Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Hòa giải ở cơ sở: Một số vấn đề cần hoàn thiện
Ngày cập nhật 29/03/2019

Hòa giải ở cơ sở với hiệu quả giúp hóa giải các tranh chấp, mâu thuẩn trong cộng đồng dân cư, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, an toàn, bảo đảm trật tự xã hội cho người dân ở cơ sở là điều mà không ai có thể phủ nhận. Để phát huy tốt hơn vai trò của công tác này cũng như tạo một hành lang pháp lý bảo đảm cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần xem xét hoàn thiện một số vấn đề để phù hợp với thực tiễn và nâng cao chất lượng công tác này.

 

1. Cần tiếp tục nâng cao nhận thức về hoạt động hòa giải ở cơ sở, nhận thức đầy đủ về hòa giải ở cơ sở phù hợp với bản chất tự nguyện, tự quản, tránh tình trạng hành chính hóa hay đặt lên vai hòa giải viên ở cơ sở trách nhiệm quá nặng.

Hòa giải ở cơ sở là hoạt động truyền thống của người dân nước ta từ xa xưa, xuất phát từ tình làng nghĩa xóm “tối lửa tắt đèn có nhau”, vì vậy hoạt động hòa giải ở cơ sở rất tự nhiện, mộc mạc như chính đời sống hàng ngày của người dân. Đạo lý truyền thống này được duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Hiểu được điều này để xác định đúng vị trí, vai trò của hòa giải ở cơ sở, tránh tình trạng một số cơ quan, cá nhân “hành chính hóa” hoạt động này, hay, đặt lên vai hòa giải viên cơ sở trọng trách quá nặng nề. Thực tế cho thấy, không ít địa phương khi nói đến hòa giải ở cơ sở và hoạt động hòa giải ở cơ sở  là nghĩ ngay đến đến những vụ việc hòa giải lớn liên quan đến tranh chấp đất đai, hoặc mâu thuẩn dẫn đến gây gỗ đánh nhau… mà chưa nhìn nhận những vụ việc nhỏ phù hợp với bản chất của hoạt động này (xích mích nhỏ về lối đi, lời qua tiếng lại…). Hay, nói đến công tác hòa giải ở cơ sở là nói đến vấn đề biên bản, giấy tờ ghi chép, trong khi đó Luật Hòa giải ở cơ sở không yêu cầu biên bản hòa giải là bắt buộc và thực tiễn các vụ việc hòa giải với sự “tự nhiên, linh hoạt” của nó cũng không cần đến giấy tờ gì; có chăng là việc ghi chép nội dung hòa giải vào Sổ theo dõi công tác hòa giải theo quy đinh. Tuy nhiên, không ít chính quyền cấp xã đã yêu cầu Tổ hòa giải phải cung cấp biên bản, giấy tờ khi thống kê và làm các thủ tục liên quan đến công tác này, từ đó dẫn đến số liệu thống kê, báo cáo, theo dõi chưa ghi nhận đầy đủ thực tiễn sinh động của hòa giải ở cơ sở.

2. Đơn giản hóa thủ tục bầu hòa giải viên

Thủ bầu hòa giải viên theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam  hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, có thể nói khá “rườm rà”, phức tạp, cụ thể có 03 bước:

- Bước 1: Chuẩn bị bầu hòa giải viên (Trong thời hạn 20 ngày, trước ngày dự kiến bầu hòa giải viên): Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận dự kiến những người được bầu làm hòa giải viên; thống nhất thời gian bầu hòa giải viên; quyết định hình thức bầu hòa giải viên; quyết định danh sách Tổ bầu hòa giải viên; thông báo công khai danh sách bầu hòa giải viên.

- Bước 2: Tổ chức bầu hòa giải viên: Bầu hòa giải viên bằng hình thức biểu quyết công khai hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp được tiến hành khi có trên 50% đại diện các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố trở lên tham dự; hoặc bầu hòa giải viên bằng hình thức phát phiếu lấy ý kiến các hộ gia đình trong thôn, Tổ dân phố.

- Bước 3: Kết quả bầu hòa giải viên: Trưởng ban công tác Mặt trận lập hồ sơ về kết quả bầu hòa giải viên gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã để xem xét, quyết định.

