Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Kết quả 03 năm triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại
Ngày cập nhật 09/08/2023

Nhằm triển khai có hiệu quả các quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và văn bản hướng dẫn thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 16/3/2020 triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Sở Tư pháp là Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh đã tuyên truyền, phổ biến Nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành trên Trang thông tin điện tử, bản tin Tư pháp, lồng ghép triển khai trong các hội nghị liên quan[1].

 


[1] Đăng tải 17 tin, bài viết liên quan đến thừa phát lại trên Trang thông tin điện tử và Bản tin tư pháp; lồng ghép nội dung Nghị định số 08/2020/NĐ-CP tại 9 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho cán bộ ở cơ sở; viết bài đăng tại tạp chí của Hội đồng nhân dân tỉnh,...

Công văn số 2309/STP-BTTP ngày 21/11/2022 về việc triển khai thực hiện Thông tư số 08/2022/TT-BTP

 

Theo Quyết định số 95/QĐ-BTP ngày 16 tháng 01 năm 2019 của Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án thành lập Văn phòng Thừa phát lại của tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2019-2020, Thừa Thiên Huế được phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại tại thành phố Huế. Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cho phép thành lập 01 Văn phòng Thừa phát lại, đi vào hoạt động từ tháng 5/2019. Kể từ khi Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có văn phòng thừa phát lại đăng ký thành lập mới và số lượng thừa phát lại hành nghề thừa phát lại vẫn không thay đổi. Căn cứ tiêu chí quy định tại Điều 21 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Ngày 01/7/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 1605/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn năm 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Để nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, yếu kém về tổ chức và hoạt động Thừa phát lại, Sở Tư pháp tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra và triển khai thực hiện kiểm tra tổ chức, hoạt động của Văn phòng Thừa phát lại. Từ năm 2020 đến nay, Sở Tư pháp đã tiến hành 02 cuộc kiểm tra tại Văn phòng Thừa phát lại[1]. Qua công tác kiểm tra cho thấy Thừa phát lại đã chấp hành quy định của pháp luật có liên quan, tôn trọng quy tắc đạo đức nghề nghiệp của thừa phát lại. Văn phòng hoạt động theo đúng lĩnh vực hành nghề ghi trong Giấy đăng ký hoạt động. Cho đến nay, Sở Tư pháp chưa nhận được khiếu nại, tố cáo đối với tổ chức, hoạt động Thừa phát lại, chưa xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thừa phát lại.Sở Tư pháp phối hợp các Sở, ban, ngành có liên quan triển khai Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; rà soát tình hình thực tiễn, nhu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự tại địa phương xây dựng Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh; luôn hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho Thừa phát lại hoạt động, thực hiện công việc.

Giữa Văn phòng Thừa phát lại Tuấn Dũng và Tòa án nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân thành phố Huế đã thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ tống đạt các văn bản, giấy tờ tài liệu khi có nhu cầu. Văn phòng Thừa phát lại chưa thỏa thuận, ký kết tống đạt văn bản, giấy tờ với Tòa án nhân dân các huyện, thị xã và cơ quan Thi hành án dân sự, Viện kiểm sát hai cấp trên địa bàn tỉnh. Từ ngày 24/02/2020 (Nghị định số 08/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) đến ngày 31/3/2023, Văn phòng Thừa phát lại thực hiện đăng ký 651 vi bằng, doanh thu 463.750.000 đồng (Bốn trăm sáu mươi ba triệu, bảy trăm năm mươi ngàn đồng); thực hiện tống đạt 1249 văn bản, doanh thu: 162.370.000 đồng (Một trăm sáu mươi hai triệu, ba trăm bảy mươi ngàn đồng). Công tác xác minh điều kiện thi hành án dân sự và tổ chức thi hành án dân sự: chưa thực hiện.

Hoạt động Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cá nhân, tổ chức, đặc biệt là nhu cầu lập vi bằng ghi nhận, chứng kiến sự kiện, hành vi: hiện trạng tài sản; kết quả biên bản thỏa thuận, việc giao, nhận tiền... Nhu cầu tống đạt khối lượng văn bản, giấy tờ quá tải phải tống đạt được Tòa án nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân thành phố Huế ký kết với Văn phòng Thừa phát lại đã góp phần giảm bớt áp lực công việc tại Tòa án. Qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, hoạt động Thừa phát lại góp phần đáp ứng yêu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân đối với các việc Thừa phát lại được làm (tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; lập vi bằng;…); góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, giảm tải công việc cho các cơ quan Nhà nước.Từ thực tiễn nhu cầu lập vi bằng, tống đạt văn bản tài liệu, giấy tờ của cá nhân, tổ chức thấy rằng Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn thi hành về hoạt động, tổ chức Thừa phát lại đã tác động đến nhận thức của cá nhân, tổ chức đối với công việc, vai trò, chức năng của Thừa phát lại và giá trị của Vi bằng. Người dân có ý thức thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với các nội dung thỏa thuận, cam kết được Thừa phát lại ghi nhận tại Vi bằng.

