Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật năm 2018 và giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 04/03/2019

Để triển khai, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa các quy định về xây dựng, ban hành văn bản QPPL, hoàn thiện thể chế ở địa phương. Trong năm 2018, Hội đồng nhân dân đã ban hành 23 Nghị quyết QPPL, Uỷ ban nhân dân đã ban hành 75 Quyết định QPPL.

 

Nhìn chung, các văn bản QPPL của Ủy ban nhân dân tỉnh được ban hành theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Hệ thống văn bản QPPL của Uỷ ban nhân dân tỉnh điều chỉnh cơ bản các mặt của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương; được triển khai thực hiện thống nhất từ tỉnh đến cơ sở; có tác động rất lớn, tạo hành lang pháp lý trong việc bảo đảm hoạt động hiệu quả của bộ máy nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của Nhân dân; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương.

Kết quả trên thể hiện qua các lĩnh vực cụ thể như sau:

Công tác tự kiểm tra: Trong năm 2018, Sở Tư pháp đã tự kiểm tra 75 văn bản do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành trong năm 2018, kết quả tự kiểm tra, phát hiện 01 văn bản có dấu hiệu chưa phù hợp với quy định pháp luật và đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý.

Công tác kiểm tra theo thẩm quyền: Kiểm tra 25 văn bản QPPL do HĐND, UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế gửi đến, trong đó có 18 Nghị quyết và 07 Quyết định. Qua đó, phát hiện và kiến nghị xử lý 02 văn bản chưa phù hợp với pháp luật (01 văn bản sai về thẩm quyền, 01 văn bản có thể thức chưa phù hợp với quy định của pháp luật).

Đối với một số sai sót về thể thức, kỹ thuật chưa đến mức phải kiến nghị xử lý, Sở Tư pháp đề nghị các địa phương nghiêm túc rút kinh nghiệm; đồng thời yêu cầu trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL phải thực hiện theo đúng quy định tại Điều 30 của Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015: “Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành nghị quyết, Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã ban hành quyết định để quy định những vấn đề được Luật giao”.

 Công tác kiểm tra theo địa bàn: Thành lập 01 Đoàn kiểm tra văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Quảng Điền ban hành. Theo đó, đã kiểm tra 20 văn bản QPPL và văn bản có chứa quy phạm pháp luật. Phát hiện 02 văn bản sai về thẩm quyền ban hành; 01 văn bản quy định nội dung chưa phù hợp; 07 văn bản sai về căn cứ pháp lý, hiệu lực, thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản. Đoàn kiểm tra đã có kết luận kiến nghị Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân huyện Quảng Điền thực hiện tự kiểm tra, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật, đến nay đã hoàn thành việc xử lý.

Công tác rà soát văn bản: Rà soát 52 văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến lĩnh vực đất đai, môi trường và khoáng sản còn hiệu lực và không có văn bản có dấu hiệu trái pháp luật; rà soát những bất cập, chồng chéo, vướng mắc giữa các quy định của pháp luật liên quan đến việc tiếp cận đất đai của người dân và doanh nghiệp cần sửa đổi, bổ sung: 07 văn bản; lĩnh vực Nội vụ: 07 văn bản; liên quan đến Bộ Luật hình sự: 0 văn bản; lĩnh vực Tư pháp: 41 văn bản; lĩnh vực khiếu nại, tố cáo: 17 văn bản; lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội: 36 văn bản; lĩnh vực đăng ký biện pháp bảo đảm, kết quả có 03 văn bản QPPL còn hiệu lực pháp luật, kiến nghị ban hành văn bản để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế 03 văn bản; liên quan đến Luật Quốc phòng, kết quả có 02 văn bản còn hiệu lực pháp luật và vẫn phù hợp, thống nhất với quy định của Luật Quốc phòng năm 2018; lĩnh vực Kế hoạch và đầu tư, kết quả gồm 10 văn bản QPPL còn hiệu lực pháp luật.

Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 509/QĐ-UBND ngày 28/02/2018 về công bố Danh mục văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ đến 31/12/2017, gồm 02 danh mục: Danh mục văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ: 79 văn bản (23 Nghị quyết, 53 Quyết định và 03 Chỉ thị); Danh mục văn bản QPPL do Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần: 21 văn bản (03 Nghị quyết và 18 Quyết định);

Theo kết quả bước đầu hệ thống hóa văn bản QPPL của HĐND, UBND kỳ 2014-2018, tổng số văn bản phục vụ hệ thống hóa được tập hợp là hơn 700 văn bản, trong đó: 500 văn bản còn hiệu lực; 200 văn bản hết hiệu lực toàn bộ; 27 văn bản hết hiệu lực, ngưng hiệu lực một phần; 110 văn bản cần đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế sau:

Một là:  Việc ban hành văn bản để cụ thể hóa những nội dung được văn bản cấp trên giao đôi khi còn chậm (có những văn bản của Trung ương ban hành đã có hiệu lực thi hành, nhưng một năm sau địa phương mới ban hành văn bản để cụ thể hóa).

