Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Cảnh sát cơ động
Ngày cập nhật 18/10/2021

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động được Ủy ban thường vụ quốc hội khóa XIII thông qua ngày 23/12/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cảnh sát cơ động phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang xử lý kịp thời, có hiệu quả các hoạt động gây phương hại đến an ninh trật tự, biểu tình bạo loạn; trấn áp tội phạm có sử dụng vũ khí, đấu tranh triệt phá các chuyên án, các băng, ổ nhóm tội phạm có tổ chức; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, hội nghị, sự kiện chính trị quan trọng… góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 

Việc xây dựng và ban hành Luật Cảnh sát cơ động nhằm thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại tại các văn kiện như Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII, XIII của Đảng và Nghị quyết của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia, cũng như Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật chuyên ngành, trong đó có những quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động như: Luật Công an nhân dân; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Hàng không dân dụng... nhưng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, đòi hỏi phải xây dựng những quy định cụ thể nhằm đảm bảo hành lang pháp lý để cảnh sát cơ động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh cảnh sát cơ động sau 7 năm triển khai thi hành. Mặt khác, trước những diễn biến của tình hình thế giới, khu vực tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự như: Xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống (thiên tai, dịch bệnh)... đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật cảnh sát cơ động để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới là cần thiết.

Trên cơ sở nghiên cứu của dự án Luật, tác giả có một số ý kiến góp ý cụ thể như sau:

1. Tại Điều 2 về giải thích từ ngữ, kiến nghị cơ quan soạn thảo trình bày thống nhất nội dung “bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.” tại Khoản 1 và Khoản 2, vì có sự khác nhau trong cách trình bày nội dung trên, cụ thể: Khoản 1 Điều 2 quy định: “…bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.”.

Khoản 2 Điều 2 quy định: “…bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.”.

2. Kiến nghị cơ quan soạn thảo thực hiện rà soát để giải thích hoặc quy định rõ hơn đối với cụm từ “Hàng đặc biệt”.

3. Tại Khoản 6 Điều 9 về nhiệm vụ của cảnh sát cơ động quy định “Phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp phải sử dụng biện pháp vũ trang mà các lực lượng khác không thực hiện được trong đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.”, kiến nghị quy định nội dung trên thành 2 khoản độc lập nhau, vì mục đích và mức độ trách nhiệm khác nhau, cụ thể như sau:

Phối hợp với các lực lượng trong Công an nhân dân và các lực lượng, đơn vị có liên quan thực hiện nhiệm vụ có tính chất phức tạp phải sử dụng biện pháp vũ trang mà các lực lượng khác không thực hiện được trong đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự; phòng, chống, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh; tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc các bộ, ngành, địa phương trong bảo đảm an ninh, trật tự và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

4. Kiến nghị cơ quan soạn thảo thực hiện rà soát dự thảo để điều chỉnh, thay thế cụm từ ngữ “Khẩn bách” bằng cụm từ “Khẩn cấp” để phù hợp và thống nhất với các Luật khác được Quốc hội thông qua như: Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2015, Luật Thương mại,…

5. Tại Điều 13 về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, kiến nghị cơ quan soạn thảo chọn phương án 1, cụ thể:

          1. Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động bao gồm:

          a) Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động;

          b) Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết Điều này.

6. Tại Khoản 5 Điều 14 về nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động quy định: “Thường xuyên học tập nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, rèn luyện thể lực, kỹ thuật, chiến thuật và sử dụng thành thạo trang bị của Cảnh sát cơ động.”, kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung hoặc thay thế cụm từ “trang bị” trong nội dung trên phù hợp, vì theo nội dung trên cụm từ này được hiểu là một động từ “trang bị”, nhưng quy định muốn điều chỉnh là một danh từ. Do đó, để dễ dàng áp dụng trong thực tiễn và đồng thời phù hợp với các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị cho cảnh sát cơ động trong dự thảo nên bổ sung thành: “…và sử dụng thành thạo trang thiết bị của Cảnh sát cơ động.”.

7. Tại Điều 28 quy định “Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an quy hoạch quỹ đất phù hợp để Cảnh sát cơ động xây dựng trụ sở đóng quân, thao trường huấn luyện; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Cảnh sát cơ động; thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.”, kiến nghị bỏ nội dung “thực hiện chính sách về nhà ở xã hội cho cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát cơ động theo quy định của pháp luật.”, vì không cần thiết, nội dung này đã được quy định tại Luật nhà ở năm 2014.

8. Về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo

 - Khoản 1 Điều 36 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14  ngày 14 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quy định: Thông tin về thời điểm Quốc hội thông qua luật, nghị quyết được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ nghiêng, đặt phía dưới điều cuối cùng của văn bản. Số chỉ khóa Quốc hội dùng số La Mã; số chỉ kỳ họp Quốc hội dùng số Ả Rập, trừ kỳ họp thứ nhất.

Điều cuối cùng của luật, nghị quyết của Quốc hội và thông tin về thời điểm Quốc hội thông qua văn bản được phân cách bằng đường kẻ ngang liền từ lề trái đến lề phải.

Và để phù hợp với mẫu số 04 mẫu Đề cương chi tiết dự thảo luật của Quốc hội tại phụ lục V kèm theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung đường kẻ ngang theo quy định viện dẫn nêu trên và chỉnh sửa “Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ.....thông qua ngày …. tháng … năm ….” thành “Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ.....thông qua ngày …. tháng … năm ….”.

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.448.041
Lượt truy cập hiện tại 2.657