Ngoài những kết quả đạt được, công tác triển khai thực hiện Nghị định số 08/2020/NĐ-CP tồn tại một số khó khăn, vướng mắc: một số người dân do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế đã nhầm lẫn giữa hoạt động công chứng, chứng thực với hoạt động của Thừa phát lại dẫn đến hiểu sai về chức năng, giá trị của Vi bằng, tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, mất ổn định trật tự xã hội; một số vi bằng được lập ghi nhận sự kiện, hành vi trích xuất nội dung ghi âm cuộc hội thoại từ các ứng dụng trên điện thoại, máy ghi âm; ghi nhận sự kiện, hành vi giao tiền nhưng không nêu mục đích giao tiền, lập vi bằng ghi nhận việc giao nhận tiền để che giấu mục đích không phù hợp với quy định của pháp luật, có thể tiềm ẩn một số giao dịch trái pháp luật như: cho vay tiền lãi suất cao của tín dụng đen, giao tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng hình thức viết tay… Nhưng trường hợp này không thuộc các trường hợp không được lập vi bằng quy định tại Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ; Việc yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại cung cấp, bổ sung các tài liệu, chứng cứ chứng minh liên quan đến nội dung lập vi bằng không được quy định tại Nghị định 08/2020/NĐ-CP, do đó không có cơ sở pháp lý để xác định Thừa phát lại lập vi bằng có đảm bảo quy định. Vi bằng lập không đảm bảo quy định Nghị định số 08/2020/NĐ-CP và các quy định pháp luật có liên quan, Sở Tư pháp vẫn phải thực hiện ghi vào sổ đăng ký vi bằng;Quá trình Văn phòng Thừa phát lại tiến hành tống đạt văn bản, giấy tờ của Toà án, một số cán bộ chưa nắm rõ về công việc, chức năng, ví trí của Thừa phát lại nên chưa có sự phối hợp, hỗ trợ, việc xác nhận niêm yết công khai tại địa điểm thường trú và tại Uỷ ban nhân dân cấp xã còn bất cập, khó khăn cho công tác tống đạt của Thừa phát lại cũng như cơ quan Toà án…

Vì vậy, để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP đề nghị Bộ Tư pháp sớm tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định theo hướng: Không quy định Sở Tư pháp phải vào sổ đăng ký vi bằng và lưu giữ vi bằng vì đây là hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại nên Văn phòng Thừa phát lại tự lưu giữ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động lập vi bằng của mình; Người yêu cầu lập vi bằng phải cung cấp đầy đủ, chính xác các thông tin, tài liệu liên quan đến việc lập vi bằng và chịu trách nhiệm về tính chính xác hợp pháp của các thông tin, tài liệu cung cấp. Tất cả các thông tin, tài liệu phải được đính kèm theo vi bằng để làm chứng cứ chứng minh nội dung sự kiện, hành vi được ghi nhận; Đề nghị quy định biện pháp xử lý đối với vi bằng đã lập nhưng không đảm bảo quy định,đã bị xử phạt vi phạm hành chính.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước về tổ chức, hoạt động Thừa phát lại tại địa phương: Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến cho các cơ quan, tổ chức, người dân hiểu đúng về tổ chức, hoạt động thừa phát lại, chức năng và giá trị của Vi bằng; Đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố Huế triển khai đến Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn trên địa bàn xác nhận biên bản về việc thực hiện thủ tục niêm yết công khai sau khi Thừa phát lại thực hiện xong việc niêm yết văn bản tại trụ sở Uỷ ban nhân dân của đơn vị mình; Tăng cường kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động thừa phát lại nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm (nếu có), hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết để hoạt động thừa phát lại trên địa bàn tỉnh phát triển theo hướng chuyên nghiệp và đúng quy định phát luật; Tăng cường phối hợp giữa Học viện tư pháp với địa phương để mở lớp đào tạo nghề thừa phát lại tại địa phương nhằm phát triển số lượng thừa phát lại và văn phòng thừa phát lại trên địa bàn tỉnh./.

 


[1]Quyết định số 92/QĐ-STP ngày 25/9/2020 của Sở Tư pháp về việc kiểm tra tổ chức và hoạt động tại Văn phòng Thừa phát lại Tuấn Dũng và có Kết luận  số  2197/KL-STP ngày 31/12/2020 báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh;

Quyết định số 37/QĐ-STP ngày 15/3/2023 về việc kiểm tra tổ chức và hoạt động tại Văn phòng Thừa phát lại Tuấn Dũng và có Báo cáo số 1060/BC – STP ngày 19/5/2023 báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.919.838
Lượt truy cập hiện tại 4.571