Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 14/01/2016

Thẩm định văn bản quy phạm pháp luật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL). Đây chính là hoạt động xem xét, đánh giá về nội dung và hình thức của dự thảo nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của dự thảo trong hệ thống pháp luật và việc tuân thủ trình tự, thủ tục soạn thảo của dự thảo.

Trong những năm qua, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND năm 2004; công tác ban hành văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống văn bản QPPL của tỉnh từng bước được củng cố và hoàn thiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo số liệu báo cáo của 03 năm 2013, 2014, 2015, Sở Tư pháp đã giúp Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định 280 văn bản quy phạm pháp luật (trong đó 48 dự thảo là Nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình; 210 Quyết định và 22 Chỉ thị của UBND tỉnh do các sở, ngành tham mưu, soạn thảo).  So với 03 năm trước đây (năm 2010, 2011, 2012 thẩm định 202 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 54 dự thảo là Nghị quyết của HĐND tỉnh do UBND tỉnh trình; 130 Quyết định và 18 Chỉ thị của UBND tỉnh). Như vậy, số văn bản yêu cầu thẩm định được tăng dần hàng năm, có thể thấy rằng công tác soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, ban, ngành ngày càng đi vài nền nếp, đúng quy trình.

Ý kiến thẩm định đã bám sát nội dung phạm vi thẩm định theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND và Nghị định số 91/2006/NĐ-CP. Nội dung thẩm định đã chú trọng đánh giá tác động xã hội, có tính phản biện cao, góp phần đảm bảo tính khả thi và nâng cao chất lượng dự thảo văn bản. Đa số các ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp đều được các cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo văn bản. Cũng thông qua hoạt động thẩm định văn bản QPPL đã phát hiện và kiến nghị chỉnh lý một số nội dung của dự thảo chưa đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất và trên cơ sở đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều quy định pháp luật, phục vụ hiệu quả quản lý Nhà nước.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế lãnh đạo Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh đã đánh giá cao công tác thẩm định văn bản, thể hiện sự tin tưởng thông qua việc chỉ ký ban hành văn bản khi đã có ý kiến thẩm định của cơ quan Tư pháp. Điều này phản ánh sự nỗ lực của cơ quan tư pháp trong việc phấn đấu trở thành “người gác cổng” đáng tin cậy của của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh và ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong việc tham mưu giúp HĐND, UBND tỉnh trong việc ban hành văn bản QPPL.   

          Hoạt động thẩm định dự thảo văn bản QPPL của Sở Tư pháp đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên là do nhiều nguyên nhân trong đó chủ yếu là do đội ngũ cán bộ làm công tác thẩm định văn bản đang dần dần được tăng thêm về số lượng và nâng cao về trình độ và đã có nhiều kinh nghiệm trong công tác này; hệ thống cơ sở vật chất phương tiện phục vụ cho công tác cũng dần được cải thiện và đặc biệt là nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương đối với công tác văn bản của địa phương nói chung và công tác thẩm định nói riêng đã được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, hoạt động thẩm định dự thảo văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn có một số bất cập, hạn chế như: Tính minh bạch, tính thống nhất của hệ thống văn bản chưa cao; một số văn bản ban hành chưa tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định của Luật và các Quyết định của UBND tỉnh; chất lượng của các dự thảo văn bản QPPL còn hạn chế; việc lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp vào dự thảo văn bản chưa được quan tâm đúng mức; hồ sơ gửi thẩm định chưa đầy đủ thường thiếu tờ trình dự thảo văn bản, bản tổng hợp đóng góp ý kiến của các cơ quan hữu quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản, do vậy người thực hiện công tác thẩm định thiếu thông tin về tình hình thực tế mà các quy phạm pháp luật sẽ điều chỉnh. Một số cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa xác định dự thảo do đơn vị mình đang soạn thảo là văn bản quy phạm pháp luật hay văn bản hành chính, cá biệt nên đã không tuân thủ đúng các quy định về trình tự, thủ tục xây dựng và thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, do đó đã dẫn đến việc một số văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có nội dung và hình thức chưa đạt yêu cầu. Vẫn còn một số ít văn bản có nội dung chưa phù hợp với tình hình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh hoặc mâu thuẫn, chồng chéo với văn bản của cấp trên….

Những tồn tại nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu là việc nhận thức của một số ngành, một số địa phương về tầm quan trọng của công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL còn hạn chế, chưa có chỉ đạo sát sao, vì vậy đã không tuân thủ các quy định của pháp luật trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Khi xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu rà soát, đối chiếu với quy định của cấp trên; thiếu khâu điều tra, khảo sát, phân tích đánh giá tình hình thực tế. Một nguyên nhân nữa là các điều kiện, trang thiết bị, tài liệu văn bản, cơ sở dữ liệu hệ thống pháp luật, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cập nhật còn chậm và chưa đầy đủ nên việc tra cứu, tìm hiểu còn gặp nhiều khó khăn. Việc hỗ trợ kinh phí cho công tác xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa tương xứng với "hàm lượng chất xám" bỏ ra từ khi xây dựng cho đến khi ban hành văn bản và đưa vào áp dụng trong thực tế.

Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, đồng thời để thực hiện Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam năm 2010 định hướng đến năm 2020 theo tinh thần Nghị Quyết số 48-NQ/TƯ ngày 24/5/2005 của Bộ Chính Trị chúng ta cần  hiểu và nắm rõ vị trí, vai trò của văn bản QPPL trong đời sống kinh tế, chính trị hiện nay. Một hệ thống văn bản QPPL được ban hành đúng và kịp thời có thể điều tiết được các vấn đề thực tiễn đặt ra, thể chế hoá kịp thời chính sách của Đảng và nhà nước góp phần phục vụ đắc lực cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. Muốn đạt được các mục tiêu đó, cần sự quyết tâm, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành trong quá trình xây dựng văn bản, đặc biệt là sự phối kết hợp trong công tác thẩm định văn bản.

Nguyễn Thị Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.449.587
Lượt truy cập hiện tại 3.377