Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số trao đổi về trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng đối tượng có hành vi vi phạm đã chết hoặc không còn tồn tại
Ngày cập nhật 01/12/2023

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đỏi bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) thì: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính. Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, người bị xử phạt vi phạm hành chính là “cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính”. Vấn đề đặt ra, trong trường hợp có hành vi vi phạm hành chính nhưng người thực hiện hành vi vi phạm đã chết hoặc tổ chức đã phá sản, giải thể (không còn tồn tại) thì có lập biên bản vi phạm hành chính không?

 

Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định về vấn việc có lập biên bản vi phạm hành chính hay không khi đối tượng có hành vi vi phạm hành chính không còn tồn tại. Tại Điều 75 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 19 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định về thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản. Tinh thần của các quy định này được thực hiện trong trường hợp đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì đối tượng bị xử phạt chết, mất tích, giải thể, phá sản.

Từ thực tiễn trên, có 02 quan điểm như sau:

- Quan điểm thứ nhất là không lập biên bản vi phạm hành chính. Khoản 1, 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính giải thích về vi phạm hành chính và xử phạt vi phạm hành chính đều chỉ rõ có đối tượng thực hiện hành vi vi phạm hành chính. Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định về lập biên bản vi phạm hành chính thì nội dung biên bản vi phạm hành chính phải có lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; biên bản phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký (trừ trường hợp Biên bản vi phạm hành chính được lập, gửi bằng phương thức điện tử); Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản. Biên bản vi phạm hành chính phải được lập đúng nội dung, hình thức, thủ tục theo quy định của Luật này và là căn cứ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản (quy định tại khoản 1 Điều 56, khoản 2 Điều 63 của Luật Xử lý vi phạm hành chính) và trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác. Do đó, biên bản vi phạm hành chính phải bảo đảm đầy đủ nội dung, bao gồm cả xác định đối tượng bị xử phạt thì mới bảo đảm quy định pháp luật. Từ các căn cứ này, không lập biên bản vi phạm hành chính khi đối tượng có hành vi vi phạm hành chính không còn tồn tại, nói cách khác, cá nhân chết, mất tích, tổ chức phá sản, giải thể thì không lập biên bản vi phạm hành chính nếu phát hiện có hành vi vi phạm hành chính.

- Quan điểm thứ hai: Vẫn lập biên bản vi phạm hành chính. Một trong những nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính là “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật”. Do đó, việc có hành vi vi phạm hành chính phải được ghi nhận để xử lý theo quy định.

Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định “Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản”. Điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP nêu rõ “Người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ khi phát hiện vi phạm hành chính phải lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với hành vi có dấu hiệu vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính hoặc không thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình, thì người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phải lập biên bản làm việc để ghi nhận sự việc và chuyển ngay biên bản đến người có thẩm quyền”.

Từ những căn cứ này, cho dù đối tượng có hành vi vi phạm hành chính không còn tồn tại thì vẫn phải lập biên bản vi phạm hành chính. Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp này không xác định được đối tượng có hành vi vi phạm hành chính, nghĩa là để trống nội dung liên quan đến cá nhân, tổ chức bị xử lý trong biên bản vi phạm hành chính. Về ký biên bản vi phạm hành chính, áp dụng điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP “Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm... hoặc trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất một người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến, thì phải ghi rõ lý do vào biên bản”. Việc giao biên bản vi phạm hành chính áp dụng điểm a khoản 6 Điều 12 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP “Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản, trừ trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính”.

Vậy biên bản vi phạm hành chính lập với mục đích gì? có ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính không? Theo quy định tại Điều 65 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính thì không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Người có thẩm quyền không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính nếu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành hoặc tang vật, phương tiện mà pháp luật có quy định hình thức xử phạt tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với hành vi vi phạm hành chính đó. Quyết định phải ghi rõ lý do không ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính; tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; biện pháp khắc phục hậu quả được áp dụng, trách nhiệm và thời hạn thực hiện. Việc tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản này không bị coi là đã bị xử phạt vi phạm hành chính. Các quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đều có căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính (mẫu quyết định MQĐ14, MQĐ15 được ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP).

Việc thi hành biện pháp khắc phục hậu quả áp dụng theo khoản 4 Điều 85 Luật Xử lý vi phạm hành chính “Trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2 Điều 65 của Luật này ... thì cơ quan nơi người có thẩm quyền xử phạt đang thụ lý hồ sơ vụ vi phạm hành chính phải tổ chức thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này. Chi phí cho việc tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách dự phòng cấp cho cơ quan đó”.

Trường hợp thi hành quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì có thể xem xét áp dụng như đối với trường hợp người bị xử phạt chết, mất tích, tổ chức bị xử phạt giải thể, phá sản tại điểm a khoản 2 Điều 19 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP “Cá nhân, tổ chức đang quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có trách nhiệm thi hành hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”. Tuy nhiên, trong trường hợp không xác định được cá nhân, tổ chức đang quản lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì phải xử lý như thế nào thì pháp luật chưa có quy định.

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật như trên, để thống nhất và có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm hành chính nhưng đối tượng có hành vi vi phạm không còn tồn tại, cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, quy định cụ thể về nội dung này./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.707.614
Lượt truy cập hiện tại 16.696