Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số hạn chế của quy định hiện hành về thế chấp quyền tài sản
Ngày cập nhật 04/12/2013

Trong nền kinh tế thị trường, các quyền tài sản ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản của một doanh nghiệp. Việc sử dụng nguồn tài sản này vào việc bảo đảm cho các quan hệ tín dụng sẽ góp phần thúc đẩy đáng kể tăng trưởng của doanh nghiệp nói riêng và của nền kinh tế nói chung. Mặc dù thế chấp quyền tài sản không phải là một biện pháp bảo đảm mới ở Việt Nam, song do chưa có quy định cụ thể nên không ít ngân hàng thương mại, các tổ chức hành nghề công chứng còn lúng túng khi giao kết hoặc công chứng các hợp đồng bảo đảm có đối tượng là quyền tài sản.

1. Khái niệm quyền tài sản:
Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS) quy định bốn loại hình tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản (Điều 163 BLDS). Khác với vật, tiền hay giấy tờ có giá được xem là các tài sản hữu hình, các quyền tài sản là tài sản vô hình.
Điều 181 BLDS định nghĩa: “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.”.
Như vậy, quyền tài sản có hai đặc điểm chính là:
Thứ nhất, quyền tài sản phải trị giá được bằng tiền. Quyền tài sản là tài sản vô hình nhưng lợi ích thu được từ quyền tài sản là tài sản thực, có thể định giá được.
Thứ hai, quyền tài sản phải có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự hay nói cách khác quyền tài sản phải được phép đưa vào trao đổi, lưu thông.

2. Giao dịch bảo đảm có đối tượng là quyền tài sản :
BLDS quy định quyền tài sản là một loại tài sản đều được dùng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự. Khoản 1 Điều 322 nêu một danh sách mở các quyền tài sản mà bên bảo đảm có thể sử dụng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự bao gồm: Quyền tài sản phát sinh từ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, quyền đòi nợ, quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng và các quyền tài sản khác thuộc sở hữu của bên bảo đảm.
Theo quy định nêu trên có thể thấy có ba mảng quyền tài sản chính là :
- Quyền sở hữu trí tuệ (quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng) ;
- Quyền phát sinh từ hợp đồng (bao gồm cả quyền đòi nợ và quyền được nhận số tiền bảo hiểm) ;
- Quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp.
Ngoài ra, hai quyền tài sản đặc biệt là quyền sử dụng đất và quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên cũng là đối tượng của giao dịch bảo đảm (khoản 2 và 3 Điều 322).
Mặc dù BLDS không quy định biện pháp bảo đảm cụ thể đối với giao dịch bảo đảm có đối tượng là quyền tài sản, ngoài quy định về thế chấp quyền sử dụng đất (Điều 715 - 721 BLDS) và quy định về thế chấp quyền đòi nợ (Điều 22, 59 và 66 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm). Nhưng trong thực tế, các ngân hàng và các doanh nghiệp thường sử dụng hợp đồng thế chấp đối với các quyền tài sản, vì quyền tài sản là tài sản vô hình, không nhìn thấy, cầm nắm được, và do đó không thể đặt ra vấn đề chuyển giao hay không chuyển giao. Điều đó có nghĩa là quyền tài sản không thể chuyển giao về mặt vật chất nên không thể là đối tượng của cầm cố (Theo quy định của BLDS, tiêu chí để phân biệt cầm cố và thế chấp là việc có chuyển giao (cầm cố) hay không chuyển giao (thế chấp) tài sản bảo đảm, chứ không phân biệt tài sản là động sản (cầm cố) hay bất động sản (thế chấp) như quy định tại BLDS năm 1995). Bên cạnh đó, trong giao dịch bảo đảm về quyền tài sản, bên thế chấp thường chỉ giao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu của bên thế chấp đối với tài sản cho bên nhận thế chấp và trong quá trình thế chấp, bên thế chấp vẫn khai thác tài sản thế chấp (ví dụ : văn bằng sáng chế, nhãn hiệu, ...).

