồi thường của hành khách hoặc của người đại diện hợp pháp của họ.

3. Trường hợp hai bên không giải quyết được yêu cầu bồi thường thì có quyền yêu cầu trọng tài kinh tế hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật. Thời hiệu khởi kiện đòi bồi thường mất mát, hư hỏng hàng hoá, hành lý ký gửi, bao gửi, đòi bồi thường thiệt hại liên quan đến tính mạng, sức khoẻ là một năm, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết yêu cầu bồi thường quy định tại khoản 1 và khoản 2 nêu trên.

Như vậy, thời hạn yêu cầu bồi thường, thời hạn yêu cầu khởi kiện đối với hàng hóa bị mất được thực hiện theo quy định viện dẫn như trên.

Xử phạt hành chính đối với hành vi không đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố hạn chế giao thông trước khi thi công công trình đường thủy nội địa

Tình huống 7. Công ty cổ phần đầu tư xây dựng A cho công nhân thi công xây dựng cầu trên sông H, thành phố T. Tuy nhiên, quá trình thi công công ty cổ phần đầu tư xây dựng A không đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố hạn chế giao thông trước khi thi công công trình làm các phương tiện thủy nội địa qua sông H bị ùn tắc gây mất an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Với hành vi không đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố hạn chế giao thông trước khi thi công, công ty cổ phần A có bị xử phạt vi phạm hành chính không? Nếu có thì bị xử phạt hành chính với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (Nghị định số 139/2021/NĐ-CP) quy định hành vi vi phạm quy định về xây dựng kè, đập thủy lợi, cầu, bến phà, phong điện, nhiệt điện, thủy điện, công trình vượt qua luồng trên không, dưới đáy luồng và các công trình khác ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thủy nội địa (trừ việc thi công, xây dựng công trình khẩn cấp để đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai) như sau:

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đề nghị cơ quan có thẩm quyền công bố hạn chế giao thông trước khi thi công công trình theo quy định;

b) Thực hiện không đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận trong suốt quá trình thi công công trình trên đường thủy nội địa, trừ trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP.

Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định số 139/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng A sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

Xử phạt hành chính đối với hành vi không thực hiện trục vớt hàng hóa theo quy định

Tình huống 8. Trong quá trình vận chuyển hàng hóa trên sông H, do dây buộc hàng hóa bị đứt nên gần một nữa hàng hóa vận chuyển bị chìm xuống sông H. Tuy nhiên Công ty vận tải không thực hiện trục vớt hàng hóa theo quy định. Với hành vi không thực hiện trục vớt hàng hóa theo quy định, Công ty vận tải bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4, khoản 5 Điều 8 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về trục vớt, thanh thải vật chướng ngại như sau:

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

+ Không trục vớt tài sản bị chìm đắm theo quy định;

+ Không thanh thải vật chướng ngại theo quy định.

-  Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc trục vớt vật chướng ngại đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định nêu trên.

Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định số 139/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, Công ty vận tải sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc Công ty vận tải trục vớt hàng hóa bị chìm đắm trên sông H.

Xử phạt hành chính đối với hành vi cố tình xây dựng nhà hàng nổi không đúng với quy định trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa

Tình huống 9. Doanh nghiệp tư nhân A xây dựng chuỗi nhà hàng nổi trên sông H. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, doanh nghiệp tư nhân A cố tình xây dựng nhà hàng nổi không đúng với quy định trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa. Với hành vi cố tình xây dựng nhà hàng nổi không đúng với quy định trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa, doanh nghiệp tư nhân A bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 6, khoản 9 Điều 11 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa như sau:

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

+ Tự ý tháo dỡ cấu kiện hoặc lấy đất, đá của công trình thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự;

+ Đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi hoặc chất thải khác xuống vùng nước đường thủy nội địa không đúng quy định;

+ Xây dựng công trình, dựng nhà, làm nhà nổi không đúng quy định trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa hoặc trong phạm vi bảo vệ công trình khác thuộc kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

+ Buộc phá dỡ nhà, nhà nổi, công trình vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại nêu trên.

Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định số 139/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp tư nhân A sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc doanh nghiệp tư nhân A phá dỡ đối với phần nhà hàng nổi trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng đường thủy nội địa trên sông H.