Thực tiễn cho thấy, hòa giải ở cơ sở là hoạt động hoàn toàn mang tính tự nguyện, các bên tranh chấp lựa chọn người có uy tín ở cơ sở để thực hiện hòa giải. Và thông thường, khi xảy ra tranh chấp, mâu thuẫn, người hòa giải chính thường là Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn trưởng, già làng, trưởng bản, chi hội phụ nữ. Từ thực tiễn đó và với yêu cầu thủ tục phức tạp như trên, có lúc, có nơi xảy ra tình trạng hình thức, hợp thức hóa trong tổ chức bầu hòa giải viên và ra quyết định công nhận Tổ hòa giải. Đa số cho thấy, thành viên Tổ hòa giải cũng chính là Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn trưởng, già làng, trưởng bản, Trưởng Ban công tác mặt trận, những người thuộc các tổ chức đoàn thể ở thôn, từ đó có tình trạng “một chân xỏ nhiều giày”.

Để phù hợp với tình hình thực tiễn cũng như đơn giản hóa khâu bầu hòa giải viên, thiết nghĩ Luật nên sửa đổi theo hướng không quy định về bầu hòa giải viên mà giao nhiệm vụ này cho Tổ trưởng Tổ dân phố, thôn trưởng, già làng, trưởng bản, Trưởng Ban công tác mặt trận, những người thuộc các tổ chức đoàn thể ở thôn. Nhà nước (chính quyền cấp xã) chỉ quản lý, theo dõi, hướng dẫn hoạt động này bảo đảm theo đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

3. Xác định khi nào thì một vụ việc hòa giải kết thúc

Điều 23 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định kết thúc hòa giải khi có một trong ba trường hợp sau: 1. Các bên đạt được thỏa thuận. 2. Một bên hoặc các bên yêu cầu chấm dứt hòa giải. 3. Hòa giải viên quyết định kết thúc hòa giải khi các bên không thể đạt được thỏa thuận và việc tiếp tục hòa giải cũng không thể đạt được kết quả.

Điều 14 Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2014  của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hòa giải ở cơ sở nêu rõ điều kiện được hưởng thù lao theo vụ, việc của hòa giải viên là khi: 1. Vụ, việc được tiến hành hòa giải và đã kết thúc theo quy định tại Điều 23 của Luật hòa giải ở cơ sở. 2. Hòa giải viên không vi phạm nghĩa vụ quy định tại Điều 10 của Luật hòa giải ở cơ sở.

Như vậy, kết thúc vụ việc hòa giải là một trong những điều kiện để thanh toán thù lao vụ việc hòa giải. Tuy nhiên, thực tế diễn biến các vụ việc mâu thuẩn, tranh chấp trên thực tế lại khá phức tạp nên rất khó để xác định một vụ việc kết thúc hay chưa. Ví dụ: Anh A và chị B là vợ chồng, hai người có mâu thuẩn và đã nhờ hòa giải viên hòa giải, giúp đỡ. Hòa giải viên nhiệt tình giúp đỡ và đã giúp hòa giải thành. Tuy nhiên, khoảng một tháng sau thì hai vợ chồng lại mâu thuẩn, lại nhờ hòa giải viên giúp đỡ. Trong trường hợp này, đây được xác định là một vụ việc hòa giải hay nhiều vụ việc hòa giải.

Từ thực tế đó, kiến nghị xem xét quy định rõ vấn đề này để đảm bảo thực hiện thống nhất trên thực tế.

4. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hòa giải ở cơ sở

Với tính chất hòa giải những vụ việc tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, thực tế cuộc sống diễn ra phong phú với rất nhiều các vụ việc được hòa giải hết sức sinh động. Và không phải vụ việc nào cũng được báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã; thông thường chỉ những vụ việc tranh chấp lớn mới được báo cáo chính quyền địa phương để ghi nhận. Vì vậy, số liệu về hoạt động hòa giải ở cơ sở có lúc chưa đầy đủ và chính quyền cũng chưa nắm hết tình hình thực tiễn của hoạt động này trên địa bàn để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn. Đề thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động hòa giải ở cơ sở, cần thiết phải có biện pháp theo dõi, thu thập số liệu đầy đủ tại cơ sở. Và thuận lợi nhất, đó là thông qua Tổ trưởng Tổ dân phố (Trưởng thông,…) để nắm tình hình.

 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.400.879
Lượt truy cập hiện tại 4.049