Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng, chống ma túy
Ngày cập nhật 04/11/2020

Trong những năm qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung đa dạng về hình thức, huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đông đảo quần chúng, nhiều mô hình tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng; từng bước đổi mới công tác cai nghiện ma túy; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả; phát hiện, điều tra, khám phá nhiều tổ chức, đường dây tội phạm sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia, thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, tổ chức nhiều vụ xét xử lưu động, góp phần quan trọng trong giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm ma túy. Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy.

 

Tuy nhiên, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy đã xuất hiện nhưng chưa có quy định để điều chỉnh, một số nội dung, quy định của Luật Phòng, chống ma túy đã lạc hậu so với thực tiễn, cụ thể như tình hình tội phạm ma túy vẫn diễn biến hết sức phức tạp, số vụ, số đối tượng, khối lượng chất ma túy gia tăng theo từng năm; Công tác kiểm soát hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy cũng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc; Một số loại thuốc có chứa chất ma túy, tiền chất cũng chưa được quy định kiểm soát. Tình hình số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần)....

Xuất phát từ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên, việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) là yêu cầu cấp thiết, khách quan để thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống ma túy, đồng thời bảo đảm tính thống nhất của pháp luật, nhằm khắc phục hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng, chống ma túy trong thời gian tới, hoàn thiện pháp luật về phòng, chống ma túy, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Cơ bản nhất trí dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 điều quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy và công tác cai nghiện. Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống ma túy. Trong đó trách nhiệm, kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy được quy định cụ thể trong Dự thảo. Nổi bật, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, các quy định về thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy… sẽ là công cụ hiệu quả trong công tác phòng, chống ma túy trong tình hình hiện nay. Sau đây là một số ý kiến góp ý với dự thảo:

1. Điều 3 của dự thảo Luật quy định về giải thích từ ngữ

Thống nhất dự thảo Luật cơ bản giữ các từ ngữ được giải thích trong Luật hiện hành, đồng thời bổ sung một số từ ngữ mới. Tuy nhiên nhận thấy, một số từ ngữ được giữ nguyên như Luật hiện hành cần được nghiên cứu để có sự sửa đổi cho phù hợp với những thay đổi lớn trong thực tiễn, như về “người nghiện ma túy” tại khoản 15 Điều 3 của dự thảo Luật cần nghiên cứu để bao quát về các loại ma túy mới và tác hại, hậu quả của các loại ma túy này gây ra cho người sử dụng.

Đối với một số từ ngữ đã được giải thích trong các văn bản chuyên ngành như thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần… (khoản 5) đã được quy định tại các khoản 17, 18,19, 20, 21 và khoản 22 Điều 3 Luật Dược và nội hàm giải thích tại dự thảo Luật không có sự khác biệt; một số thuật ngữ như “phòng, chống ma túy”, “tội phạm về ma túy”; các thuật ngữ về “các hoạt động hợp pháp liên quan” và “kiểm soát các hoạt động hợp pháp” đã rõ về nội dung và không có cách hiểu khác nhau, đề nghị cân nhắc không cần thiết phải giải thích tại Luật này.

Đối với các từ ngữ bổ sung tại khoản 5, 6, 7, 8, 11, 16, 17 cần được rà soát, cân nhắc kỹ để bảo đảm việc đưa ra nội hàm của mỗi từ ngữ được chính xác, bao quát và đúng mục tiêu, phạm vi điều chỉnh của Luật, thống nhất với các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác.

2. Điều 4 dự thảo Luật quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: Đề nghị rà soát kỹ các quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Luật dược, Luật đầu tư… để xác định chính xác các hành vi, hoạt động bị cấm liên quan đến ma túy, tránh việc quy định cấm tất cả các hành vi, hoạt động được phép đối với một số hành vi đối với loại thuốc kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật dược (như việc sản xuất các loại thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất…). Một số hành vi bị cấm như vi phạm các quy định về giao nhận, quản lý, tồn trữ trái phép chất ma túy, tiền chất, trái phép khác… cũng cần phải được làm rõ hơn nội hàm và thống nhất với quy định tại Bộ luật hình sự năm 2015 để xác định có thuộc trường hợp bị nghiêm cấm hay không.

3. Khoản 6 và khoản 7 Điều 4 dự thảo Luật quy định Chống lại hoặc cản trở việc cai nghiện ma túy; 8. Trả thù hoặc cản trở người có trách nhiệm hoặc người tham gia phòng, chống ma túy”, hai khoản này quy định có tính chất tương tự nhau, đề nghị gộp chung để bảo đảm tính hợp lý, logic.

4. Khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật quy định “Cơ quan Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Viện kiểm sát, Tòa án và chính quyền các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này”, đề nghị bổ sung cụm từ “nhân dân” vào sau từ “Viện kiểm sát” và “Tòa án”.

5. Tại tiêu đề Điều 13 dự thảo Luật, đề nghị sửa tên Điều thành “Quản lý các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy, tiền chất” để được đầy đủ về nội dung của điều này.

6. Tại tiêu đề Điều 20 dự thảo Luật quy định “Vận chuyển, tồn trữ thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất vì mục đích y tế”, đề nghị nghiên cứu chỉnh sửa cụm từ “tồn trữ” thành “Vận chuyển, lưu trữ thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất vì mục đích y tế”.

7. Về biện pháp cai nghiện ma túy bắt buộc (Điều 31 dự thảo) đã được điều chỉnh cả trong Luật Phòng chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cai nghiện ma túy có 2 biện pháp là cai nghiện bắt buộc và cai nghiện tự nguyện. Cai nghiện bắt buộc có thể ở cả tự nguyện, có thể địa điểm, hình thức thì cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, ở xã, phường, thị trấn, các cơ sở cai nghiện công lập hoặc là các cơ sở cai nghiện của tư nhân. Cho nên, đối tượng để đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc này thì phải nằm ở bên Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).

Luật Phòng, chống ma túy hiện hành cũng đã quy định đầy đủ, cụ thể các biện pháp đối với người nghiện ma túy. Việc sửa đổi, bổ sung quy định về cai nghiện bắt buộc nên xem xét trong quá trình thảo luận cho ý kiến tổng thể về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), như vậy sẽ phù hợp hơn, toàn diện hơn và đúng với phạm vi, đối tượng điều chỉnh.

8. Tại Khoản 3 Điều 29 dự thảo Luật quy định về chính sách của Nhà nước về cai nghiện ma túy quy định “hỗ trợ kinh phí đối với người nghiện ma túy tự nguyện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng và tại cơ sở cai nghiện”, tuy nhiên nhận thấy, quy định này chưa thực sự phù hợp với mục tiêu tại chính sách khuyến khích xã hội hóa công tác cai nghiện tự nguyện là giảm đầu tư, chi ngân sách của Nhà nước. Theo đó, để có cơ sở cho cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo đánh giá rõ hơn về tính khả thi, các tác động tích cực, tiêu cực về kinh tế, xã hội cũng như chi phí của quy định này đối với kinh phí Nhà nước.

9. Điều 70 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định trình bày số, đơn vị đo lường trong văn bản “Số trong văn bản phải được thể hiện bằng số Ả Rập và được chú thích bằng chữ ngay sau phần số, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”, do vậy, kiến nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại toàn bộ nội dung của dự thảo Luật để đảm bảo đúng theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.400.746
Lượt truy cập hiện tại 3.986