Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tiêu chí nào thể hiện vai trò then chốt, chủ đạo của Phòng Công chứng trong thị trường dịch vụ công chứng?
Ngày cập nhật 26/01/2022

Trong bối cảnh tăng cường xã hội hóa dịch vụ công chứng, vai trò của các Phòng Công chứng được xác định là “giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ công chứng phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước” (điểm b khoản 2 mục I Nghị quyết số 172/NQ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng). Vậy tiêu chí nào để xác định vài trò “chủ đạo, then chốt” của Phòng Công chứng trong thị trường dịch vụ công chứng?

 

Tiêu chí nào thể hiện vai trò then chốt, chủ đạo của Phòng Công chứng?

Khi thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, tác động đầu tiên đối với các Phòng Công chứng có thể nhìn thấy rõ nhất là giảm sút doanh thu. Rõ ràng, với vị thế độc quyền trước đây, 100% thị trường công chứng thuộc về Phòng Công chứng. Tuy nhiên, với chủ trương xã hội hóa và tốc độ xã hội hóa diễn ra nhanh như hiện nay trong dịch vụ công chứng thì vấn đề giảm sút do phải chia sẽ thị trường với các Văn phòng công chứng là điều hiển nhiên, thậm chí có Phòng Công chứng từ vị trí dẫn đầu thì đến nay, đã không còn giữ được vị trí “độc tôn” nếu xét theo doanh thu.

Từ thực tiễn đó, có những ý kiến lo ngại liệu Phòng Công chứng có giữ được vai trò “chủ đạo, then chốt” trong thị trường dịch vụ công chứng hay không? Vậy vai trò “chủ đạo, then chốt” của Phòng công chứng được thể hiện qua những tiêu chí gì, hay chỉ có tiêu chí doanh thu? Hiện nay, các văn bản của Nhà nước chưa nêu rõ thế nào là “chủ đạo, then chốt”, tiêu chí nào để xác định Phòng Công chứng có giữ được vai trò này của mình hay không.

Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng có nêu “Bảo đảm Phòng công chứng giữ vai trò chủ đạo trong thị trường dịch vụ công chứng, phục vụ nhiệm vụ chính trị, công tác quản lý nhà nước theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”. Tại Nghị quyết số 19-NQ/TW, một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là “Nhà nước chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu, nâng cao khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập”, “Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thực hiện công khai, minh bạch, không thương mại hoá. Bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

Ngoài ra, Nghị quyết số 19-NQ/TW chỉ rõ mục tiêu tổng quát là: Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công; cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu có chất lượng ngày càng cao. Giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Giảm mạnh tỉ trọng, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại ngân sách nhà nước, cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập cho cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập. Phát triển thị trường dịch vụ sự nghiệp công và thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ sự nghiệp công. Trong đó, mục tiêu đến năm 2030 là tiếp tục thực hiện việc giảm đầu mối, phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu.

Từ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết số 19-NQ/TW, có thể xây dựng một số tiêu chí xác định vai trò “chủ đạo, then chốt” của Phòng Công chứng như sau:

Một là, cung ứng dịch vụ có chất lượng ngày càng cao. Đây là tiêu chí đầu tiên cần đặt ra để khẳng định vị trí, vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập. Lấy chất lượng dịch vụ là thước đo cho sự hiệu quả trong hoạt động của đơn vị. Trong lĩnh vực công chứng, vấn đề này càng quan trọng hơn khi chức năng xã hội của công chứng viên là “nhằm bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa tranh chấp; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; ổn định và phát triển kinh tế - xã hội” (Điều 3 Luật Công chứng năm 2014). Với việc nâng cao chất lượng dịch vụ công chứng, tạo uy tín, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật tuyệt đối trong hoạt động công chứng, sẽ thể hiện vai trò đầu tàu của Phòng Công chứng trong dẫn dắt hoạt động công chứng.

Ngoài ra, trong bối cảnh xã hội hóa, ngoài dịch vụ trọng tâm đặt vào nghiệp vụ công chứng, Phòng Công chứng cần cung ứng dịch vụ tốt ở khâu “chăm sóc khách hàng”, bảo đảm khách hàng vui vẻ khi đặt chân đến Phòng Công chứng và thật sự hài lòng , mong muốn quay trở lại khi bước chân ra khỏi trụ sở công chứng.

Hai là, đặt mục tiêu phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước lên trước. Trong bối cảnh xã hội hóa, nhiều tổ chức kinh tế có thể đảm đương được và đảm đương tốt việc cung ứng dịch vụ công. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn duy trì một số tổ chức dịch vụ sự nghiệp công là để phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước, để các tổ chức Nhà nước bắt buộc và sẵng sàng đảm nhận những nhiệm vụ mà các tổ chức tư nhân khác có thể không thực hiện được hoặc không muốn thực hiện. Chính vì vậy, vai trò “chu đạo, then chốt” của Phòng Công chứng chính là được thể hiện qua việc thực hiện những nhiệm vụ khó khăn do Nhà nước giao.

