Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số góp ý đối với dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) về chức năng thực hiện quyền tư pháp và tổ chức của Toà án
Ngày cập nhật 12/08/2023

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) đã thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng về cải cách tư pháp, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án được thể hiện trong nhiều nghị quyết, văn kiện; đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Một trong những nội dung mới được ghi nhận tại dự thảo Luật cho thấy rõ vai trò của Tòa án trong cải cách tư pháp là chức năng thực hiện quyền tư pháp và tổ chức của Toà án.

 

1. Chức năng thực hiện quyền tư pháp

Dự thảo quy định chức năng thực hiện quyền tư pháp tại Điều 3. Đây là quy định mới, đã thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp” và quy định tại khoản 1 Điều 102 của Hiến pháp năm 2013 “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

Trên cơ sở đó, Điều 3 dự thảo cụ thể hóa nội hàm về quyền tư pháp, bao gồm: quyền xét xử và phán quyết; tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; phát triển án lệ; quyết định những vấn đề liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân; xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật.

Việc xác định Tòa là cơ quan thực hiện quyền tư pháp trong luật là điều rất cần thiết để tạo cơ sở pháp lý cho Tòa án thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, một số nội dung trao đổi thêm như sau:

- Tại Điều 3 của dự thảo liệt kê các chức năng của quyền tư pháp mà chưa nêu khái nhiệm thế nào là quyền tư pháp để làm rõ những vấn đề mang tính lý luận và mối quan hệ giữa thực hiện quyền tư pháp với các cơ quan tư pháp. Theo Hiến pháp năm 2013 thì chỉ có Tòa án nhân dân là thực hiện quyền tư pháp (khoản 1 Điều 102). Trong khi đó, các cơ quan khác được xác định là cơ quan tư pháp là Viện Kiểm sát, cơ quan điều tra thì như thế nào. Tại Điều 107 Hiến pháp năm 2013 quy định “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp”.

- Một trong những chức năng thực hiện quyền tư pháp nêu tại dự thảo là tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử”. Đây là là nhiệm vụ của Tòa án nhân dân tối cao được quy định tại khoản 3 Điều 104 Hiến pháp năm 2013.

Theo Hiến pháp năm 2013, “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 106). Trên tinh thần đó cho thấy, việc bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật của Tòa án không chỉ trong xét xử, nghĩa là trong nội bộ Ngành Tòa án mà còn có ý nghĩa đối với việc áp dụng thống nhất pháp luật nói chung. Do đó, đối với chức năng của Tòa án nói chung, kiến nghị xem xét chức năng “tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử” trên phương diện chung nhất về áp dụng thống nhất pháp luật nhằm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Tinh thần này đã được ghi nhận tại Nghị quyết 49/NQ-TW năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2010, xác định: “Tòa án nhân dân  tối cao có nhiệm vụ tổng kết kinh nghiệm xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm”

- Tòa án có chức năng “quyết định những vấn đề liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân”. Quyền con người, quyền công dân được quy định tại Chương II của Hiến pháp năm 2013, có phạm vi điều chỉnh rất rộng và “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14). Những quyền này được cụ thể hóa qua các Luật, văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực. Do đó, để xác định rõ phạm vi “quyết định những vấn đề liên quan đến việc hạn chế quyền con người, quyền công dân” cần trên cơ sở của các Luật.

- Chức năng “xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật” được quy định cụ thể tại Điều 31 dự thảo Luật. Đây là nội dung mới đưa vào dự thảo. Theo đó, trong quá trình xét xử các vụ án và giải quyết vụ việc, khi phát hiện văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Toà án kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ văn bản quy phạm pháp luật trái với các văn bản nêu trên (hoặc Toà án quyết định huỷ bỏ các văn bản nêu trên theo đề nghị của Uỷ ban thượng vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).

Điều 119 Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, các cơ quan khác của Nhà nước và toàn thể Nhân dân có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp. Cơ chế bảo vệ Hiến pháp do luật định”.

Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật là “Bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật” (khoản 1 Điều 5) và nghiêm cấm “Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên” (khoản 1 Điều 14).

Để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Điều 31 dự thảo Luật quy định theo hướng xem xét đối với tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trái với Hiến pháp, trái với văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên. Toà án cơ quyền xem xét, quyết định huỷ bỏ các văn bản này mà không qua đề nghị của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để bảo đảm tính độc lập của Toà án trong hoạt động tư pháp và trong cơ chế bảo vệ Hiến pháp.

- Nhiệm vụ “Giải quyết các vi phạm hành chính” được quy định tại Điều 27 dự thảo Luật là nhiệm vụ mới được bổ sung. Trong đó, Toà án có thẩm quyền quyền xét xử các vi phạm hành chính theo quy định của luật.

Khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 quy định: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Vậy Toà án xét xử các vi phạm hành chính là xét xử như thế nào khi vi phạm hành chính theo giải thích của Luật Xử lý vi phạm hành chính là “phải bị xử phạt vi phạm hành chính”. Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về khiếu nại, tố cáo và khởi kiện trong xử lý vi phạm hành chính. Trên cơ sở đó, kiến nghị xem xét điều chỉnh nhiệm vụ “Toà án có thẩm quyền quyền xét xử các vi phạm hành chính theo quy định của luật” thành “Toà án có thẩm quyền quyền xét xử đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của luật”.

 2. Về tổ chức  

Toà án được tổ chức theo thẩm quyền xét xử. Trong đó, đổi tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thành Toà án nhân dân sơ thẩm. Thành lập Toà án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để giải quyết các vụ án, vụ việc đặc thù, có yêu cầu về kiến thức chuyên môn cao; được tổ chức theo địa hạt pháp lý tuỳ thuộc vào số lượng các vụ việc phát sinh tại đại hạt pháp lý đó. Bổ sung quy định về Toà án điện tử để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng và triển khai Toà án điện tử trong các Toà án nhân dân.

Những nội dung này thể chế hoá Nghị quyết số 27-NQ/TW “bảo đảm tính độc lập của Toà án theo thẩm quyền xét xử”. Để đảm bảo công tác triển khai thực hiện khi chuyển đổi từ mô hình tổ chức tòa án tương ứng với địa giới hành chính sang mô hình theo thẩm quyền xét xử cần có quy định chuyển tiếp để đảm bảo thời gian thực hiện hiệu quả, phù hợp.

Về tên gọi “Toà án điện tử” đề nghị xem xét để phù hợp vì đây không phải là mô hình tổ chức của toà án mà về việc áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực hiện nhiệm vụ của Toà án./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.917.055
Lượt truy cập hiện tại 3.341