Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Nguyên tắc xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm
Ngày cập nhật 01/04/2024

Vợ chồng chị Lý vốn từ quê lên thành phố sinh sống và lập nghiệp. Để có thu nhập nuôi con ăn học và duy trì cuộc sống, hai anh chị đã xin vào làm công nhân tại công trường xây dựng gần chỗ trọ để thuận tiện cho việc đi lại và đưa đón con. Tại công trường, chị Lý nhận nhiệm vụ chuyển gạch còn chồng chị lao động trên các giàn giáo cao, mặc dù công việc vất vả nhưng được trả lương cao nên hai vợ chồng đều cố gắng và cũng ý thức giữ an toàn cho bản thân để tránh rủi ro. Tuy nhiên, trong một lần di chuyển các thanh sắt lên tầng cao, do không chú ý, chồng chị Lý bị trượt chân và ngã từ tầng cao xuống, do vết thương nặng nên dù được cấp cứu nhưng anh vẫn không qua khỏi.

Sau khi đã lo hậu sự cho chồng, dù rất đau buồn nhưng chị Lý vẫn phải tiếp tục quay trở lại công trường để làm việc nhằm duy trì cuộc sống. Một lần nghỉ giải lao, chị được một số bạn bè hỏi thăm, động viên. Trong lúc trò chuyện, chị Hà hỏi:

- Từ lúc chồng chị gặp chuyện không may tới nay, nhà thầu thi công đã tới thăm và hỗ trợ tiền cho gia đình chưa?

Chị Lý suy nghĩ một lúc thì mới trả lời:

- Chủ thầu có tới thăm viếng thôi ạ, còn hỗ trợ thì không thấy nói gì.

- Vậy còn chi phí bồi thường của bảo hiểm thì sao? Chị nhận được bao nhiêu?

- Tôi không nhận được bất cứ khoản tiền nào cả ạ.

Từ lời của mọi người, chị Lý mới biết đến việc trước đây, vợ chồng anh chị đã từng thỏa thuận với chủ thầu xây dựng và ký hợp đồng bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng, tuy nhiên từ ngày chồng chị xảy ra chuyện, chị chưa nhận được bất kỳ khoản tiền nào và cũng chưa có ai liên hệ với chị. Chị cảm thấy cũng khá thắc mắc nhưng cũng không biết nên hỏi ai. Chị ngập ngừng hỏi lại:

- Tôi không rõ lắm nhưng trường hợp của chồng tôi qua đời do tai nạn lao động do thực hiện công việc thi công trên công trường, vậy gia đình sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả mức tiền là bao nhiêu vậy chị Hà?

- Tôi không nhớ rõ lắm, đợi tôi một lát.

Nói rồi chị Hà lấy điện thoại ra tra cứu, một lát sau, chị quay sang chị Lý và nói:

- Điều 52 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ ngày 06/9/2023 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng quy định doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện xem xét, giải quyết bồi thường bảo hiểm theo quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm và theo nguyên tắc sau:

“1. Khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, bên mua bảo hiểm phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường bảo hiểm như sau:

a) Lập tức thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm bằng các phương tiện thông tin liên lạc, sau đó trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường phải thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp bảo hiểm.

b) Thực hiện mọi biện pháp trong phạm vi khả năng để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.

c) Thực hiện, cho phép doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện các hành động và biện pháp cần thiết hoặc theo yêu cầu của doanh nghiệp bảo hiểm nhằm bảo vệ quyền lợi mà doanh nghiệp bảo hiểm được hưởng sau khi bồi thường thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm theo Nghị định này.

2. Khi xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động thi công trên công trường, doanh nghiệp bảo hiểm hướng dẫn bên mua bảo hiểm, phối hợp với bên mua bảo hiểm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thu thập đầy đủ các tài liệu để lập hồ sơ bồi thường; xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại.

3. Khi người lao động bị thương tật, chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phát sinh do thực hiện công việc thi công trên công trường thuộc trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả những khoản tiền theo thỏa thuận giữa nhà thầu thi công và người lao động hoặc đại diện hợp pháp của người lao động (trong trường hợp người lao động đã chết), bao gồm các khoản chi trả sau:

a) Phụ cấp nghỉ việc trong thời gian điều trị theo chỉ định của bác sĩ điều trị được tính căn cứ vào mức tiền lương theo hợp đồng lao động nhưng không vượt quá 6 tháng lương trong mỗi sự kiện bảo hiểm.

b) Chi phí y tế thực tế bao gồm: chi phí cấp cứu, chi phí điều trị nội, ngoại trú cần thiết và hợp lý.

c) Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động dưới 81%, mức bồi thường cụ thể cho từng loại thương tật, thiệt hại về người được xác định theo Bảng tỷ lệ trả tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động thi công trên công trường theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định này.

d) Trường hợp người lao động bị chết hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả 100 triệu đồng cho một người trong một vụ.

Tổng số tiền bồi thường bảo hiểm theo quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản này không vượt quá 100 triệu đồng cho một người trong một vụ đối với trường hợp tham gia giới hạn trách nhiệm bảo hiểm 100 triệu đồng.

4. Trường hợp tai nạn lao động xảy ra hoặc bệnh nghề nghiệp phát sinh gây thương tật cho người lao động và thương tật này bị làm trầm trọng thêm bởi các thương tật hoặc bệnh tật trước đó, doanh nghiệp bảo hiểm không chịu trách nhiệm bồi thường cho phần bị làm trầm trọng thêm đó.”

Ngừng lại suy nghĩ một chút, chị Hà tiếp lời:

- Như vậy, trong trường hợp này, chồng chị là người lao động bị chết do tai nạn lao động khi thi công trên công trường, do đó doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả 100 triệu đồng cho một người trong một vụ.

Chị Lý không ngờ số tiền bồi thường lại nhiều đến thế, số tiền này đủ để chị trang trải cho gia đình trong thời gian đầu khi thiếu đi lao động chính. Để đảm bảo cuộc sống cũng như chi phí nuôi con, chị nhất định sẽ phải tìm gặp chủ thầu trao đổi về việc này để được giải quyết theo quy định của pháp luật./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.462.095
Lượt truy cập hiện tại 619