Ba là, không thương mại hoá, không vì mục tiêu lợi nhuận. Đây là tiêu chí quan trọng yêu cầu các tổ chức sự nghiệp công phải ghi nhớ khi Nhà nước đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng, nếu không muốn mất vai trò “chủ đạo, then chốt” của mình. Nếu thương mại hóa, nếu chạy theo lợi nhuận, tổ chức đơn vị sự nghiệp công lập có thể đánh mất hai tiêu chí nêu trên. Rõ ràng, khi đã vì lợi nhuận, vai trò nêu gương, tuân thủ pháp luật tuyệt đối có thể bị vi phạm; và vì lợi nhuận, không hoàn thành được những nhiệm vụ phục vụ nhiệm vụ chính trị, quản lý nhà nước, vốn dĩ là những nhiệm vụ khó khăn, không mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho tổ chức thực hiện.

Với 03 tiêu chí cơ bản nêu trên, nếu Phòng Công chứng thực hiện tốt sẽ phát huy cao vai trò, vị trí “chủ đạo, then chốt” của mình trong thị trường dịch vụ công chứng. Một khi đặt trọng tâm vào chất lượng dịch vụ, không vì lợi nhuận, hẳn nhiên uy tín, vị thế của tổ chức ngày càng được nâng lên. Và trong nền kinh tế thị trường, khách hàng luôn luôn đặt niềm tin lâu dài vào đơn vị cung ứng dịch vụ chất lượng tốt, uy tín. Khi sẵng sàng thực hiện những nhiệm vụ khó khăn vì mục đích chính trị, vì quản lý nhà nước, đó là những nhiệm vụ hướng đến xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, vì người dân mà phục vụ thì vị thế, vai trò của đơn vị sự nghiệp công lập trong mắt người dân sẽ gần gủi, tốt đẹp hơn. Qua đó, vị trí, vai trò “chủ đạo, then chốt” của Phòng Công chứng tất nhiên sẽ phát huy một cách “hữu xạ tự nhiên hương”.

Một số vấn đề mang tính định hướng

- Nghị quyết số 172/NQ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển nghề công chứng nêu rõ “hướng dẫn chế độ tài chính của Phòng công chứng nhằm giải quyết một số bất cập về tài chính của Phòng công chứng”. Hiện nay, theo Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên, Mức thu phí công chứng được áp dụng thống nhất đối với Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng. Trong khi đó, tỷ lệ nộp số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước như sau: Phòng công chứng tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư thì được trích 75% số tiền phí thu được để trang trải chi phí phí cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP. Nộp 25% số tiền phí thu được còn lại vào ngân sách nhà nước. Phòng công chứng tự bảo đảm một phần chi thường xuyên thì được trích 60% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 40% số tiền phí thu được còn lại vào ngân sách nhà nước. Phòng công chứng do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên thì được trích 50% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 50% số tiền phí thu được còn lại vào ngân sách nhà nước.

 Đối với Văn phòng công chứng: Tiền phí thu được là doanh thu của Văn phòng công chứng. Văn phòng công chứng được giữ lại 100% số tiền phí thu được để trang trải cho việc thu phí và phải khai, nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Văn phòng công chứng thực hiện lập và giao hóa đơn cho đối tượng nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn.

Như vậy, trong giai đoạn các Phòng Công chứng dần chuyển đổi sang cơ chế tài chính tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhưng tỷ lệ nộp số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước có sự khác nhau giữa Phòng Công chứng và Văn phòng công chứng có ảnh hưởng đến doanh thu của Phòng Công chứng. Vấn đề này cần được các cơ quan có thẩm quyền sớm khắc phục.

 - Tránh tâm lý nóng vội. Trước xu thế xã hội hóa, nhiều Văn phòng công chứng ra đời và có kết quả hoạt động nổi trội, doanh thu cao hơn Phòng Công chứng, đã nảy sinh tâm lý lo lắng, nóng vội đối với các Phòng Công chứng trong việc khôi phục, duy trì vị thế hàng đầu. Tuy nhiên, chính tâm lý nóng vội, chỉ nhìn cái trước mắt mà chưa xác định các yếu tố khác của một đơn vị sự nghiệp công lập sẽ ảnh hưởng đến bản chất, mục tiêu duy trì hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

- Chú trọng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các giải pháp đã được nêu tại Nghị quyết số 19-NQ/TW đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó, tăng cườn quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bao gồm cả cán bộ quản lý).  Nâng cao năng lực quản trị của đơn vị sự nghiệp công lập, đổi mới phương thức quản lý, nâng cao năng lực quản trị đơn vị, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công, đáp ứng yêu cầu của xã hội.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.442.035
Lượt truy cập hiện tại 532