Sở Tư pháp triển khai công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2022-2025
Ngày cập nhật 08/09/2022

Ngày 31 tháng 8 năm 2022, Sở Tư pháp ban hành Kế hoạch số 1583/STP-KH triển khai công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2022-2025. 

Theo đó, Kế hoạch đề ra các nội dung truyền thông, thông điệp truyền thông và các nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Chú trọng vào các nội dung truyền thông sau:

- Tình hình HIV/AIDS ở Việt Nam và tại tỉnh Thừa Thiên Huế: Dịch HIV tiếp tục diễn biến ngày càng phức tạp. Đường lây truyền HIV đang thay đổi qua quan hệ tình dục không an toàn trong cả các nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới, người sử dụng ma túy tổng hợp, người bán dâm và bạn tình của các nhóm đối tượng trên. Từ đó cảnh báo dịch HIV sẽ ngày càng trở nên khó kiểm soát;

- Các văn bản quy phạm pháp luật và các quy định mới liên quan đến phòng chống HIV/AIDS trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống HIV/AIDS; Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30/6/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Chiến lược quốc gia kết thúc dịch AIDS vào năm 2030;

- Tư vấn và xét nghiệm HIV bao gồm xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và xét nghiệm nhiễm mới HIV;

- Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone: Lợi ích của điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone, tuân thủ điều trị cũng như việc cấp thuốc Methadone nhiều ngày cho người bệnh mang về;

- Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc kháng HIV (PrEP): Lợi ích cũng như sự cần thiết, cách tham gia cũng như tuân thủ điều trị; 

- Điều trị HIV bằng thuốc kháng vi rút (ARV): Lợi ích của điều trị sớm bằng thuốc ARV và tuân thủ điều trị. Việt Nam đã là một trong ít nước có chất lượng điều trị cho người nhiễm HIV đứng hàng đầu thế giới thông qua việc kiểm soát được tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện với tỷ lệ rất cao. Việt Nam cũng là số ít nước đã chuyển đổi thành công từ việc điều trị HIV chủ yếu bằng nguồn viện trợ sang nguồn bảo hiểm y tế, đảm bảo sự bền vững không chỉ cho chương trình và cả bệnh nhân tham gia điều trị;

- Giải pháp vượt qua các thách thức trong dịch COVID-19 để tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị HIV liên tục bao gồm các mô hình hay, các sáng kiến của hệ thống cung cấp dịch vụ, vai trò cộng đồng cũng như sự quan tâm của các nhà lãnh đạo trong bối cảnh dịch COVID-19 bao gồm cả các hướng dẫn và triển khai các hướng dẫn để khách hàng có thể tiếp cận được với các dịch vụ điều trị Methadone, ARV một cách liên tục;

- Thông tin, truyền thông về các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tấm gương thầy thuốc, cơ sở y tế, cá nhân điển hình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

2. Thông điệp truyền thông

Sử dụng bộ thông điệp cơ bản về HIV/AIDS và bộ thông điệp truyền thông cho nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đã xây dựng vào năm 2018 và năm 2020.

* Một số ví dụ về thông điệp truyền thông cơ bản:

Sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục:

        - “Bao cao su khỏe. Hai người vui”

        - “Thanh niên hiện đại, không ngại bao cao su”

Sử dụng bơm kim tiêm sạch:

        - “Dùng chung bơm kim tiêm – Nguy cơ nhiễm HIV”

               - “Đừng dùng chung bạn nhé”

               - “Hãy tiêm chích an toàn”

Điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiên bằng thuốc Methadone:

        - “Methadone – Liều thuốc vàng cho người nghiện chất dạng thuốc phiện”

        - “Methadone – Hồi sinh cuộc đời bạn”

        - “Bạn muốn từ bỏ heroin – Methadone sẽ giúp bạn”

PrEP - Dự phòng trước phơi nhiễm HIV:

        - “PrEP. Một viên mỗi ngày, đánh bay HIV”

        - “PrEP. Mỗi viên một ngày, đánh bay lo lắng”

        - “Sống hiện đại, ngại gì PrEP”

        - “PrEP hôm nay, hạnh phúc mai sau

        - “PrEP for love”

Xét nghiệm HIV:

        - “Tôi đã xét nghiệm, còn bạn?”

        - “Đảm bảo riêng tư, tự mình xét nghiệm”

        - Xét nghiệm HIV tại cộng đồng: “An tâm. Tin cậy. Nhanh nhạy. Sẻ chia

        - “Tôi đi xét nghiệm HIV vì muốn bảo vệ những người tôi yêu thương”

        - “Xét nghiệm HIV thế hệ mới, bạn đã thử chưa?”

        - “Ngày xưa chờ đợi mỏi mòn

        Ngày nay chính xác chỉ sau hai tuần*

        Không dao kéo, chẳng kim tiêm

        Chích nhanh đầu ngón không đau đâu mà!”

Điều trị ARV:

        - “Không phát hiện = Không lây truyền” (K=K/ U=U)

        - “Điều trị HIV sớm, cho hạnh phúc bền lâu”

Chemsex: Hi Fun – đã có PrEP

3. Nhiệm vụ trọng tâm

- Truyền thông, giáo dục, xây dựng, phổ biến và thực thi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống HIV/AIDS;

- Hỗ trợ tài liệu cho các đối tượng thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và Nhân dân thông qua hình thức cấp phát miễn phí để nâng cao nhận thức, kiến thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS;

- Tuyên truyền trên Đài Phát thanh, Truyền hình tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, chuyên trang phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Bản tin Tư pháp, Fanpage “Pháp luật với Cuộc sống”… về phòng, chống HIV/AIDS bao gồm dự phòng và điều trị HIV/AIDS giúp nâng cao nhận thức cộng đồng, chống kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, thay đổi hành vi nguy cơ cao ở nhóm người có hành vi nguy cơ cao; quảng bá các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, thúc đẩy mọi người chủ động phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá những phát minh, sáng kiến cũng như các thành tựu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đến nhân dân toàn tỉnh, tạo niềm tin của nhân dân, của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp phòng, chống HIV/AIDS;

- Tuyên truyền thông qua “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”;

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho chủ thể thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chuyên sâu theo từng chuyên đề, lĩnh vực qua đó lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống mại dâm, phòng chống HIV/AIDS và phòng, chống tội phạm mua bán người nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi tình dục an toàn, hạn chế nguy cơ bị mua bán, bị ép buộc làm mại dâm của người lao động khi di cư, tìm kiếm việc làm;

- Thực hiện chức năng trợ giúp pháp lý theo đúng quy định của pháp luật./.

 

Ngọc Hiền
       
Các tin khác
Xem tin theo ngày