Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định pháp luật về giám định
Ngày cập nhật 30/10/2023

Ngoài quy định về giám định tư pháp theo Luật Giám định tư pháp năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây viết tắt là Luật Giám định tư pháp), giám định còn được quy định tại các Luật điều chỉnh các lĩnh vực khác.

 

1. Dịch vụ giám định thương mại

Dịch vụ giám định thương mại được quy định tại Luật Thương mại năm 2005 và Nghị định số 20/2006/NĐ-CP ngày 20/02/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 120/2011/NĐ-CP ngày 16/12/2011 của Chính phủ.

Điều 254, 255 Luật Thưong mại năm 2005 quy định: Dịch vụ giám định là hoạt động thương mại, theo đó một thương nhân thực hiện những công việc cần thiết để xác định tình trạng thực tế của hàng hoá, kết quả cung ứng dịch vụ và những nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.

- Chủ thể yêu cầu giám định: cá nhân, tổ chức trong quan hệ hợp đồng thương mại.

- Lính vực giám định: Giám định bao gồm một hoặc một số nội dung về số lượng, chất lượng, bao bì, giá trị hàng hoá, xuất xứ hàng hoá, tổn thất, độ an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh, phòng dịch, kết quả thực hiện dịch vụ, phương pháp cung ứng dịch vụ và các nội dung khác theo yêu cầu của khách hàng.

- Người giám định là Giám định viên. Giám định viên là những người đủ tiêu chuẩn theo quy định của Luật Thương mại (có trình độ đại học hoặc cao đẳng phù hợp với yêu cầu của lĩnh vực giám định; có chứng chỉ chuyên môn về lĩnh vực giám định trong trường hợp pháp luật quy định phải có chứng chỉ chuyên môn; có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định hàng hoá, dịch vụ) được giám đốc doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ giám định công nhận.

Cơ quan nhà nước yêu cầu giám định có trách nhiệm trả thù lao giám định cho thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định theo thỏa thuận giữa hai bên trên cơ sở giá thị trường

- Kết quả của hoạt động giám định thương mại được thể hiện qua Chứng thư giám định, cụ thể tại các Điều 260, 261, 262 Luật Thương mại năm 2005 quy định: Chứng thư giám định là văn bản xác định tình trạng thực tế của hàng hóa, dịch vụ theo các nội dung giám định được khách hàng yêu cầu. Chứng thư giám định phải có chữ ký của người đại diện có thẩm quyền của thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định, chữ ký, họ tên của giám định viên và phải được đóng dấu nghiệp vụ được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Chứng thư giám định chỉ có giá trị đối với những nội dung được giám định. Thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả và kết luận trong Chứng thư giám định.

Chứng thư giám định có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định nếu bên yêu cầu giám định không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định.

Trong trường hợp các bên có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định đó có giá trị pháp lý đối với tất cả các bên nếu không chứng minh được kết quả giám định không khách quan, không trung thực hoặc sai về kỹ thuật, nghiệp vụ giám định. Trong trường hợp các bên không có thoả thuận về việc sử dụng chứng thư giám định của một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cụ thể thì chứng thư giám định chỉ có giá trị pháp lý đối với bên yêu cầu giám định. Bên kia trong hợp đồng có quyền yêu cầu giám định lại. Khi chứng thư giám định lại có kết quả khác với chứng thư giám định ban đầu thì xử lý như sau: a) Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định ban đầu thừa nhận kết quả của chứng thư giám định lại thì kết quả của chứng thư giám định lại có giá trị pháp lý với tất cả các bên; b) Trường hợp thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định cấp chứng thư giám định ban đầu không thừa nhận kết quả của chứng thư giám định lại thì các bên thoả thuận lựa chọn một thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định khác giám định lại lần thứ hai. Kết quả giám định lại lần thứ hai có giá trị pháp lý với tất cả các bên.

Ngoài ra, Luật Thưong mại năm 2005 và Nghị định số 20/2006/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 120/2011/NĐ-CP quy định về thương nhân kinh doanh dịch vụ giám định thương mại, điều kiện, phạm vi kinh doanh dịch vụ giám định thương mại; về giám định viên,... 

2. Giám định trong hoạt động thanh tra

Theo quy định tại Điều 87 Luật Thanh tra năm 2022 và các Điều 34-39 Nghị định số 43/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra thì giám định trong hoạt động thanh tra như sau:

- Trường hợp giám định: Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận.

- Chủ thể trưng cầu: Trưởng đoàn thanh tra đề nghị người ra quyết định thanh tra quyết định việc trưng cầu giám định.

- Chủ thể thực hiện giám định: cơ quan, tổ chức có chuyên môn cùng cấp giám định về nội dung, cụ thể: Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương, các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức giám định ngoài công lập.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có các quyền: Thành lập Hội đồng giám định gồm những người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung được yêu cầu giám định; lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung được yêu cầu giám định; sử dụng kết quả giám định để đưa ra kết luận giám định; được nhận thù lao giám định.

Được quyền từ chối thực hiện giám định trong các trường hợp nội dung yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giám định, phải thông báo cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có nghĩa vụ: thực hiện việc giám định theo đúng nội dung và thời gian theo yêu cầu giám định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định; không được thông báo kết quả giám định cho bên thứ ba.

- Hình thức trưng cầu giám định: Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn thực hiện việc giám định trong đó nêu rõ nội dung cần giám định và thời hạn thực hiện giám định.

