Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Trao đổi về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 15/12/2023

Về mặt nguyên tắc, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật (Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tuy nhiên, có những trường hợp mặc dù có hành vi vi phạm hành chính nhưng pháp luật quy định không xử phạt vì đó là những trường hợp ngoài khả năng, mong muốn của người có hành vi vi phạm. Cụ thể, tại Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định 05 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính sau đây: (1) Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết; (2) Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng; (3) Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ; (4) Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng; (5) Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính.

 

1. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết

Khoản 11 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Tình thế cấp thiết là tình thế của cá nhân, tổ chức vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa”.

Quy định trên tại Luật Xử lý vi phạm hành chính tương đồng với quy định tại Điều 23 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (Bộ luật Hình sự), cụ thể:

“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Điều kiện cấu thành tình thế cấp thiết phải là: có sự nguy hiểm thực tế đang gây ra hoặc đe dọa gây ra những thiệt hại nhất định cho lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác; việc gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm vì trong tình thế đó không còn cách nào khác; thiệt hại gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Ngoài ra, trong Bộ luật Hình sự còn nêu rõ hơn là “trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự”. Luật Xử lý vi phạm hành chính mặc dù không nêu nội dung này nhưng xét thấy, nếu đã không bảo đảm các điều kiện của tình thế cấp thiết thì phải chịu trách nhiệm về vi phạm hành chính theo quy định. Tuy nhiên, việc xác định “gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa” trên thực tế rất khó xác định.

2. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do phòng vệ chính đáng

Khoản 12 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của cá nhân vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm quyền, lợi ích nói trên”.

Tương ứng, Điều 22 Bộ luật Hình sự quy định về phòng vệ chính đáng:

“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”.

Quy định về phòng vệ chính đáng trong Luật Xử lý vi phạm hành chính tương đồng với Bộ luật Hình sự. Theo đó, phòng vệ chính đáng phải có các điều kiện: Hành vi phòng vệ chính đáng nhằm bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của nhà nước, của cơ quan, tổ chức; hành vi phòng vệ phải nhằm vào chính người tấn công, người đang có hành vi nguy hiểm cho các quan hệ xã hội được bảo vệ; hành vi phòng vệ phải “cần thiết”.

Để đánh giá sự chống trả là cần thiết, phù hợp với hành vi tấn công cần dựa vào những căn cứ: tính chất quan trọng của quan hệ xã hội bị đe dọa xâm hại; mức độ thiệt hại bị đe dọa gây ra; tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi tấn công; khả năng chống trả của người phòng vệ...

Bộ luật Hình sự nêu rõ trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định. Đối với xử phạt vi phạm hành chính, rõ ràng không quy định cụ thể như trong hình sự nhưng cũng được hiểu, nếu vượt ra ngoài phạm vi của phòng vệ chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hành chính theo quy định.

Tuy nhiên, một số yếu tố mang tính định tính khó xác định trong phòng vệ chính đáng, đó là như thế nào được xác định “chống trả lại một cách cần thiết”? Vấn đề này cũng là “khoảng trống” khó áp dụng trong thực hiện pháp luật.

3. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất ngờ

Khoản 13 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Sự kiện bất ngờ là sự kiện mà cá nhân, tổ chức không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi nguy hại cho xã hội do mình gây ra”.

Điều 20 Bộ luật Hình sự quy định về sự kiện bất ngờ: Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Các yếu tố của sự kiến bất ngờ gồm: hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội; không thể thấy trước hậu quả hoặc không bắt buộc phải nhìn thấy trước hậu quả.

Vấn đề đặt ra cho người áp dụng pháp luật là phải làm rõ yếu tố “Không thể thấy trước hậu quả hoặc không buộc phải nhìn thấy trước hậu quả” với trường hợp “buộc phải thấy trước hậu quả”.

4. Thực hiện hành vi vi phạm hành chính do sự kiện bất khả kháng

Khoản 14 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Đối với trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện xuất phát trực tiếp từ điều kiện, hoàn cảnh khách quan do dịch bệnh hoặc phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, để xác định việc có hay không xử phạt vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải xác minh, thu thập đầy đủ thông tin, số liệu, giấy tờ hoặc tài liệu có liên quan đến vi phạm hành chính để làm rõ các tình tiết của vụ việc cụ thể. Nếu xác định dịch bệnh là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành vi vi phạm hành chính; đối tượng thực hiện hành vi vi phạm không thể lường trước được hoàn cảnh dịch bệnh và không thể khắc phục được, mặc dù đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép để khắc phục, thì có thể áp dụng quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Xử lý vi phạm hành chính để không xử phạt vi phạm hành chính”.

Khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình”.

Các yếu tố xác định sự kiện bất khả kháng là: sự kiện xảy ra một cách khách quan; sự kiện xảy ra không thể lường trước được; sự kiện xảy ra không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép; sự kiện dẫn đến hậu quả thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

 5. Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính; người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính

- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính không có năng lực trách nhiệm hành chính

Khoản 15, 16 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Người không có năng lực trách nhiệm hành chính là người thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình”. “Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này”.

Khoản 1 Điều 22 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về mất năng lực hành vi dân sự: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.

Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự”.

Quy định về xác định người không có năng lực trách nhiệm hành chính tương đồng với xác định người mất năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên, tại Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định rõ căn cứ để xác định người bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác phải trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần và có quyết định tuyên bố của Toà án. Đối với trường hợp xác định người không có năng lực trách nhiệm hành chính thì việc xác định sẽ căn cứ vào cơ sở nào thì Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định.

- Người thực hiện hành vi vi phạm hành chính chưa đủ tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Từ những phân tích nêu trên về các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, một số quy định còn mang tính định tính, khó định lượng, khó xác định khi áp dụng vào thực tiễn, dẫn việc tình trạng chủ quan, theo ý chí của người áp dụng pháp luật. Do đó, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan đến các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.428.998
Lượt truy cập hiện tại 3.109