Xử phạt hành chính đối với hành vi không dỡ, di chuyển dụng cụ, phương tiện nuôi trồng thủy sản khi được cơ quan có thẩm quyền quản lý đường thủy nội địa thông báo

Tình huống 10. Hợp tác xã B nuôi 50 lồng cá trên sông G, thuộc xã B, huyện M. Sau khi thu hoạch, Hợp tác xã B không tiếp tục nuôi thủy sản nhưng không dỡ, di chuyển 50 lồng cá trên sông G khi được cơ quan có thẩm quyền quản lý đường thủy nội địa thông báo. Với hành vi không dỡ, di chuyển 50 lồng cá trên sông G khi được cơ quan có thẩm quyền quản lý đường thủy nội địa thông báo, Hợp tác xã B bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 13 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trong hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản (bè cá, lồng cá, đăng, đáy cá, bãi nuôi trồng thủy sản, hải sản) như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Đánh bắt thủy sản, hải sản lưu động hoặc đặt ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản gây cản trở giao thông;

b) Không dỡ, di chuyển ngư cụ, dụng cụ, phương tiện khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản khi chấm dứt hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản hoặc không theo thông báo của đơn vị quản lý đường thủy nội địa;

c) Thực hiện không đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 10 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc di dời ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 nêu trên;

b) Buộc dỡ bỏ, di dời, thu hẹp ngư cụ, dụng cụ khai thác, nuôi trồng thủy sản, hải sản đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 nêu trên.

Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định số 139/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, Hợp tác xã B sẽ bị xử phạt hành chính với mức tiền từ 2.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc Hợp tác xã B dỡ bỏ, di dời 50 lồng cá trên sông G.

 

Xử phạt hành chính đối với hành vi không trang bị áo phao đầy đủ cho khách ngồi trên thuyền

Tình huống 11. Hợp tác xã A đăng ký 05 chiếc thuyền chở khách từ đập sông T vào Thiền viện Trúc Lâm. Trong dịp lễ, lượng khách rất đông nên nhiều khách ngồi trên thuyền không được trang bị áo phao. Với hành vi không trang bị áo phao đầy đủ cho khách ngồi trên thuyền, Hợp tác xã A bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 16 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về thiết bị, dụng cụ an toàn của phương tiện như sau:

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi không trang bị hoặc trang bị không đủ áo phao hoặc dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân theo quy định, mức phạt tính trên mỗi áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân.

2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây, áp dụng đối với phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc sức chở dưới 5 người hoặc bè khi hoạt động trên đường thủy nội địa, mức phạt tính trên mỗi thiết bị, dụng cụ:

a) Trang bị không đủ số lượng thiết bị, dụng cụ an toàn (trừ áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân), dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dụng cụ neo đậu, dụng cụ liên kết phương tiện;

b) Trang bị không đúng chủng loại, bố trí không đúng vị trí, sử dụng quá thời hạn quy định của thiết bị, dụng cụ an toàn (trừ áo phao và dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân), dụng cụ cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy, phòng ngừa ô nhiễm môi trường, dụng cụ neo đậu, dụng cụ liên kết phương tiện.

3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người có mỗi hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều nêu trên.

4. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên, áp dụng đối với phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính từ 5 sức ngựa đến 15 sức ngựa hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người.

5. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 nêu trên, áp dụng đối với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn, phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 15 sức ngựa, phương tiện có sức chở trên 12 người, phương tiện có công dụng tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, nhà hàng nổi, khách sạn nổi.

6. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không lắp đặt, trang bị thiết bị thông tin hoặc thiết bị nhận dạng tự động (AIS) trên mỗi phương tiện theo quy định hoặc không duy trì hoạt động của thiết bị thông tin hoặc thiết bị nhận dạng tự động (AIS) theo quy định, áp dụng đối với mỗi thiết bị.

Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định số 139/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, căn cứ vào số lượng người không được trang bị áo phao và loại thuyền, Hợp tác xã A sẽ bị xử phạt với mức tiền gấp 02 lần số tiền tương ứng với từng khoản theo quy định viện dẫn như trên.

Xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng thuyền đã quá niên hạn sử dụng vào hoạt động kinh doanh

Tình huống 12. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Long đăng ký 20 thuyền hoạt động kinh doanh trên đầm phá T, xã H, huyện M. Trong số 20 thuyền đang hoạt động trên đầm phá T thì có 02 thuyền đã quá niên hạn sử dụng 1 năm. Với hành vi sử dụng 02 thuyền đã quá niên hạn sử dụng 1 năm vào hoạt động kinh doanh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Long bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 18 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về niên hạn sử dụng của phương tiện như sau:

1. Phạt tiền từ 65.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi khai thác, sử dụng phương tiện quá niên hạn sử dụng theo quy định.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên.

Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định số 139/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi sử dụng 02 thuyền đã quá niên hạn sử dụng 1 năm vào hoạt động kinh doanh, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên An Long bị xử phạt hành chính với mức tiền 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng và tước quyền sử dụng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn từ 09 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm này.

