Giới thiệu các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi
Ngày cập nhật 23/04/2012

Nuôi con nuôi là hiện tượng xã hội xảy ra ở các quốc gia và đều được pháp luật các nước điều chỉnh. Ở nước ta, trong hoàn cảnh đất nước còn phải chịu những di chứng nặng nề của chiến tranh, điều kiện kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, mức thu nhập của nhân dân còn thấp, nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần có mái ấm gia đình, thì vấn đề nuôi con nuôi càng trở nên cấp thiết trong đời sống xã hội. Bên cạnh ý nghĩa tạo mái ấm gia đình cho trẻ em, việc nuôi con nuôi còn góp phần đáp ứng nhu cầu chính đáng của vợ chồng nhận con nuôi, nhất là những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm con; phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, sống đơn thân.

Trong những năm qua, pháp luật về nuôi con nuôi ở nước ta đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường gia đình; động viên, khơi dậy tinh thần nhân đạo, nhân văn của con người Việt Nam; giữ gìn và phát huy truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách trong nhân dân.
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, pháp luật về nuôi con nuôi đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Vì vậy, việc ban hành một đạo luật riêng về nuôi con nuôi nhằm tạo khung khổ pháp lý thống nhất, ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài để thu hút sự quan tâm, ủng hộ và giúp đỡ của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ em, nâng cao trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức và xã hội trong việc bảo đảm quyền của trẻ em là hết sức cần thiết.
Để đáp ứng yêu cầu hết sức cần thiết nêu trên, vấn đề nuôi con nuôi đã được quy định tại các văn bản pháp luật mới như: Luật nuôi con nuôi; các văn bản hướng dẫn thi hành.
I. Những nội dung chủ yếu của Luật Nuôi con nuôi và văn bản hướng dẫn thi hành
1. Luật Nuôi con nuôi

Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội khoá XII, tại kỳ họp thứ 7 đã thông qua Luật nuôi con nuôi. Luật gồm 5 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2011. Luật quy định về các vấn đề cơ bản sau:
1.1 Chương I “Những quy định chung” gồm 13 điều (từ Điều 1 đến Điều 13), quy định những vấn đề chung nhất liên quan đến nuôi con nuôi, bao gồm mục đích, nguyên tắc nuôi con nuôi; thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế cho trẻ em; khuyến khích hỗ trợ nhân đạo cho việc chăm sóc trẻ em; người được nhận làm con nuôi; thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi, giải quyết yêu cầu chấm dứt nuôi con nuôi; lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài và các hành vi bị cấm liên quan đến nuôi con nuôi.
1.2. Chương II “Nuôi con nuôi trong nước” gồm 14 điều (từ Điều 14 đến Điều 27), quy định cụ thể về những điều kiện đối với người nhận con nuôi trong nước; trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đăng ký nhu cầu nhận con nuôi; hồ sơ, thời hạn, trình tự, thủ tục giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi tại Uỷ ban nhân dân cấp xã; nghĩa vụ báo cáo và theo dõi về tình hình phát triển của trẻ em sau khi được nhận làm con nuôi; những hệ quả phát sinh từ việc nuôi con nuôi; căn cứ yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi và hệ quả của việc chấm dứt nuôi con nuôi.
 1.3. Chương III “Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài” gồm 16 điều (từ Điều 28 đến Điều 43), quy định về các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; về điều kiện của người nhận con nuôi; về hồ sơ, thời hạn, trình tự, thủ tục giới thiệu và giải quyết cho trẻ em làm con nuôi người nước ngoài; về nghĩa vụ báo cáo tình hình phát triển của trẻ em sau khi được nhận làm con nuôi ở nước ngoài; về việc giải quyết các thủ tục cho công dân Việt Nam nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi; về nuôi con nuôi ở khu vực biên giới và về tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
1.4. Chương IV “Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước về nuôi con nuôi” gồm 6 điều (từ Điều 44 đến Điều 49), quy định trách nhiệm của Chính phủ, của Bộ Tư pháp trong việc giúp Chính phủ thực hiện quản lý về nuôi con nuôi; trách nhiệm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành hữu quan trong việc phối hợp với Bộ Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về nuôi con nuôi; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp về nuôi con nuôi.
1.5. Chương V “Điều khoản thi hành” gồm 03 điều (từ Điều 50 đến Điều 52) quy định về giai đoạn chuyển tiếp; bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình và hiệu lực thi hành. 
2. Văn bản hướng dẫn thi hành
2.1. Nghị định