3. Một số hạn chế của quy định hiện hành về thế chấp quyền tài sản :
Nghiên cứu các quy định của BLDS, Nghị định 163/2006/NĐ-CP và các Luật chuyên ngành (Luật sở hữu trí tuệ, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật khoáng sản, …) , có thể dễ dàng nhận thấy còn thiếu rất nhiều quy định về giao dịch bảo đảm về quyền tài sản.
Về các quy định chung, pháp luật hiện hành chưa quy định các nguyên tắc áp dụng cho loại hình tài sản đặc biệt này. Các quy định về thế chấp chỉ mới hướng tới các tài sản hữu hình, hầu như không có quy định về thế chấp các tài sản vô hình như quyền tài sản.
Về các quy định riêng, như đã nêu ở trên chỉ có thế chấp quyền sử dụng đất và thế chấp quyền đòi nợ là được quy định tại BLDS và Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Các văn bản pháp luật chuyên ngành hầu như không quy định biện pháp giao dịch bảo đảm này mà chỉ quy định theo hướng mở “các quyền khác theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, cách quy định mở đó không đảm bảo cơ sở cho việc giao kết hoặc công chứng hợp đồng bảo đảm có đối tượng là quyền tài sản, cụ thể :
- Thế chấp quyền sở hữu trí tuệ : Mặc dù BLDS quy định quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng làm tài sản bảo đảm, nhưng Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) không đề cập tới việc thế chấp các quyền sở hữu trí tuệ này. Luật sở hữu trí tuệ chỉ quy định việc chuyển nhượng quyền tác giả (Điều 45 và 46), chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp (Điều 138, 139 và 140) và chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng (Điều 194).
- Thế chấp quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm: Điều 322 BLDS quy định quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm là một loại quyền tài sản được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 346 lại quy định : "Trong trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì khoản tiền bảo hiểm cũng thuộc tài sản thế chấp". Như vậy, có thể thấy BLDS chỉ công nhận quyền được nhận số tiền bảo hiểm đối với vật bảo đảm là một phần của tài sản thế chấp.
- Thế chấp quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp: Điều 322 BLDS quy định tài sản bảo đảm có thể là quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp là một khái niệm khá trừu tượng dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng chế định này. Trong khi Luật doanh nghiệp năm 2005 chỉ quy định về chuyển nhượng, thế chấp, cầm cố,... đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp (điểm h khoản 1 Điều 41, điểm e khoản 1 Điều 140), mà không có quy định về thế chấp quyền tài sản đối với phần vốn góp trong doanh nghiệp.
- Thế chấp quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng : Ngoài quyền đòi nợ, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể các loại quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng nào khác có thể dùng làm tài sản bảo đảm. Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010) cho phép bên mua bảo hiểm được chuyển nhượng hợp đồng bảo hiểm (điểm đ khoản 1 Điều 18 và Điều 26), nhưng không đề cập đến việc bên mua bảo hiểm có được dùng quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm làm tài sản bảo đảm hay không.
- Thế chấp quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên: Luật khoáng sản năm 2010 có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản (điểm e khoản 1 Điều 55 và khoản 4 Điều 59) nhưng cũng không có quy định về việc thế chấp quyền khai thác khoáng sản mà chỉ quy định chung “quyền khác theo quy định của pháp luật” (điểm i khoản 1 Điều 55).
Trong các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật nói trên cũng không có bất cứ quy định nào về giao dịch bảo đảm có đối tượng là quyền tài sản. 
Thực tế tại tỉnh Thừa Thiên Huế những năm qua cho thấy, nhu cầu thế chấp quyền tài sản để bảo đảm cho các quan hệ tín dụng là có, nhưng hầu như không thực hiện được, vì:
- Về phía các tổ chức tín dụng, do các quy định về thế chấp quyền tài sản còn thiếu, nên hầu hết các tổ chức tín dụng đều e ngại khi nhận thế chấp loại tài sản này. Bên cạnh đó, việc xác định giá trị của loại tài sản này cũng là một vấn đề không đơn giản. Chỉ riêng quyền sử dụng đất có giá quy định của Nhà nước hoặc giá thị trường, còn các quyền tài sản khác như quyền khai thác khoáng sản chẳng hạn, các tổ chức tín dụng cũng gặp không ít khó khăn khi xác định giá trị đối với loại tài sản này.
- Về phía các tổ chức hành nghề công chứng, do không có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thế chấp quyền tài sản, nên các công chứng viên cũng rất lúng túng khi tiếp nhận và thực hiện yêu cầu công chứng hợp đồng thế chấp quyền tài sản, nhất là yêu cầu đối với giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản thế chấp (bao gồm những loại giấy tờ gì? do cơ quan có thẩm quyền nào cấp ?, ...).  
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng trong các quan hệ tín dụng cũng như đảm bảo an toàn pháp lý cho các giao dịch thế chấp quyền tài sản, cần thiết bổ sung những nguyên tắc cơ bản về giao dịch bảo đảm về quyền tài sản, những quy định riêng cho từng loại quyền tài sản và quy định chi tiết về việc xác lập, giao kết, công chứng giao dịch bảo đảm về quyền tài sản và hệ quả pháp lý của nó./.
 

Nguyễn Thị Thanh Hà
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.446.505
Lượt truy cập hiện tại 1.930