Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Chế độ, chính sách thu hút chuyên gia; tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp của Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 09/02/2022

Giám định tư pháp là lĩnh vực có yêu cầu, đòi hỏi cao về mặt chuyên môn trong thực hiện nhiệm vụ cũng như việc chịu trách nhiệm với kết quả thực hiện giám định nhằm phục vụ cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính. Chính vì vây mà nguồn nhân lực trong lĩnh vực giám định tư pháp có thể nói là rất khó khăn. Thêm vào đó, chế độ, chính sách đối với người thực hiện giám định tư pháp chưa thật sự tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ nên những người có thể đáp ứng được tiêu chuẩn làm giám định tư pháp lại càng không “mặn mà”. Trước thực trạng đó, để xây dựng, phát triển đội ngũ giám định tư pháp, Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương đi đầu trong việc ban hành chế độ, chính sách thu hút chuyên gia; tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp.

 

1. Căn cứ ban hành chế độ chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp

- Khoản 3 Điều 38 Luật Giám định tư pháp năm 2012 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế và thẩm quyền của mình quy định chế độ chính sách khác để thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp”.

- Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp và Quyết định số 1358/QĐ-TTg ngày 03/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể thực hiện Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp đã đề ra:

“Nghiên cứu, xây dựng cơ chế thu hút đội ngũ nhà chuyên môn, chuyên gia giỏi tham gia hoạt động giám định tư pháp; hoàn thiện chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với các cá nhân tham gia hoạt động giám định cả ở phương diện vật chất (ngạch lương riêng, phụ cấp trách nhiệm, chế độ thâm niên đối với người giám định tư pháp chuyên trách, chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp đối với người giám định hưởng lương từ ngân sách nhà nước; bảo đảm tương quan thu nhập từ việc thực hiện giám định tư pháp với mặt bằng thu nhập của người giám định không hưởng lương từ ngân sách nhà nước) và phi vật chất (tôn vinh các chuyên gia giỏi, hàng đầu trong các lĩnh vực tham gia hoạt động giám định)”.

- Quyết định số 250/QĐ-TTg ngày 28/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp quy định tại điểm e khoản 2 mục III của Đề án: “Kiến nghị chính sách cần thiết phù hợp bảo đảm việc đãi ngộ và thu hút người làm giám định tư pháp”.

Về mặt thực tế, người giám định tư pháp phải làm việc với cường độ cao, nhiều nhiệm vụ đột xuất phát sinh, môi trường làm việc độc hại, nguy hiểm, tiếp xúc thường xuyên với độc tố, các bệnh truyền nhiễm, nhất là Giám định viên tư pháp trong lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự và giám định pháp y. Chế độ chịu trách nhiệm của người giám định tư pháp nặng nề.

Chế độ đãi ngộ đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc chưa đảm bảo, ngoài việc được bồi dưỡng giám định theo Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg, họ không được hưởng chế độ nào khác. Mặc dù số vụ việc giám định hàng năm không nhiều, nhưng trách nhiệm của người giám định rất nặng nề, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định (tham khảo Điều 60 BLTT hình sự năm 2003, Điều 68 BLTT hình sự năm 2015; Điều 80 BLTT dân sự năm 2015; Điều 57 Luật tố tụng hành chính năm 2010).

Trong khi đó, chế độ bồi dưỡng được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp; Thông tư 49/2017/TT-BCA của Bộ Công an. Theo đó,  chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công được áp dụng đối với việc giám định tư pháp trong các lĩnh vực: Pháp y về độc chất, tổ chức học, sinh học, giám định trên hồ sơ; pháp y tâm thần; kỹ thuật hình sự; tài chính; ngân hàng; văn hóa; xây dựng; tài nguyên và môi trường; thông tin và truyền thông; nông - lâm - ngư nghiệp và các lĩnh vực khác. Mức bồi dưỡng là từ 150.000 đồng đến  500.000 đồng tùy vụ việc cụ thể.

Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc được áp dụng đối với giám định trên người sống và trên tử thi trong lĩnh vực pháp y. Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định trên người sống từ 160.000 đồng đến 300.000 đồng/nội dung (quy định theo từng nội dung). Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định tử thi mà không mổ tử thi và tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên từ 600.000 đồng - 1.000.000 đồng/tử thi. Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định mổ tử thi mà tử thi không được bảo quản theo đúng quy chuẩn hoặc ở trạng thái thối rữa tự nhiên từ 1.500.000 đồng đến 4.500.000 đồng/tử thi. Mức bồi dưỡng cho một người thực hiện giám định hài cốt là từ 3.000.000 đồng - 4.000.000 đồng/hài cốt ,...

