Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giám định tư pháp, dịch vụ giám định tư pháp ngoài tố tụng và một số vấn đề trao đổi
Ngày cập nhật 30/10/2023

1. Giám định tư pháp, dịch vụ giám định ngoài tố tụng

Theo quy định của Luật Giám định tư pháp năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây viết tắt là Luật Giám định tư pháp) thì cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Trong đó, phạm vi thực hiện giám định được quy định như sau:

Giám định viên tư pháp thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu của người trưng cầu, người yêu cầu giám định hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức được trưng cầu, yêu cầu (khoản 1 Điều 11 Luật Giám định tư pháp).

Người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định (khoản 3 Điều 18 Luật Giám định tư pháp).

Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định. Trường hợp tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định (khoản 2, 3 Điều 19 Luật Giám định tư pháp).

Tổ chức giám định tư pháp công lập thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định, yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp và thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức (Điều 2 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ-CP).

Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập (Văn phòng giám định tư pháp) được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. VPGĐTP thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức (điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 157/2020/NĐ-CP).

Như vậy, căn cứ theo mục đích giám định tại Luật Giám định tư pháp, có thể chia giám định thành hai loại là giám định tư pháp và dịch vụ giám định ngoài tố tụng. Trong đó, dịch vụ giám định ngoài tố tụng chỉ có tổ chức giám định tư pháp công lập và tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được thực hiện; và tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập chỉ được thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng.

Luật Giám định tư pháp nêu khái niệm giám định tư pháp tại khoản 1 Điều 2 của Luật: ”Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này”. Theo khái niệm này, giám định tư pháp phải có các đặc điểm cơ bản:

- Chủ thể thực hiện giám định tư pháp là người giám định tư pháp (bao gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc).

- Chủ thể trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp: cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; theo yêu cầu của người yêu cầu giám định. Trong đó, người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

- Phương thức thực hiện giám định tư pháp là dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn vấn đề được giám định trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành.

- Mục đích của giám định tư pháp là phục vụ cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

- Trình thự thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Khái niệm dịch vụ giám định ngoài tố tụng chưa được giải thích cụ thể tại Luật Giám định tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Qua phân tích từ ngữ, có thể hiểu dịch vụ giám định ngoài tố tụng có những đặc điểm cơ bản sau:

- Chủ thể thực hiện giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp công lập hoặc tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập

- Chủ thể yêu cầu giám định tư pháp: tổ chức, cá nhân

- Phương thức thực hiện giám định tư pháp là dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn vấn đề được giám định trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn chuyên ngành.

- Mục đích của giám định ngoài tố tụng không nhằm phục vụ cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính.

- Trình thự thủ tục thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Điểm khác biệt cơ bản của dịch vụ giám định ngoài tố tụng là mục đích giám định không phục vụ cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Chính vì vậy, chủ thể yêu cầu giám định không thuộc trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.

2. Vấn đề trao đổi

Từ khái niệm giám định tư pháp cho thấy, dịch vụ giám định ngoài tố tụng không phải là giám định tư pháp. Từ đó, một số vấn đề vướng mắc về mặt lý luận cần xem xét như sau:

- Về phạm vi điều chỉnh của Luật Giám định tư pháp: Điều 1 Luật Giám định tư pháp quy định phạm vi điều chỉnh: Luật này quy định về giám định viên tư pháp; tổ chức giám định tư pháp; người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; hoạt động giám định tư pháp; chi phí giám định tư pháp, chế độ, chính sách trong hoạt động giám định tư pháp và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với tổ chức, hoạt động giám định tư pháp. Như vậy, Luật Giám định tư pháp không đề cập đến phạm vi điều chỉnh về dịch vụ giám định ngoài tố tụng.

- Dịch vụ giám định ngoài tố tụng do tổ chức giám định tư pháp công lập và tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập cung cấp. Các tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được khuyến khích thành lập nhằm thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác giám định tư pháp. Tuy nhiên, giám định ngoài tố tụng không phải là giám định tư pháp nên không đáp ứng được nhu cầu về giám định phục vụ hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Điều này dẫn đến hệ quả là công tác xã hội hoá (thành lập các văn phòng giám định tư pháp) khó thu hút sự nguồn lực tham gia. Bên cạnh đó, đối với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người yêu cầu giám định tư pháp cũng không thể sử dụng các dịch vụ giám định ngoài tố tụng để phục vụ hoạt động hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính đã hạn chế sự lựa chọn, sử dụng dịch vụ giám định.

Từ thực tế trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể về dịch vụ giám định ngoài tố tụng để đáp ứng nhu cầu giám định chung của xã hội cũng như giám định phục vụ hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.686.509
Lượt truy cập hiện tại 4.084