- Thời gian thực hiện giám định: Thời gian giám định do người ra quyết định thanh tra quyết định. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cơ quan, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

- Hình thức thể hiện kết quả giám định là kết luận giám định. Kết luận giám định bao gồm các nội dung sau đây: Cơ quan, tổ chức thực hiện giám định; tên cơ quan yêu cầu giám định; thông tin xác định đối tượng giám định; thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định; nội dung yêu cầu giám định; phương pháp thực hiện giám định; kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo yêu cầu giám định; thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định. Kết luận giám định là một trong những căn cứ để cơ quan thực hiện chức năng thanh tra kết luận về nội dung thanh tra.

- Kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả và được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp luật có quy định khác. Hằng năm, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra lập dự toán kinh phí trưng cầu giám định.

3. Giám định trong giải quyết khiếu nại

Giám định trong khiếu nại được quy định tại Điều 15 và Điều 29 Luật Khiếu nại năm 2011.  Theo đó, trưng cầu giám định là quyền của người giải quyết khiếu nại lần hai và là quyền, nghĩa vụ của người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại.

Theo quy định của Luật Khiếu naị và Điều 24 Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại, giám định trong giải quyết khiếu nại như sau:

- Trường hợp giám định: khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung khiếu nại.

- Chủ thể trưng cầu giám định: Người giải quyết khiếu nại lần hai, người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại quyết định việc trưng cầu giám định.

Người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan có thể đề nghị người giải quyết khiếu nại trưng cầu giám định. Khi xét thấy đề nghị của người khiếu nại, người bị khiếu nại và cơ quan, tổ chức có liên quan có cơ sở thì người giải quyết khiếu nại quyết định trưng cầu giám định.

- Hình thức trưng cầu giám định: người giải quyết khiếu nại ban hành quyết định trưng cầu giám định và văn bản đề nghị cơ quan, tổ chức giám định (văn bản nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định, thông tin, tài liệu cần giám định, nội dung yêu cầu giám định, thời hạn có kết luận giám định).

- Chủ thể thực hiện giám định: cơ quan, tổ chức giám định.

- Thời hạn giám định: theo yêu cầu của người trưng cầu.

4. Giám định trong tố cáo

Giám định trong tố cáo được đề cập đến tại điểm b khoản 1 Điều 34 của Luật Tố cáo năm 2018, cụ thể: một trong những căn cứ để người giải quyết tố cáo ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo là khi cần đợi kết quả giám định bổ sung, giám định lại.

Điều 15 Nghị định số 31/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo quy định trưng cầu giám định như sau:

- Trường hợp giám định: Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận nội dung tố cáo, xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

- Chủ thể trưng cầu: người giải quyết tố cáo quyết định việc trưng cầu giám định.

Trường hợp giao cơ quan thanh tra nhà nước xác minh nội dung tố cáo thì người giải quyết tố cáo có thể ủy quyền cho cơ quan thanh tra nhà nước quyết định việc trưng cầu giám định.

- Hình thức trưng cầu: Việc trưng cầu giám định được thực hiện bằng văn bản, trong đó nêu rõ tên cơ quan, tổ chức giám định; nội dung yêu cầu giám định; thời hạn đề nghị gửi kết luận giám định. Văn bản trưng cầu giám định được gửi cho người giải quyết tố cáo, người tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

- Chủ thể thực hiện giám định: Nghị định chỉ quy định chung là cơ quan, tổ chức. Cơ quan, tổ chức giám định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định.

- Thời gian giám định: theo yêu cầu của người trưng cầu giám định.

5. Giám định trong xử phạt vi phạm hành chính

Điểm e khoản 1 Điều 59 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

- Trường hợp giám định: Khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm xác minh các tình tiết có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt (có thể trưng cầu giám định).

- Chủ thể trưng cầu: Người có thẩm quyền xử phạt.

- Việc trưng cầu giám định thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

6. Một số vấn đề trao đổi

Qua quy định về giám định tại các Luật và Nghị định quy định chi tiết, cho thấy:

- Trong lĩnh vực xử phạt vi phạm hành chính, có nêu việc trừng cầu giám định thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định mà không viện dẫn là theo pháp luật về giám định tư pháp. Trong khi đó, theo như viện dẫn nêu trên thì có nhiều văn bản quy định về giám định trong các lĩnh vực. Điều này dẫn đến sự thiếu rõ ràng khi áp dụng pháp luật.

- Đối với các lĩnh vực khác: thương mại, thanh tra, khiếu nại, tố cáo thì các Luật, Nghị định chuyên ngành đều có quy định. Một số trường hợp Luật, Nghị định quy định về giám định có sự khác biệt so với Luật Giám định tư pháp, như: dịch vụ giám định thương mại, thời gian giám định trong thanh tra,… Ngoài ra, các lĩnh vực này cũng không quy định việc giám định thực hiện theo pháp luật về giám định tư pháp. Do đó, cơ chế, trình tự, thủ tục,… trong giám định các lĩnh vực này sẽ thực hiện như thế nào?

Từ thực tiễn nêu trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quy định cụ thể việc giám định trong các lĩnh vực nên thực hiện theo quy định về giám định ngoài tố tụng được điều chỉnh tại Luật giám định tư pháp nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật cũng như việc áp dụng pháp luật.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 20.986.922
Lượt truy cập hiện tại 5.036