Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tìm hiểu quy định về cá nhân, tổ chức giám định tư pháp
Ngày cập nhật 09/02/2022

Luật Giám định tư pháp năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013. Ngày 10 tháng 6 năm 2020, Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021 (sau đây gọi chung là Luật Giám định tư pháp). Luật Giám định tư pháp quy định rất rõ ràng về cá nhân, tổ chức giám định tư pháp. Tuy nhiên, qua gần 10 năm  thi hành Luật Giám định tư pháp, không ít cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa hiểu đúng, đầy đủ, thậm chí nhầm lẫn các quy định về người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp và cả trách nhiệm thực hiện giám định của cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện nhưng không thuộc danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc khi có trưng cầu của người trưng cầu giám định trong trường hợp đặc biệt.

 

1. Người giám định tư pháp

Người giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc.

a) Giám định viên tư pháp

 Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm để thực hiện giám định tư pháp. Tiêu chuẩn của Giám định viên tư pháp là Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây: (i) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; (ii) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên. Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên; (iii) Đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định.

Ngoài ra, Luật Giám định tư pháp nêu rõ người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp: Mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.

Những quy định về tiêu chuẩn giám định viên tư pháp tại Luật Giám định tư pháp là những tiêu chuẩn chung. Bên cạnh đó, Luật cũng nêu rõ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết tiêu chuẩn đối với giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 73 giám định viên tư pháp thuộc các lĩnh vực, cụ thể: 11 giám định viên pháp y; 06 giám định viên pháp y tâm thần; 14 giám định viên kỹ thuật hình sự; 08 giám định viên lĩnh vực thông tin – truyền thông; 18 giám định viên lĩnh vực tài chính – kế toán; 07 giám định viên lĩnh vực văn hóa; 08 giám định viên lĩnh vực nông nghiệp; 01 giám định viên lĩnh vực xây dựng.

b) Người giám định tư pháp theo vụ việc

Người giám định tư pháp theo vụ việc là người đủ tiêu chuẩn, được trưng cầu, yêu cầu giám định.

Theo đó, tiêu chuẩn của người giám định tư pháp theo vụ việc là Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ tiêu chuẩn sau đây: (i) Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; (ii) Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên. Trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.

Theo quy định, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ khác, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn cá nhân có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.

Danh sách kèm theo thông tin về chuyên ngành giám định, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của người giám định tư pháp theo vụ việc được đăng tải, rà soát và cập nhật trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung. Danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lựa chọn, quyết định việc trưng cầu giám định.

Thừa Thiên Huế hiện có 15 người giám định tư pháp theo vụ việc thuộc các lĩnh vực: Xây dựng (6 người), tài chính (1 người), điện năng (1 người), kỹ thuật an toàn công nghiệp (01 người), sở hữu công nghiệp (01 người), môi trường (01 người), đo đạc bản đồ và viễn thám (01 người), đất đai (01 người), địa chất, khoáng sản và tài nguyên nước (01 người), biển đảo và đầm phá (01 người).

2. Tổ chức giám định tư pháp

Tổ chức giám định tư pháp bao gồm  tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc.

a) Tổ chức giám định tư pháp công lập

Tổ chức giám định tư pháp công lập được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Trường hợp cần thiết, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định thành lập hoặc trình cơ quan có thẩm quyền thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập trong các lĩnh vực khác sau khi thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp. Các tổ chức giám định tư pháp công lập được quy định cụ thể tại Điều 12 Luật Giám định tư pháp.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 03 tổ chức giám định tư pháp công lập: Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm Giám định Y khoa – Pháp y tỉnh Thừa Thiên Huế; Trung tâm pháp y tâm thần khu vực Miền Trung, trực thuộc Bộ Y tế.

b) Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập

Văn phòng giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập, được thành lập trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật, bản quyền tác giả. Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân. Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh. Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.

Hiện nay, Thừa Thiên Huế chưa có Văn phòng giám định tư pháp.

c) Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc

Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc là cơ quan, tổ chức đủ tiêu chuẩn được trưng cầu, yêu cầu giám định.

Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc phải có đủ điều kiện sau đây: (i) Có tư cách pháp nhân; (ii) Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định; (iii) Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp.

 Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận và phân công người thực hiện giám định tư pháp. Trong đó, cần lưu ý là Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định.

Cũng như người giám định tư pháp theo vụ việc, các Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, bộ, cơ quan ngang bộ khác, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để ra quyết định công nhận tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng. Danh sách kèm theo thông tin về chuyên ngành giám định, kinh nghiệm, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc được đăng tải, rà soát và cập nhật trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung. Danh sách này là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng lựa chọn, quyết định việc trưng cầu giám định.

Theo Quyết định số 2613/QĐ-UBND ngày 15/10/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, công nhận 10 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thuộc 03 lĩnh vực: Đo lường; điều tra cơ bản tài nguyên rừng, quy hoạch, khảo sát, đo đạc, thiết kế rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp và thực hiện các dịch vụ tư vấn về lâm nghiệp; xây dựng, gồm các tổ chức: Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế; Phân viện Điều tra, Quy hoạch rừng Trung Trung bộ; Trung tâm Giám định chất lượng xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần tư vấn xây dựng số 1 Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Tư vấn giao thông Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần tư vấn Đầu tư và Xây dựng Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Trí Huy; Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế; Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế.

3. Cá nhân, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trong trường hợp đặc biệt

Để bảo đảm nguồn lực cho công tác giám định tư pháp, Luật Giám định tư pháp quy định trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc nhưng không thuộc danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu.

Theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện của người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ngoài danh sách đã công bố để thực hiện giám định./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.442.551
Lượt truy cập hiện tại 699