Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Những điểm mới cơ bản của Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
Ngày cập nhật 13/03/2015

Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là dự thảo Bộ luật) bao gồm 712 điều được bố cục thành 6 phần, 26 chương. So với Bộ luật Dân sự năm 2005, dự thảo Bộ luật giữ nguyên 265 điều, sửa đổi 298 điều, bổ sung 176 điều  điều và bãi bỏ 147 điều. Dự thảo Bộ luật gồm những điểm mới cơ bản sau:

Phần thứ nhất: “Quy định chung” từ Điều 1 đến Điều 180. Phần này quy định những điều khoản chung của Bộ luật và hệ thống pháp luật dân sự, bao gồm phạm vi điều chỉnh của Bộ luật, nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự; áp dụng pháp luật dân sự; xác lập, thực hiện và bảo vệ quyền dân sự; địa vị pháp lý của cá nhân, pháp nhân; sự tham gia quan hệ dân sự của Nhà nước CHXHCN Việt Nam, của các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương, của hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân vào quan hệ dân sự; tài sản, giao dịch dân sự; đại diện, thời hạn và thời hiệu.

Phần thứ hai: “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” từ Điều 181 đến Điều 303. Dự thảo Bộ luật cũng có nhiều quy định mới so với Bộ luật Dân sự 2005. Phần “Quyền sở hữu và các vật quyền khác” quy định về căn cứ xác lập và thời điểm xác lập quyền sở hữu, các vật quyền khác; bảo vệ, hạn chế quyền sở hữu và các vật quyền khác; chiếm hữu, quyền sở hữu và các vật quyền khác (như quyền địa dịch, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt, quyền ưu tiên). Trong đó, về thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác, Dự thảo Bộ luật quy định quyền sở hữu và các vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm chuyển giao vật, tức là thời điểm bên có quyền hoặc người đại diện hợp pháp của họ được trực tiếp nắm giữ, chi phối vật, trừ trường hợp luật hoặc hợp đồng có quy định khác. Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.

Phần thứ ba: “Nghĩa vụ và hợp đồng” từ Điều 304 đến Điều 631. So với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005, quy định về nghĩa vụ và hợp đồng tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) có một số điểm sửa đổi, bổ sung cơ bản như: Dự thảo không quy định lại những vấn đề pháp lý đã được quy định tại Phần thứ nhất “Quy định chung” liên quan đến các nguyên tắc cơ bản, hành vi pháp lý, đại diện, thời hiệu; các quy định về các biện pháp cầm cố, thế chấp, cầm giữ và bảo lưu quyền sở hữu được chuyển vào Phần thứ hai “Quyền sở hữu và các vật quyền khác để phù hợp với bản chất pháp lý của các biện pháp bảo đảm này”.

Phần thứ tư: “Thừa kế” từ Điều 632 đến Điều 688. Dự thảo Bộ luật quy định về quyền thừa kế, thời điểm mở thừa kế, di sản, người thừa kế, không có quyền hưởng di sản, quản lý di sản; điều kiện có hiệu lực của di chúc, quyền của người lập di chúc, hình thức của di chúc, di chúc chung của vợ chồng, hiệu lực pháp luật của di chúc, người thừa kế không phụ thuộc vào di chúc, di sản dùng vào việc thờ cúng, di tặng; những trường hợp thừa kế theo pháp luật, người thừa kế theo pháp luật, thừa kế thế vị và thanh toán phân chia di sản...

Phần thứ năm: “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” từ Điều 689 đến Điều 710. Đặc biệt, trong nguyên tắc xác định và áp dụng pháp luật trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, để làm rõ mối quan hệ giữa phần này với các quy phạm xung đột tại pháp luật chuyên ngành, Dự thảo Bộ luật quy định các bên có thể lựa chọn áp dụng pháp luật theo nguyên tắc sau: Các bên có thể lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định của Phần thứ 5 “Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” của dự thảo Bộ luật; Trường hợp các bên không lựa chọn pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài theo quy định tại khoản 1 Điều 690 của dự thảo Bộ luật  hoặc pháp luật Việt Nam không có quy định về việc xác định pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước nơi có quan hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự đó được áp dụng.

Tập quán do các bên lựa chọn được áp dụng đối với các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nếu hậu quả của việc áp dụng tập quán đó không trái với trật tự công. Trong trường hợp hậu quả của việc áp dụng tập quán do các bên lựa chọn trái với trật tự công thì pháp luật Việt Nam được áp dụng.

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.442.930
Lượt truy cập hiện tại 758