Ngày 21 tháng 3 năm 2011, Chính phủ cũng đã ban hành  Nghị định số 19/2011/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật nuôi con nuôi (sau đây gọi tắt là Nghị định số 19/2011/NĐ-CP). Nghị định gồm 5 chương, 52 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 08 tháng 5 năm 2011. Nghị định quy định về các vấn đề cơ bản sau:
Quy định chi tiết việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng hỗ trợ nhân đạo để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Điều 7; thẩm quyền thu, mức thu, việc miễn, giảm, chế độ quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài theo Điều 12; thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với công dân của nước láng giềng thường trú ở khu vực biên giới theo Điều 42; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng lệ phí và thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi giấy phép hoạt động của tổ chức con nuôi nước ngoài tại Việt Nam theo Điều 43; thủ tục đăng ký việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau trước ngày 01 tháng 01 năm 2011 mà chưa đăng ký theo quy định tại Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi.
Hướng dẫn thi hành một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi trong nước, nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Cơ quan đại diện), nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo các Điều 9, 15, 17, 18, 20, 21, 22, 28, 30, 31, 32, 33, 34, 36 của Luật Nuôi con nuôi; đăng ký lại việc nuôi con nuôi và công nhận việc nuôi con nuôi đã đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài. Hướng dẫn một số điều khoản chuyển tiếp và bãi bỏ các quy định về nuôi con nuôi tại các Nghị định liên quan.
2.2. Thông tư
Ngày 21 tháng 11 năm 2011, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 21/2011/TT-BTP về việc quản lý văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam(sau đây gọi tắt là Thông tư số 21/2011/TT-BTP). Thông tư gồm 5 chương, 18 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 01 năm 2012. Thông tư quy định về các vấn đề cơ bản sau:
 Hướng dẫn chi tiết thi hành một số quy định của Luật Nuôi con nuôi và Nghị định số 19/2011/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Nuôi con nuôi về thủ tục cấp, gia hạn, sửa đổi Giấy phép hoạt động nuôi con nuôi nước ngoài tại Việt Nam của tổ chức con nuôi nước ngoài; quyền, nghĩa vụ của Văn phòng con nuôi nước ngoài; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam.
II. Giới thiệu một số nội dung cơ bản về nuôi con nuôi trong nước
Luật Nuôi con nuôi quy định một số nội dung cơ bản về việc Nuôi con nuôi trong nước như sau:
1. Nguyên tắc giải quyết việc nuôi con nuôi

Khi giải quyết việc nuôi con nuôi phải tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc; Việc nuôi con nuôi phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội; Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
2. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế
Để bảo vệ quyền lợi của trẻ em, tại Điều 5 Luật Nuôi con nuôi quy định thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế:
- Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;
- Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.
3. Điều kiện của người được nhận làm con nuôi và người nhận làm con nuôi
3.1. Người được nhận làm con nuôi

