Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Ủy quyền trong tố tụng hành chính
Ngày cập nhật 28/12/2023

Ủy quyền là một trong những căn cứ để xác lập quyền đại diện giữa người được đại diện và người đại diện, gọi là đại diện theo ủy quyền. Trong tố tụng hành chính, đại diện theo ủy quyền được quy định cụ thể tại Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

1. Người đại diện và người đại diện theo ủy quyền

Theo quy định tại Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, người đại diện trong tố tụng hành chính bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền.

- Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính có thể là một trong những người sau đây, trừ trường hợp người đó bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật: a) Cha, mẹ đối với con chưa thành niên; b) Người giám hộ đối với người được giám hộ; c) Người được Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; d) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do được bổ nhiệm hoặc bầu theo quy định của pháp luật; đ) Những người khác theo quy định của pháp luật.

- Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.

Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

- Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Khoản 3, 4 Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây: a) Theo thỏa thuận; b) Thời hạn ủy quyền đã hết; c) Công việc được ủy quyền đã hoàn thành; d) Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền; đ) Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết; người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại; e) Người đại diện không còn đủ điều kiện để làm người đại diện; g) Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được. Đại diện theo pháp luật chấm dứt trong trường hợp sau đây: a) Người được đại diện là cá nhân đã thành niên hoặc năng lực hành vi dân sự đã được khôi phục; b) Người được đại diện là cá nhân chết; c) Người được đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại; d) Căn cứ khác theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc luật khác có liên quan.

- Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của đương sự mà mình là đại diện.

Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng hành chính của người ủy quyền. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người thứ ba.

- Những người sau đây không được làm người đại diện: a) Nếu họ là đương sự trong cùng một vụ án với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện; b) Nếu họ đang là người đại diện trong tố tụng hành chính cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ án.

Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát, Thanh tra, Thi hành án; công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an không được làm người đại diện trong tố tụng hành chính, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

2. Ủy quyền trong kháng cáo

Theo quy định tại Điều 205 Luật Tố tụng hành chính năm 2015, người kháng cáo là cá nhân có năng lực hành vi tố tụng hành chính đầy đủ có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của đương sự có kháng cáo; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, đương sự đó phải ký tên hoặc điểm chỉ.

- Người kháng cáo nếu không tự mình kháng cáo thì có thể ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền có kháng cáo; họ, tên, địa chỉ của đương sự ủy quyền kháng cáo và văn bản ủy quyền; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

- Người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo pháp luật phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó, trường hợp tổ chức kháng cáo là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền cho người khác đại diện cho cơ quan, tổ chức kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền kháng cáo; tên, địa chỉ của đương sự là cơ quan, tổ chức ủy quyền; họ, tên, chức vụ của người đại diện theo pháp luật của đương sự là cơ quan, tổ chức đó và văn bản ủy quyền; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

 - Người đại diện theo pháp luật của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.

Trường hợp người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền cho người khác đại diện cho mình kháng cáo thì tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền; họ, tên, địa chỉ của người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền; họ, tên, địa chỉ của đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự; đồng thời ở phần cuối đơn kháng cáo, người đại diện theo ủy quyền phải ký tên hoặc điểm chỉ.

 - Việc ủy quyền nêu trên phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Trong văn bản ủy quyền phải có nội dung đương sự ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.

 Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định bị kháng cáo. Kèm theo đơn kháng cáo người kháng cáo gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định.

3. Một số vấn đề trao đổi

- Trong Luật Tố tụng hành chính, việc ủy quyền kháng cáo tại tại Điều 205 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 nêu rõ văn bản ủy quyền có nội dung ủy quyền kháng cáo bản án, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm phải có công chứng, chứng thực hợp pháp, trừ trường hợp văn bản ủy quyền đó được lập tại Tòa án có sự chứng kiến của Thẩm phán hoặc người được Chánh án Tòa án phân công. Tuy nhiên, ủy quyền tại Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 lại không yêu cầu về việc văn bản ủy quyền có công chứng, chứng thực không.

- Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật Dân sự. Tuy nhiên, xét những trường hợp chấm dứt dại diện tại khoản 3, 4 Điều 140 Bộ luật Dân sự năm 2015 có những trường hợp không tương thích với mối quan hệ hành chính trong tổ chức, hoạt động của cơ quan nhà nước.

Từ những nội dung nêu trên, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, quy định cụ thể về việc công chứng, chứng thực văn bản uỷ quyền tại Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và những trường hợp chấm dứt đại diện phù hợp với quan hệ hành chính./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.434.592
Lượt truy cập hiện tại 5.241