Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hộ kinh doanh và một số vấn đề trao đổi
Ngày cập nhật 26/09/2023

Hộ kinh doanh chưa được các luật, bộ luật quy định và không có khái niệm. Hộ Kinh doanh được đề cập tại các Nghị định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, hiện nay là Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

 

1. Đặc điểm Hộ kinh doanh

Theo quy định, cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh, trừ các trường hợp: Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

 Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh[1].

Cá nhân, thành viên hộ gia đình chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân. Cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Chủ hộ kinh doanh đại diện cho hộ kinh doanh với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật. Chủ hộ kinh doanh thực hiện các nghĩa vụ về thuế, các nghĩa vụ tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật. Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.

Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

Hộ kinh doanh được đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp. Việc chuyển đổi thực hiện tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp dự định đặt trụ sở chính. Trường hợp doanh nghiệp được chuyển đổi từ hộ kinh doanh có nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp thuộc trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư thì hồ sơ phải có văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Một số vấn đề trao đổi

- Điều 80 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định cá nhân, thành viên hộ gia đình là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự có quyền thành lập hộ kinh doanh. Điều này có nghĩa, điều luật đã đương nhiên loại trừ các trường hợp Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 80 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP vẫn quy định thêm là “trừ các trường hợp sau đây: a) Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi”. Việc quy định thêm này là không cần thiết.

- Có 02 đối tượng được thành lập hộ kinh doanh là cá nhân và thành viên hộ gia đình. Những người này phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Chủ thể là cá nhân thì pháp luật đã quy định rõ ràng nhưng thành viên hộ gia đình có năng lực hành vi dân sự đầy đủ gồm những ai? được xác định theo quy định nào? Mặc dù Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định Hộ kinh doanh, người thành lập hộ kinh doanh tự kê khai hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, trung thực và chính xác của các thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh (khoản 1 Điều 84) và trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh có giấy tờ pháp lý của thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh, bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có quy định cụ thể về thành viên hộ gia đình để bảo đảm cơ sở pháp lý vì chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.

Luật Đất đai năm 2013 quy định hộ gia đình sử dụng đất (khoản 29 Điều 3) là “những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Luật Cư trú năm 2020 không nêu khái niệm “hộ gia đình” mà quy định “Những người cùng ở tại một chỗ ở hợp pháp và có quan hệ gia đình là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cha, mẹ, vợ, chồng, con và anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột thì có thể đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú theo hộ gia đình.” (khoản 1 Điều 10).

Hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh cần có quy định cụ thể trên cơ sở hộ gia định theo Luật Cư trú.

- Khoản 3 Điều 81 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP quy định chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh. Trách nhiệm của các thành viên hộ gia đình vẫn đặt ra nhưng khi chủ hộ kinh doanh thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh thì pháp luật không quy định cần có sự đồng ý của tất cả các thành viên hộ tham gia đăng ký kinh doanh. Điều này có thể tạo nên sự tranh chấp và chưa phù hợp với Điều 101 Bộ luật Dân sự năm 2015 về chủ thể trong quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.

- Hộ kinh doanh được mua bán, tặng cho, thừa kế. Nghị định số 01/2021/NĐ-CP không nêu rõ việc mua bán, tặng cho, thừa kế hộ kinh doanh. Tuy nhiên, tại khoản 3 Điều 90 của Nghị định này quy định về đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, quy định thành phần hồ sơ có “Hợp đồng mua bán hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc mua bán trong trường hợp bán hộ kinh doanh; hợp đồng tặng cho đối với trường hợp tặng cho hộ kinh doanh; bản sao văn bản xác nhận quyền thừa kế hợp pháp của người thừa kế trong trường hợp thay đổi chủ hộ kinh doanh do thừa kế”. Sau khi bán, tặng cho, thừa kế hộ kinh doanh, hộ kinh doanh vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của hộ kinh doanh phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao hộ kinh doanh, trừ trường hợp hộ kinh doanh, người mua, người được tặng cho, người thừa kế và chủ nợ của hộ kinh doanh có thỏa thuận khác.

 Với việc xác định hộ kinh doanh được giao dịch như trên, đồng nghĩa xác định hộ kinh doanh là tài sản. Tuy nhiên, rõ ràng hộ kinh doanh không thể là tài sản là cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký kinh doanh. Vì vậy, quy định mua bán, tặng cho, thừa kế hộ kinh doanh là không phù hợp về mặt lý luận và thực tiễn. Vấn đề này cần được hiểu là mua bán, tặng cho, thừa kế các tài sản của hộ kinh doanh. Do đó, các cơ quan chức năng cần xem xét, xây dựng nội dung này phù hợp./.

 


[1] Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.918.438
Lượt truy cập hiện tại 3.995