Theo Điều 8 Luật Nuôi con nuôi thì người được nhận làm con nuôi phải thỏa mãn điều kiện sau:
Trẻ em dưới 16 tuổi. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi; được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.
3.2 Người nhận con nuôi
Theo Điều 14 Luật Nuôi con nuôi quy định điều kiện đối với người nhận con nuôi:
Người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện sau đây: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi;có tư cách đạo đức tốt.
Những người sau đây không được nhận con nuôi: Đang bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; đang chấp hành quyết định xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang chấp hành hình phạt tù; chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác; ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình; dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.
Trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ; mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng quy định: Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi.
4. Các hành vi bị cấm
Ngoài quy định các điều kiện đối với các chủ thể nhận và được nhận làm con nuôi, nhằm ngăn ngừa các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động của trẻ em, mua bán trẻ em, vi phạm pháp luật về dân số, vị phạm pháp luật về người có công với đất nước…, Luật Nuôi con nuôi quy định 7 hành vi bị cấm, gồm:
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
- Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
- Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
- Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
- Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
- Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
5. Các chủ thể có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em
Việc tìm gia đình thay thế trong nước cho trẻ em nhằm bảo đảm cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…) có cơ hội được người trong nước nhận làm con nuôi, được nuôi dưỡng và lớn lên ngay trên đất nước mình, được hòa nhập với cộng đồng dân tộc, hòa nhập với bản sắc dân tộc, được nói ngôn ngữ…nước Việt Nam là mục tiêu trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em của Đảng và Nha nước Việt Nam. Vì vậy tại Điều 15 của Luật Nuôi con nuôi xác định cụ thể các chủ thể có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em:
5.1. Đối với trẻ em bị bỏ rơi:  
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
5.2. Đối với trường hợp trẻ em mồ côi:
Trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết. Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng.
5.3. Đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng:
Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách gửi Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo 03 lần liên tiếp trên báo viết hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác của tỉnh. Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Sở Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Sở Tư pháp gửi danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho Bộ Tư pháp.
Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Bộ Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế. Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.
6. Trình tự, thủ tục cho nhận con nuôi
6.1. Hồ sơ của người nhận con nuôi:
Hồ sơ của người nhận con nuôi trong nước được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ:
- Đơn xin nhận con nuôi;
- Bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế;
- Phiếu lý lịch tư pháp;
- Văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân;
- Giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, trừ trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ; mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi.
Việc xác nhận văn bản về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi không cùng thường trú trên cùng địa bàn xã được thực hiện như sau:
- Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người được nhận làm con nuôi, thì văn bản về hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi do Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi người đó thường trú xác nhận.
- Trường hợp người nhận con nuôi nộp hồ sơ đăng ký việc nuôi con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó thường trú, thì công chức tư pháp – hộ tịch xác minh hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi.
 Thời hạn của một số loại giấy tờ như: Phiếu lý lịch tư pháp, giấy khám sức khỏe, văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế của người nhận con nuôi trong nước có giá trị sử dụng nếu được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
6.2. Hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước
Theo Điều 18 Luật Nuôi con nuôi quy định hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi trong nước gồm có:
- Giấy khai sinh;
- Giấy khám sức khỏe do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp;
- Hai ảnh toàn thân, nhìn thẳng chụp không quá 06 tháng;
- Biên bản xác nhận do Ủy ban nhân dân hoặc Công an cấp xã nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi lập đối với trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của trẻ em là đã chết đối với trẻ em mồ côi; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất tích đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ đẻ mất tích; quyết định của Tòa án tuyên bố cha đẻ, mẹ đẻ của người được giới thiệu làm con nuôi mất năng lực hành vi dân sự đối với người được giới thiệu làm con nuôi mà cha đẻ, mẹ để mất năng lực hành vi dân sự;
- Quyết định tiếp nhận đối với trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng.
Cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ lập hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi sống tại gia đình; cơ sở nuôi dưỡng lập hồ sơ của trẻ em được giới thiệu làm con nuôi sống tại cơ sở nuôi dưỡng.
6.3. Thẩm quyền giải quyết, thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi
Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
Người nhận con nuôi phải nộp hồ sơ của mình và hồ sơ của người được giới thiệu làm con nuôi tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được giới thiệu làm con nuôi thường trú hoặc nơi người nhận con nuôi thường trú.
Thời hạn giải quyết việc nuôi con nuôi là 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ nuôi con nuôi, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ con nuôi. trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, tiến hành lấy ý kiến của cha mẹ đẻ của người được nhận làm con nuôi; nếu cha đẻ hoặc mẹ đẻ đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người còn lại; nếu cả cha mẹ đẻ đều đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc không xác định được thì phải được sự đồng ý của người giám hộ; trường hợp nhận trẻ em từ đủ 09 tuổi trở lên làm con nuôi thì còn phải được sự đồng ý của trẻ em đó. Cha mẹ đẻ chỉ được đồng ý cho con làm con nuôi sau khi con đã được sinh ra ít nhất 15 ngày.
6.4. Đăng ký việc nuôi con nuôi
- Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật Nuôi con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch. Giấy chứng nhận nuôi con nuôi được gửi Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của người nhận con nuôi hoặc của người được nhận làm con nuôi.
- Trường hợp Ủy ban nhân dân cấp xã từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản cho người nhận con nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng và nêu rõ lý do.
7. Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi
Luật Nuôi con nuôi quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ nuôi và con nuôi, kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác của gia đình cha mẹ nuôi cũng có các quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Mặc khác nhằm bảo đảo sự hòa nhập của con nuôi vào gia đình cha mẹ nuôi, Luật Nuôi con nuôi còn quy định, theo yêu cầu của cha mẹ nuôi, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thay đổi họ, tên của con nuôi. Việc thay đổi họ, tên của con nuôi từ đủ 09 tuổi trở lên phải được sự đồng ý của người đó. Dân tộc của con nuôi là trẻ em bị bỏ rơi được xác định theo dân tộc của cha nuôi, mẹ nuôi.
 

Dương Thị Ngọc Hiền
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày