Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành kế hoạch Công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh năm 2024
Ngày cập nhật 13/12/2023

Ngày 30/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 392/KH-UBND công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Theo Kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác pháp chế tại cơ quan mình ở 09 lĩnh vực công tác, cụ thể:

 

Về công tác xây dựng pháp luật:

- Thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) cấp trên và căn cứ tình hình thực tiễn công tác quản lý nhà nước ở địa phương trong từng lĩnh vực để đề xuất và tham mưu UBND tỉnh ban hành hoặc trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh ban hành các văn bản QPPL trong lĩnh vực được giao quản lý.

Thực hiện việc lập đề nghị và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy trình, thủ tục trong xây dựng văn bản QPPL theo quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản QPPL và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

- Phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu trình Thường trực HĐND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh lập danh mục văn bản QPPL thuộc thẩm quyền ban hành của HĐND, UBND tỉnh quy định chi tiết các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 28 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 154/2020/NĐ-CP).

Thời gian thực hiện: Sau mỗi kỳ họp của Quốc hội.

- Tham gia ý kiến đối với các dự thảo văn bản QPPL do các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương và địa phương gửi lấy ý kiến.

Thời gian thực hiện: Theo yêu cầu của các cơ quan gửi lấy ý kiến tại mỗi văn bản.

Công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý và tổ chức triển khai, thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đã đề ra. Tổng hợp báo cáo kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật kỳ 2019-2023 của cơ quan, đơn vị và đề xuất, kiến nghị phương án xử lý những văn bản quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo, trái pháp luật hoặc không còn phù hợp, gửi Sở Tư pháp để tổng hợp trình UBND tỉnh. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc rà soát, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực.

Thời gian thực hiện: Theo kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản QPPL năm 2024 và đột xuất theo yêu cầu của bộ, ngành chủ quản.

 Công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp thực hiện việc tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Phối hợp với Sở Tư pháp đề xuất biện pháp xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật theo quy định của pháp luật về kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý. Tổ chức phổ biến, quán triệt thường xuyên, kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ của ngành, lĩnh vực được giao quản lý. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới hình thức, nội dung tuyên truyền đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và từng đối tượng.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

Về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật và kiểm tra việc thực hiện pháp luật

- Triển khai thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2024 của tỉnh và phối hợp với Sở Tư pháp trong việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật ở những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý.

- Giúp UBND tỉnh theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực được giao theo quy định tại Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật; Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Lồng ghép trong các cuộc thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và kiểm tra để theo dõi, nắm bắt tình hình thi hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

Công tác bồi thường của Nhà nước: Triển khai thực hiện kế hoạch công tác bồi thường Nhà nước năm 2024 của tỉnh. Thực hiện công tác giải quyết, bồi thường của Nhà nước (nếu có) theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

- Tiếp tục thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 - 2024 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 863/QĐ-UBND ngày 31/3/2020.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch sau khi được phê duyệt.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tiếp nhận, giải đáp về pháp luật cho doanh nghiệp trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

- Tiếp nhận, tổng hợp kiến nghị của doanh nghiệp trong việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trình Thủ trưởng cơ quan xem xét, quyết định gửi Sở Tư pháp để tổng hợp.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

Công tác tham mưu về các vấn đề pháp lý và tham gia tố tụng: Tham gia ý kiến đối với việc xử lý các vấn đề trong phạm vi ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước ở địa phương và tham gia tố tụng để bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật; tham gia xử lý, đề xuất, kiến nghị các biện pháp phòng ngừa, khắc phục hậu quả các vi phạm pháp luật, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị.

Thời gian thực hiện: Trong năm 2024, khi có vụ việc xảy ra.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính: Chủ trì, phối hợp giúp Thủ trưởng cơ quan, đơn vị phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh thực hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Thủ trưởng cơ quan xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

Công tác pháp chế của các Doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh

Công tác pháp chế tại các Doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2024.

Công tác kiện toàn tổ chức: Đối với các cơ quan, đơn vị đã bố trí người phụ trách công tác pháp chế (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) thì tiếp tục duy trì, hoạt động ổn định. Đối với các cơ quan, đơn vị chưa có tổ chức pháp chế hoặc chưa bố trí người phụ trách công tác pháp chế thì chủ động sắp xếp, bố trí người có năng lực, kinh nghiệm, trình độ chuyên môn phù hợp làm công tác pháp chế (chuyên trách hoặc kiêm nhiệm) trên cơ sở biên chế được giao.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, Doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh: Triển khai các nội dung Kế hoạch này đảm bảo thời gian, tiến độ và chất lượng; chú trọng công tác bố trí, kiện toàn cán bộ pháp chế đảm bảo điều kiện, tiêu chuẩn, có phẩm chất, năng lực và tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ công tác pháp chế năm 2024. Phân công lãnh đạo cơ quan phụ trách công tác pháp chế đảm bảo chỉ đạo xuyên suốt, thực chất, có hiệu quả công tác pháp chế tại cơ quan, doanh nghiệp; phân công nhiệm vụ người làm công tác pháp chế đảm bảo cụ thể, rõ ràng, gắn công tác pháp chế với các nhiệm vụ chuyên môn khác của cơ quan, doanh nghiệp. Lập dự toán kinh phí cho công tác pháp chế tổng hợp vào trong dự toán ngân sách của cơ quan, đơn vị để tổng hợp gửi Sở Tài chính, đảm bảo cho hoạt động của công tác pháp chế trong năm 2024.

Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị đảm bảo phục vụ hoạt động cho công tác pháp chế theo quy định.

Sở Tư pháp: Giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc thực hiện các nội dung Kế hoạch, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của pháp chế các sở, ngành, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết hoặc kiến nghị Bộ Tư pháp xử lý; Tổ chức các Đoàn kiểm tra hoạt động công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh theo chuyên đề hoặc yêu cầu của UBND tỉnh, Bộ Tư pháp; Giúp UBND tỉnh kiện toàn tổ chức pháp chế các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh, báo cáo Bộ Tư pháp theo định kỳ hoặc đột xuất.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.510.245
Lượt truy cập hiện tại 6.096