Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số nội dung trao đổi về hoãn, giảm, miễn tiền phạt vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 18/10/2021

Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là giai đoạn kết thúc của quá trình thực hiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, để đạt được kết quả mong muốn, nhiều vấn đề liên quan đến việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt cần được giải quyết một cách đồng bộ, từ cơ sở pháp lý đến điều kiện bảo đảm cho việc thi hành, khả năng, trình độ của người có thẩm quyền áp dụng pháp luật và ý thức thái độ của người vi phạm, trong đó, người có thẩm quyền xử phạt phải thực hiện các thủ tục thi hành quyết đinh xử phạt một cách đầy đủ, chặt chẽ, nhanh chóng, công minh, đúng quy định của pháp luật.

 

Liên quan đến việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt trong trường hợp được hoãn, giảm, miễn tiền phạt, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định cụ thể tại Điều 76, Điều 77. Theo đó, Luật quy định về điều kiện và thủ tục như sau:

Đối với trường hợp hoãn thi hành quyết định phạt tiền:

Về điều kiện: Quyết định phạt tiền có thể được hoãn thi hành trong trường hợp cá nhân bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng trở lên đang gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc.

 Về thủ tục: Cá nhân phải có đơn đề nghị hoãn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính gửi cơ quan của người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt xem xét quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt đó.

Thời hạn hoãn thi hành quyết định xử phạt không quá 03 tháng, kể từ ngày có quyết định hoãn (mẫu MQĐ03 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).

Đối với trường hợp giảm, miễn tiền phạt:

Về điều kiện: Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.

Về thủ tục: Cá nhân xin giảm, miễn phải có đơn đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt gửi người đã ra quyết định xử phạt. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, người đã ra quyết định xử phạt phải chuyển đơn kèm hồ sơ vụ việc đến cấp trên trực tiếp. Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được đơn, cấp trên trực tiếp phải xem xét quyết định và thông báo cho người đã ra quyết định xử phạt, người có đơn đề nghị giảm, miễn biết; nếu không đồng ý với việc giảm, miễn thì phải nêu rõ lý do (mẫu MQĐ04 ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP).

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho thấy các cơ quan, đơn vị, địa phương còn lúng túng và có nhiều cách hiểu khác nhau về giảm, miễn tiền phạt, cụ thể: Cách hiểu thứ nhất cho rằng: Không nhất thiết phải áp dụng quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền rồi mới áp dụng quyết định giảm, miễn tiền phạt. Cách hiểu thứ hai cho rằng: Phải áp dụng quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền rồi mới áp dụng quyết định giảm, miễn tiền phạt.

Qua nghiên cứu các quy định hiện hành về giảm, miễn tiền phạt, tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định: “Cá nhân thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 76 của Luật này mà không có khả năng thi hành quyết định thì có thể được xem xét giảm, miễn phần còn lại tiền phạt ghi trong quyết định xử phạt.” Theo đó, khoản 1 Điều 76 Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định về “hoãn thi hành quyết định phạt tiền”.

Thứ hai, khoản 4 Điều 10 Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP) quy định: Trường hợp cá nhân đề nghị giảm, miễn phần còn lại hoặc toàn bộ tiền phạt theo quy định tại Điều 77 Luật xử lý vi phạm hành chính, thì phải có đơn đề nghị gửi người đã ra quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày làm việc, trước khi hết thời hạn hoãn ghi trong quyết định hoãn thi hành quyết định xử phạt.

Thứ ba, tại mẫu Quyết định số 04 về giảm/miễn phần còn lại (toàn bộ) tiền phạt vi phạm hành chính ban hành kèm theo Nghị định số 97/2017/NĐ-CP thì phần căn cứ ban hành có nội dung Căn cứ Quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền số …/QĐ-HTHQĐPT”. Do vậy, trước khi áp dụng quyết định giảm, miễn tiền phạt, phải áp dụng quyết định hoãn thi hành quyết định phạt tiền.

Một số nội dung lưu ý đối với cơ quan, người có thẩm quyền trong quá trình xem xét giảm, miễn tiền phạt:

Một là, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật không quy định về việc giảm, miễn tiền phạt đối với tổ chức.

Hai là, đối với trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ra quyết định xử phạt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đó xem xét, quyết định việc giảm, miễn tiền phạt.

Ba là, cá nhân được hoãn chấp hành quyết định xử phạt/được giảm, miễn tiền phạt được nhận lại giấy tờ, tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ theo quy định tại khoản 6 Điều 125 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Bốn là, các nội dung về hoãn, miễn, giảm tiền phạt đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2022), do đó, cần chủ động nghiên cứu, có kế hoạch chi tiết, cụ thể triển khai thực hiện các nội dung mới, các nội dung được sửa đổi, bổ sung liên quan đến điều kiện, trình tự, thủ tục, trách nhiệm và thẩm quyền theo quy định.

Có thể nói, các quy định về thi hành quyết định xử phạt trong Luật Xử lý vi phạm hành chính tương đối cụ thể, chi tiết (đặc biệt là so với các Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính trước đây) nhưng để áp dụng pháp luật chính xác đòi hỏi người có thẩm quyền không những phải nắm vững các quy định cụ thể mà còn phải có khả năng khớp nối các nội dung liên quan với nhau để tổ chức thi hành một hoặc nhiều quyết định xử phạt thuộc trách nhiệm của mình. Bên cạnh đó, với đặc điểm đặc thù là việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt trên thực tế sẽ áp dụng đối với đối tượng cụ thể, thông qua nhiều hoạt động khác nhau nên trong quá trình áp dụng pháp luật, người có thẩm quyền thi hành quyết định xử phạt cũng cần có thông tin, kinh nghiệm để có thể dự liệu, xử lý kịp thời các tình huống khác nhau.

Với những nội dung trao đổi trên đây, hy vọng các cơ quan, đơn vị, địa phương áp dụng pháp luật chính xác đối với việc thực hiện hoãn thi hành quyết định phạt tiền, giảm, miễn tiền phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.443.878
Lượt truy cập hiện tại 1.060