Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản và một số kiến nghị
Ngày cập nhật 04/11/2013

Qua 03 năm thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (gọi là Nghị định số 17/2010/NĐ-CP), hoạt động bán đấu giá tài sản đã đạt được những kết quả đáng kể, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong việc củng cố và phát triển các tổ chức bán đấu giá tài sản tại địa phương, xã hội hóa hoạt động bán đấu giá tài sản, góp phần thống nhất pháp luật về trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản, đáp ứng nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này. Cùng với sự phát triển của hoạt động bán đấu giá tài sản, công tác quản lý nhà nước cũng được chú trọng và cần được tăng cường.

1. Công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản.
 Với nhiệm vụ tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về hoạt động bán đấu giá tài sản tại địa phương, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh triển khai các biện pháp nhằm củng cố, kiện toàn các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp và quản lý hoạt động theo yêu cầu cải cách tư pháp, như chỉ đạo xây dựng và thực hiện Đề án “Kiện toàn tổ chức và nâng cao hoạt động của Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2011-2015”; chỉ đạo chuyển giao thực hiện nhiệm vụ bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất sang cho các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; chỉ đạo thành lập các Hội đồng bán đấu giá tài sản cấp huyện,… Công tác thanh tra, kiểm tra được Sở Tư pháp tiến hành thường xuyên. Năm 2011 đã thanh tra Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh; năm 2012 đã thanh tra Chi nhánh Công ty cổ phần tư vấn-dịch vụ về tài sản-bất động sản DATC tại thành phố Huế. Các thiếu sót, vi phạm theo kết luận thanh tra đã được xử lý và khắc phục xong, các khiếu nại liên quan đến hoạt động bán đấu giá tài sản đều được giải quyết kịp thời đúng pháp luật, nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản trong thời gian qua còn nhiều vấn đề bất cập, như:
Thứ nhất, quy định về quản lý nhà nước trong Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Thông tư số 23/2010/TT-BTP của Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản (gọi là Thông tư số 23/2010/TT-BTP) còn thiếu, nội dung chưa rõ ràng vai trò của cơ quan chủ trì giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản chưa được phát huy đầy đủ. Ví dụ, khoản 2 Điều 19 Thông tư số 23/2010/TT-BTP quy định: Sở Tư pháp có nhiệm vụ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, theo dõi và cập nhật thông tin liên quan đến các doanh nghiệp bán đấu giá tài sản tại địa phương, nhưng lại không quy định cơ chế phối hợp, trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Thứ hai, quy định về điều kiện thành lập doanh nghiệp bán đấu giá tài sản giữa Nghị định số 17/2010/NĐ-CP và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (gọi là Nghị định số 43/2010/NĐ-CP) không thống nhất.
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định 17/2010/NĐ-CP: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên.
Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP quy định: Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Theo quy định nêu trên của Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì các doanh nghiệp được phép đăng ký hoạt động bán đấu giá, khi nào đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP thì được tổ chức bán đấu giá tài sản. Do vậy, trong thời gian qua các doanh nghiệp bán đấu giá được thành lập tương đối nhiều. Đa số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có hoạt động bán đấu giá tài sản. Các doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán đấu giá tài sản mà không có đấu giá viên; đăng ký nhưng không hoạt động bán đấu giá tài sản; không thông báo cho Sở Tư pháp về việc đăng ký kinh doanh.
Thứ ba, về việc lập danh sách đấu giá viên.
Điều 5 Thông tư số 23/2010/TT-BTP quy định: Tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp thực hiện đăng ký danh sách đấu giá viên và việc thay đổi, bổ sung danh sách đấu giá viên của tổ chức mình tại Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở chính hoặc nơi đặt trụ sở chi nhánh. Tuy nhiên, trong thực tế nếu các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp không thực hiện việc đăng ký thì Sở Tư pháp cũng không xử lý được, vì Nghị định số 60/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp không quy định xử phạt đối với hành vi này.
Hiện nay, Nghị định số 110/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp (có hiệu lực thi hành từ ngày 11/11/2013) đã có quy định xử phạt hành chính đối với hành vi không đăng ký danh sách đấu giá viên và việc thay đổi, bổ sung danh sách đấu giá viên.
Mặc dù Nghị định số 110/2013/NĐ-CP đã có quy định nhưng Thông tư số 23/2010/TT-BTP lại không quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày thì các tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp phải thực hiện việc đăng ký danh sách đấu giá viên, nên cơ quan quản lý nhà nước cũng không có cơ sở để xử phạt.
Thứ tư, về theo dõi, phát hiện và gửi văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá theo quy định. Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP thì Chứng chỉ hành nghề đấu giá do Bộ Tư pháp cấp và hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá được nộp trực tiếp tại Bộ Tư pháp, nên Sở Tư pháp không nắm được danh sách đầy đủ những người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá tại địa phương. Do vậy, việc theo dõi, phát hiện những đấu giá viên không còn đủ tiêu chuẩn để đề nghị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá là hết sức khó khăn.
Thứ năm, về hướng dẫn nghiệp vụ bán đấu giá tài sản cho các tổ chức bán đấu giá tài sản. Công chức làm công tác bổ trợ tư pháp còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Do phải theo dõi nhiều lĩnh vực và chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ đấu giá nên công tác này hầu như chưa thực hiện được. 
Thứ sáu, về Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm theo Quyết định số 38/2010/QĐ-UBND ngày 05/10/2010 của UBND tỉnh có nhiều điểm chưa phù hợp với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, Thông tư số 23/2010/TT-BTP, Thông tư số 48/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất (gọi là Thông tư 48/2012/TT-BTC) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, như quy định về xác định giá khởi điểm (Điều 12) không phù hợp với quy định tại Điều 5 Thông tư số 48/2012/TT-BTC; Tiền đặt cọc (Điều 15) trong khi Điều 29 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định là tiền đặt trước; quy định về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (Điều 20) không phù hợp với quy định tại Điều 16 Thông tư 23/2010/TT-BTP.
2. Một số kiến nghị.
- Đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 17/2010/NĐ-CP theo hướng: Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bán đấu giá tài sản phải là đấu giá viên; Doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề có kinh doanh dịch vụ bán đấu giá tài sản phải có ít nhất một đấu giá viên. Hồ sơ đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá được nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp nơi của người đề nghị cấp Chứng chỉ thường trú .
- Cần quy định trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ khi đăng ký kinh doanh hoặc có biến động về đấu giá viên thì tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp phải đăng ký, đăng ký thay đổi danh sách đấu giá viên
- Cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quản lý nhà nước về bán đấu giá tài sản.
- Cần tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý, nghiệp vụ tài chính, pháp luật về bán đấu giá tài sản cho công chức Sở Tư pháp làm công tác quản lý về bán đấu giá tài sản.
- Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 38/2010/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế bán đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để phù hợp với Nghị định của Chính phủ và các Thông tư của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính liên quan đến công tác bán đấu giá tài sản./.
 

Nguyễn Thị Thanh Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.559.977
Lượt truy cập hiện tại 15.254