Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
TÀI SẢN CHUNG, TÀI SẢN RIÊNG CỦA VỢ CHỒNG
Ngày cập nhật 09/12/2022

Việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có ý nghĩa quan trọng trong xem xét tính pháp lý của các hợp đồng, giao dịch và các vấn đề có liên quan khác của vợ chồng. Bài viết phân tích căn cứ xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng và một số vấn đề trao đổi để hoàn thiện về thể chế.

 

1. Cơ sở xác định tài sản chung

a) Xác định tài sản chung

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tài sản chung của vợ chồng gồm: tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này ([1]); tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

- Điều 9 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình, quy định thu nhập hợp pháp khác của vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân đó là:

+ Khoản tiền thưởng, tiền trúng thưởng xổ số, tiền trợ cấp, trừ: khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

+ Tài sản mà vợ, chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật Dân sự đối với vật vô chủ, vật bị chôn giấu, bị chìm đắm, vật bị đánh rơi, bị bỏ quên, gia súc, gia cầm bị thất lạc, vật nuôi dưới nước.

+ Thu nhập hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

 b) Quyền đối với tài sản chung

Khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.

Điều 213 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định sở hữu chung của vợ chồng là là sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia. Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Vợ chồng thỏa thuận hoặc ủy quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của Tòa án.

 

2. Cơ sở xác định tài sản riêng

Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng gồm: tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng trong thời kỳ hôn nhân (theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014); tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định tài sản riêng khác của vợ, chồng theo quy định của pháp luật là: (i) Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ; (ii) tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; (iii) khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.

3. Hoa lợi, lợi tức

Điều 10 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP quy định: Hoa lợi phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là sản vật tự nhiên mà vợ, chồng có được từ tài sản riêng của mình. Lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng là khoản lợi mà vợ, chồng thu được từ việc khai thác tài sản riêng của mình.

Để xác định tài sản của vợ chồng liên quan đến hoa lợi, lợi tức, có các trường hợp như sau:

- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung của vợ chồng là tài sản chung của vợ chồng (tài sản do hoạt động sản xuất, kinh doanh).

- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ chồng mà trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng (khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

- Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng được chia trong thời kỳ hôn nhân là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác (khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014).

4. Vấn đề trao đổi

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 về tài sản riêng của vợ, chồng thì có “tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng

Khoản 20 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 giải thích: “Nhu cầu thiết yếu là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình”.

Với giải thích như trên, tài sản được xác định là tài sản riêng bao gồm có tài sản phục vụ cho việc ăn, mặc, ở, học tập,... của người đó. Trong khi đó, khoản 2 Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nêu tài sản chung của vợ chồng  được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình. Vậy nhu cầu của mỗi người và nhu cầu của gia đình có khác nhau? Và vấn đề đặt ra là nguồn gốc của tài sản phục vụ cho nhu cầu thiết yếu đó từ đâu ra?

Thiết nghĩ, về mặt kỹ thuật lập pháp, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014  đã xây dựng chế định tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng dựa trên căn cứ nguồn gốc hình thành tài sản. Tuy nhiên, việc bổ sung thêm tài sản riêng là “tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng” lại dựa vào căn cứ nhu cầu sử dụng tài sản. Chính sự thiếu thống nhất này, dẫn đến vướng mắc khi áp dụng pháp luật. Vì vậy, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, thiết kế quy định nêu trên dựa trên một căn cứ thống nhất./.

 


[1] Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Luật Hôn nhân và gia đình thì “Trong ttrường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì phần tài sản được chia, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.901.207
Lượt truy cập hiện tại 5.862