Mức bồi dưỡng như trên chưa tương xứng với tính chất, mức độ và yêu cầu đối với người giám định tư pháp.

2. Thừa Thiên Huế ban hành chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp

Từ căn cứ trên, Hội đồng nhân dân tỉnhThừa Thiên Huế ban hành Nghị quyết số 15/2016/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016  quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh,Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 11/2017/QĐ-UBND ngày 22 tháng 02 năm 2017 quy định chế độ, chính sách thu hút chuyên gia; tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Chế độ hỗ trợ được thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Các nội dung chủ yếu của chế độ, chính sách trên như sau:

a)  Đối tượng được hưởng chính sách thu hút gồm: (i) Những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, chuyên gia trong các lĩnh vực, ngành nghề; (ii) Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; (iii) Người giúp việc cho người giám định tư pháp; (iv) Văn phòng giám định tư pháp.

b) Điều kiện để được hưởng chính sách thu hút như sau:

-  Những người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, chuyên gia trong các lĩnh vực, ngành nghề được bổ nhiệm giám định viên tư pháp hoặc công bố là người giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định của pháp luật và tham gia thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng của tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng của tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định theo sự phân công của Thủ trưởng tổ chức được trưng cầu giám định hoặc do người giám định tư pháp chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định chỉ định nhưng không quá 02 người giúp việc đối với mỗi trường hợp giám định.

- Văn phòng giám định tư pháp được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép thành lập và đảm bảo các tiêu chí về điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Luật giám định tư pháp và văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

c) Các chính sách cụ thể:

(1) Chính sách hỗ trợ đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và người giúp việc cho người giám định tư pháp:

- Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc không hưởng lương từ ngân sách nhà nước khi thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được hỗ trợ 50% mức bồi dưỡng được quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp;

- Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực khác khi thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng được hỗ trợ 100% mức bồi dưỡng được quy định tại Điều 2 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg;

- Người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực pháp y và kỹ thuật hình sự tham gia trực tiếp vào quá trình thực hiện giám định được hỗ trợ 20% mức bồi dưỡng được quy định tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg.

(2) Chế độ đào tạo, bồi dưỡng: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về giám định tư pháp do Trung ương, ngành hoặc địa phương tổ chức, nêu không thuộc đối tượng được hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo quy định thì được hỗ trợ theo mức quy định như đối tượng của chính sách đào tạo, bồi dưỡng.

(3) Chính sách khác: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc được cơ quan, đơn vị nơi làm việc tạo điều kiện về thời gian, phương tiện, trang thiết bị để phục vụ công tác giám định tư pháp.

(4) Chính sách ưu đãi đối với Văn phòng giám định tư pháp: Văn phòng giám định tư pháp được hưởng các ưu đãi thuộc chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của pháp luật.

d) Phương thức thực hiện

- Nguồn kinh phí hỗ trợ: Nguồn kinh phí để chi trả chế độ hỗ trợ cho giám định viên và người giám định tư pháp theo vụ việc do ngân sách nhà nước tỉnh cấp. Hàng năm, Sở Tư pháp lập dự toán kinh phí hỗ trợ gửi Sở Tài chính thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kinh phí để thực hiện.

- Cách thức chi hỗ trợ:

+ Chi trả tiền hỗ trợ đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc và người giúp việc cho người giám định tư pháp: Trước ngày 15 của tháng đầu quý, các sở, ngành quản lý lĩnh vực giám định tư pháp, các tổ chức giám định tư pháp công lập lập danh sách người giám định tư pháp, người giúp việc cho người giám định tư pháp được hưởng hỗ trợ của quý trước gửi về Sở Tư pháp để thực hiện việc chi trả hỗ trợ. Cơ sở để chi trả hỗ trợ là bản sao hồ sơ thanh toán tiền bồi dưỡng hoặc tiền thù lao giám định tư pháp đã được cơ quan tiến hành tố tụng chi trả.

+ Chi trả tiền hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng: Cơ quan sử dụng công chức, viên chức chi trả cho các đối tượng được hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo quy định. Sở Tư pháp chi trả cho các đối tượng không được hưởng chính sách đào tạo, bồi dưỡng theo quy định hiện hành của nhà nước; cơ sở để chi trả hỗ trợ là chứng từ hợp lệ theo quy định.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.437.812
Lượt truy cập hiện tại 6.512