Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Trao đổi về thời điểm xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 15/12/2023

Theo quy định tại Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây: Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. Vi phạm hành chính về thuế thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

 

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính có ý nghĩa quan trọng trong xử phạt vi phạm hành chính. Đây là cơ sở để người có thẩm quyền xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì không được ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính[1].

Một trong những nội dung quan trọng để tính thời hiệu là xác định thời điểm để bắt đầu tính thời hiệu. Việc xác định thời điểm bắt đầu có tính quyết định trong áp dụng pháp luật liên quan đến thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và trong trường hợp lựa chọn văn bản pháp luật để áp dụng. Điều 7 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính được thực hiện trong một khoảng thời gian có nhiều nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước có hiệu lực, mà không xác định được nghị định để áp dụng theo Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thì việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật để xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được thực hiện như sau: Nếu hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để xử phạt; nếu hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện, thì áp dụng nghị định đang có hiệu lực tại thời điểm phát hiện hành vi vi phạm để xử phạt.

Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính[2] được xác định thành hai trường hợp như sau: (1) Đối với vi phạm hành chính đã kết thúc thì thời hiệu được tính từ thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm; (2) đối với vi phạm hành chính đang được thực hiện thì thời hiệu được tính từ thời điểm phát hiện hành vi vi phạm.

Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu được áp dụng theo quy định trên. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính. Trong thời hạn để tính thời hiệu mà cá nhân, tổ chức cố tình trốn tránh, cản trở việc xử phạt thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính được tính lại kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, cản trở việc xử phạt.

 Việc xác định hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc, hành vi vi phạm hành chính đang được thực hiện để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo nguyên tắc sau đây[3]:

- Hành vi vi phạm hành chính đã kết thúc là hành vi được thực hiện một lần hoặc nhiều lần và có căn cứ xác định hành vi đã thực hiện xong trước thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính.

- Hành vi vi phạm hành chính đang thực hiện là hành vi đang diễn ra tại thời điểm cơ quan, người có thẩm quyền phát hiện vi phạm hành chính và hành vi đó vẫn đang xâm hại trật tự quản lý nhà nước.

Trên cơ sở nguyên tắc xác định như trên, một số Nghị định xử phạt vi phạm hành chính nêu rõ những hành vi nào được tính thời điểm là “đã kết thúc”, hành vi nào được tính là “đang thực hiện”, như: Điều 4 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:

“3. Các hành vi vi phạm được xác định là đã kết thúc và thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm như sau:

a) Hành vi chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê đất trả tiền một lần, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, thuê đất trả tiền một lần, thừa kế, nhận thế chấp, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với đất không được giao dịch hoặc không đủ điều kiện giao dịch về quyền sử dụng đất theo quy định mà các bên liên quan đã hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng, văn bản giao dịch đã ký; thời điểm kết thúc hành vi giao dịch về quyền sử dụng đất là thời điểm thực hiện xong các nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng hoặc văn bản đã ký kết;

...

i) Hành vi của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của Luật nhà ở và khoản 4 Điều 13 của Luật kinh doanh bất động sản; nhưng sau thời hạn quy định chủ đầu tư đã khắc phục sai phạm. Thời điểm kết thúc hành vi vi phạm quy định tại điểm này là thời điểm đã nộp hồ sơ hoặc đã cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất để tự nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định;

k) Trường hợp hành vi vi phạm hành chính quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản này mà người có hành vi vi phạm không chứng minh được thời điểm kết thúc hành vi vi phạm thì được xác định là hành vi vi phạm còn trong thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.

4. Các hành vi vi phạm hành chính về đất đai quy định tại Nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này được xác định là hành vi vi phạm đang được thực hiện”.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng quy định:

2. Thời điểm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được quy định như sau:

a) Thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động xây dựng (trừ Điều 9, Điều 10, Điều 19, Điều 20, Điều 21 Nghị định này) và các hành vi quy định tại khoản 2 Điều 41, điểm b khoản 4 Điều 44, điểm a khoản 2 Điều 45, khoản 1 Điều 47, điểm a khoản 2 Điều 48, điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 55, khoản 3 Điều 57, điểm b khoản 1, điểm c, điểm đ, điểm e, điểm h, điểm i khoản 2 Điều 63 được tính từ ngày bàn giao công trình, hạng mục công trình theo quy định;

Đối với nhà ở riêng lẻ, thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm là ngày hoàn thành công trình được ghi hợp đồng thi công xây dựng công trình (nếu có) hoặc ngày đưa công trình vào sử dụng;

...

n) Hành vi quy định tại điểm c khoản 2 Điều 67 thì thời điểm chấm dứt hành vi vi phạm được tính từ ngày gửi kinh phí bảo trì theo quy định;

o) Các hành vi vi phạm về xây dựng quy định tại nghị định này mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k, điểm l, điểm m, điểm n khoản này thì người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào Luật Xử lý vi phạm hành chính và các hồ sơ tài liệu có liên quan để xác định thời điểm tính thời hiệu xử phạt”.

Bên cạnh một số Nghị định quy định khá rõ ràng về thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính, không ít Nghị định chưa xác định rõ vấn đề trên dẫn đến việc hiểu và áp dụng về thời điểm tính thời hiệu xử phạt hoàn toàn phụ thuộc vào người áp dụng, mang tính chủ quan, không bảo đảm tính thống nhất và đặt ra những vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước, tính nghiêm minh của pháp luật. Do đó, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu, hoàn thiện quy định về thời điểm tính thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực./.

 


[1] Khoản 1 Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

[2] Điều 6 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

[3] Khoản 1 Điều 8 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 20.986.922
Lượt truy cập hiện tại 10.996