Xử phạt hành chính đối với hành vi không cứu giúp du khách bị nạn khi có điều kiện

Tình huống 13. Thuyền của doanh nghiệp vận tải A đang chở khách du lịch tham quan trên sông H, thành phố K thì xảy ra va chạm với thuyền của doanh nghiệp vận tải B, làm du khách trên 02 thuyền bị thương rất nặng, 02 thuyền hư hỏng không hoạt động. Ngay lúc xảy ra tai nạn có thuyền của doanh nghiệp vận tải C đi ngang qua mặc dù có điều kiện cứu vớt du khách nhưng Giám đốc của doanh nghiệp vận tải C ra lệnh cho thuyền trưởng tăng tốc bỏ đi mà không cứu giúp du khách bị nạn. Với hành vi không cứu giúp du khách bị nạn khi có điều kiện thì Giám đốc của doanh nghiệp vận tải C bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 24 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không thông báo kịp thời cho cơ quan Công an, Cảng vụ hoặc Ủy ban nhân dân địa phương nơi gần nhất khi xảy ra tai nạn giao thông đường thủy nội địa.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người gây tai nạn có mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không có mặt đúng thời gian triệu tập của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

b) Không cung cấp đầy đủ tài liệu, vật chứng liên quan đến tai nạn.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không bảo vệ hoặc làm thay đổi dấu vết, vật chứng liên quan đến tai nạn.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây:

a) Không tham gia tìm kiếm, cứu nạn khi có điều kiện hoặc tham gia nhưng không chấp hành hiệu lệnh của người chỉ huy hiện trường;

b) Gây mất trật tự, cản trở việc cứu nạn, xử lý tai nạn.

5. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi gây tai nạn mà bỏ trốn nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi không cứu giúp du khách bị nạn khi có điều kiện, Giám đốc của doanh nghiệp vận tải C bị xử phạt hành chính  với mức phạt tiền 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Mức phạt tiền đối với hành vi không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về vận tải hàng hóa nguy hiểm mà vận chuyển

Tình huống 14. Doanh nghiệp Thanh Lan ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải Hùng Anh vận chuyển 500kg pháo hoa từ thành phố T về thành phố Đ. Tuy nhiên, trong quá trình vận chuyển 500kg pháo hóa từ thành T về thành phố Đ, doanh nghiệp vận tải Hùng Anh không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về vận tải hàng hóa nguy hiểm. Hành vi của doanh nghiệp vận tải Hùng Anh bị xử phạt hành chính với mức tiền bao nhiêu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 42/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ quy định về danh mục hàng hoá nguy hiểm, vận chuyển hàng hoá nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường thuỷ nội địa, Pháo hoa thuộc danh mục hàng hóa nguy hiểm.

- Khoản 2 Điều 36 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm quy định về vận tải hàng hóa nguy hiểm như sau:

Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về vận tải hàng hóa nguy hiểm hoặc không có Kế hoạch ứng cứu ô nhiễm dầu, ô nhiễm hóa chất từ phương tiện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định khi vận tải xăng, dầu, chất lỏng độc hại.

- Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 139/2021/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau: Mức phạt tiền đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính quy định tại Chương II của Nghị định số 139/2021/NĐ-CP là mức phạt tiền đối với cá nhân; trường hợp có cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền về vận tải hàng hóa nguy hiểm mà vận chuyển thì bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Quy định đối với xe ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định

Tình huống 15. Anh Dương Văn An là Giám đốc Công ty cổ phần Trường An. Công ty cổ phần Trường An có kế hoạch kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định từ thành phố Huế đến thành phố T. Anh Dương Văn An muốn biết đối với xe ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định cần phải tuân thủ những quy định nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 20 Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT ngày 29 tháng 5 năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ quy định đối với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định như sau:

1. Phải đáp ứng các quy định tại khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP.

2. Được niêm yết thông tin theo quy định tại khoản 4 Điều 19 của Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT.

3. Số lượng, chất lượng, cách bố trí ghế ngồi, giường nằm trong xe phải đảm bảo đúng theo thiết kế của xe và được đánh số thứ tự lớn dần từ phía trước đến phía sau xe.

4. Trên xe phải trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định.

5. Có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 12/2020/TT-BGTVT. Phù hiệu được dán cố định tại góc trên bên phải ngay sát phía dưới vị trí của Tem kiểm định, mặt trong kính chắn gió phía trước của xe.

6. Phía sau ghế ngồi hoặc bên cạnh giường nằm phải có Bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm, các nội dung chính gồm: quy định dây an toàn phải được cài chặt trước khi xe chạy và hướng dẫn cài dây an toàn (nếu có); hướng dẫn sắp xếp hành lý; bảng cấm hút thuốc lá trên xe; hướng dẫn sử dụng hệ thống điện trên xe (nếu có); hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.

7. Trong cùng một thời điểm, mỗi xe chỉ được đăng ký và khai thác tối đa 02 tuyến vận tải hành khách cố định, các tuyến này được phép nối tiếp nhau (có bến xe nơi đến của tuyến đã kết thúc hành trình là bến xe nơi đi của tuyến tiếp theo).

Khoản 4 Điều 4 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định:

- Phải có chỗ ưu tiên cho người khuyết tật, người cao tuổi và phụ nữ mang thai;

- Phải có phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe;

- Phải được niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe.

Như vậy, xe ô tô vận tải hành khách theo tuyến cố định cần phải tuân thủ theo những quy định viện dẫn như trên.

 

                                                                                                   Hồ Thị Ly

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.708.248
Lượt truy cập hiện tại 7.168