Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số trao đổi về công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Ngày cập nhật 21/01/2022

Ngày 22 tháng 7 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật (Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg), được áp dụng từ năm 2022 và thay thế Quyết định số 619/QĐ-TTg. Nhìn chung, Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg được xây dựng tinh gọn, dễ áp dụng; cơ bản khắc phục bất cập, hạn chế của Quyết định số 619/QĐ-TTg qua việc điều chỉnh các tiêu chí, chỉ tiêu phù hợp với thực tiễn; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong tình hình mới.

 

Một trong những điểm mới đáng chú ý là điều kiện công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Khoản 3 Điều 4 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định “Trong năm đánh giá, không có cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) bị xử lý kỷ luật hành chính do vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

So với quy định trước đây, quy định mới đã thu hẹp đối tượng trong phạm vi cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã và bị xử lý kỷ luật hành chính với bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, về bản chất, để đạt điều kiện cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là cơ bản giống nhau. Liên quan đến vấn đề này, trong quá trình thực tiễn áp dụng các quy định đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đã nảy sinh một số vướng mắc như sau:

Trường hợp thứ nhất: trong năm đánh giá, cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã đã xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, tuy nhiên quyết định xử lý kỷ luật hành chính được ban hành vào năm liền kề tiếp theo. Vậy trường hợp này việc cán bộ, công chức bị xử lý kỷ luật sẽ được áp dụng để xét điều kiện trong năm đánh giá hay năm liền kề sau năm đánh giá?

Thứ nhất, pháp luật vẫn có quy định những trường hợp chưa xem xét xử lý kỷ luật (Điều 3 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức) và thời gian tạm hoãn này không được tính vào thời hạn xử lý kỷ luật, do đó, không thể lấy thời điểm ban hành quyết định xử lý kỷ luật làm căn cứ để đánh giá cấp xã đủ điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Để phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (Khoản 1 Điều 156 về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật) và các luật chuyên ngành như: Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự…, trong trường hợp này, cần hiểu hành vi xảy ra thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật hành chính, không phải hành vi đã bị xử lý kỷ luật hành chính. Do vậy, hành vi bị xử lý kỷ luật hành chính của cán bộ, công chức xảy ra ở thời điểm nào thì căn cứ thời điểm đó để đánh giá điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

Trường hợp thứ hai: cán bộ, công chức là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã bị xử lý kỷ luật về Đảng thì cấp xã có đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hay không?

Tại Khoản 6 Điều 2 Quy định số102-QĐ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2017 của Bộ Chính trị quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm đã nêu: Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên bị thi hành kỷ luật về Đảng thì cấp ủy quản lý đảng viên đó phải kịp thời chỉ đạo hoặc đề nghị ngay các tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội có thẩm quyền, trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định kỷ luật về Đảng, phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn th (nếu có) theo quy định của cơ quan nhà nước và điều lệ của đoàn thể. Do đó, hình thức kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính là khác nhau và không thể lấy quyết định kỷ luật Đảng để thay thế quyết định kỷ luật hành chính làm căn cứ, điều kiện để đánh giá cấp xã có đạt chuẩn tiếp cận pháp luật hay không.

Về trường hợp này, một số quan điểm cho rằng nếu hành vi vi phạm không thuộc phạm vi thi hành công vụ thì vẫn đủ điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, vi phạm trong thi hành công vụ là những vi phạm về nhiệm vụ, quyền hạn đã được quy định tại Điều 36 Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015.

Để giải quyết vấn đề trên, cần xem xét quy định tại Điều 2 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 đưa ra khái niệm về hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, theo đó:"Hoạt động công vụ của cán bộ, công chức là việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, công chức theo quy định của Luật này và các quy định khác có liên quan". Như vậy, nếu hành vi của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã vi phạm các quy định về nghĩa vụ của cán bộ, công chức; những việc cán bộ, công chức không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác… thì vẫn cần xem xét đó là hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành công vụ.

Có thể nói, việc ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg là dấu mốc quan trọng, góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý của công tác chuẩn tiếp cận pháp luật. Tuy nhiên để hạn chế các trường hợp hiểu và áp dụng quy định không đúng, kiến nghị Bộ Tư pháp có văn bản hướng dẫn cụ thể để đảm bảo hiệu quả, chất lượng công tác đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nói riêng, công tác xây dựng nông thôn mới nói chung./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.441.223
Lượt truy cập hiện tại 159