Hai là: Một số cơ quan soạn thảo chưa tuân thủ nghiêm quy định pháp luật về quy trình xây dựng văn bản. Đặc biệt là bước lập đề nghị xây dựng quyết định. Từ đó, dẫn đến việc Sở Tư pháp phải làm văn bản trả hồ sơ và yêu cầu thực hiện lại theo đúng trình tự, thủ tục được quy định tại Luật Ban hành văn bản QPPL năm 2015. Ngoài ra, đối với khâu phối hợp lấy ý kiến các cấp, các ngành liên quan nhất là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của văn bản đóng góp vào văn bản đôi khi chưa hiệu quả, các cơ quan được lấy ý kiến đóng góp chỉ góp ý mang tính hình thức hoặc không góp ý, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng, phải đề nghị điều chỉnh, bổ sung dự thảo nhiều lần.

Ba là: Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL ở các Sở, ban, ngành trên địa bàn tỉnh tuy đã quan tâm để thực hiện, song chất lượng chưa thật sự cao, tiến độ ở một số đơn vị còn chậm so với yêu cầu đặt ra, nguyên nhân do việc phối hợp của một số Sở, ngành, phòng ban với cơ quan Tư pháp trong công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản có lúc chưa chặt chẽ, chưa quan tâm cử đúng thành phần tham dự tập huấn nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL, chưa chỉ đạo sát sao việc rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL … đội ngũ cán bộ, công chức còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên có sự biến động về thay đổi về vị trí công tác.

Bốn là: Thực tế qua công tác kiểm tra cho thấy HĐND, UBND cấp huyện rất cần thiết để ban hành văn bản QPPL để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên địa bàn, trong đó có chính sách hỗ trợ đặc thù của địa phương. Quy định tại Điều 30 của Luật Ban hành văn bản QPPL dẫn đến bó buộc tính chủ động trong việc triển khai các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL

Thứ nhất, tăng cường nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL tại địa phương

Sở Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt các quy định của pháp luật về công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, vai trò, tầm quan trọng của văn bản QPPL trong hoạt động quản lý nhà nước, trách nhiệm của công chức trong việc tham mưu xây dựng, ban hành văn bản.

Phát huy và tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong chỉ đạo, điều hành của cơ quan, đơn vị. Kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL, kịp thời xử lý nghiêm các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL. Tất cả các văn bản QPPL do các cơ quan, đơn vị tham mưu xây dựng phải do người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về chất lượng của văn bản do cơ quan, đơn vị tham mưu.

Thứ hai, xây dựng và hoàn thiện các thể chế, chính sách đảm bảo cho công tác xây dựng, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh phù hợp với Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015 và các văn bản có liên quan

UBND tỉnh cần ban hành Quyết định về Quy chế thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh để nâng cao chất lượng công tác ban hành văn bản trên địa bàn tỉnh.

Thứ ba, tăng cường tập huấn, đào tạo chuyên sâu về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản QPPL

Sở Tư pháp xây dựng, biên soạn tài liệu chuyên đề về nghiệp vụ xây dựng, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL.

Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ làm công tác xây dựng chính sách, pháp luật của tỉnh.

Thứ tư, tập trung thực hiện tổng rà soát, hệ thống hóa kỳ 2 các văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành từ 2014 đến 2018

Tập hợp đầy đủ các văn bản QPPL và rà soát văn bản để phục vụ hệ thống hóa.

Thực hiện rà soát và lập danh mục văn bản do HĐND, UBND các cấp ban hành theo quy định của Luật ban hành văn bản QPPL năm 2015; sắp xếp các văn bản còn hiệu lực thành tập hệ thống hóa văn bản.

Thứ năm, rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu pháp luật của tỉnh vào cơ sở dữ liệu pháp luật Quốc gia

Tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp trong việc cung cấp văn bản QPPL để cập nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; kịp thời kiểm tra, rà soát, thu thập, cập nhật hệ thống văn bản QPPL cấp tỉnh trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đảm bảo phục vụ tra cứu, áp dụng, thi hành.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.410.333
Lượt truy cập hiện tại 8.228