Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIẢI ĐÁP MỘT SỐ TÌNH HUỐNG VỀ ĐỒ VẬT CẤM ĐƯA VÀO CƠ SỞ GIAM GIỮ PHẠM NHÂN VÀ VIỆC THU GIỮ, XỬ LÝ ĐỒ VẬT CẤM
Ngày cập nhật 18/04/2022

1. Chị Hoa có người em trai đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ phạm nhân. Em trai chị thích đọc sách bằng tiếng Anh. Do đó, chị đã mua một số sách, báo bằng tiếng Anh và dự định gửi vào cho em trai. Chị đề nghị cho biết, sách, báo, ấn phẩm bằng tiếng Anh có bị xem là đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ không?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BCA ngày 06 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm quy định đồ vật cấm gồm:

1. Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự; vật liệu nổ.

2. Công cụ hỗ trợ: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, mũ chống đạn và các loại công cụ hỗ trợ khác.

3. Chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược.

4. Các chất ma túy, tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần.

5. Các loại thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thực phẩm chức năng chưa được sự đồng ý của thủ trưởng cơ sở giam giữ; rượu, bia và các chất kích thích khác.

6. Các đồ vật bằng kim loại, đồ làm bằng sành sứ, đá, thủy tinh, phích nước và các đồ vật có thể dùng làm hung khí.

7. Tiền Việt Nam, các loại thẻ thanh toán bằng hình thức điện tử, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý.

8. Các loại giấy tờ khác như: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy chứng nhận nghề, bằng cấp, chứng chỉ và các giấy tờ chứng nhận khác.

9. Các loại thiết bị thông tin liên lạc cá nhân, phương tiện ghi âm, ghi hình.

10. Các loại sách, báo, ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài, tôn giáo, tín ngưỡng chưa qua kiểm duyệt; tranh, ảnh, phim, băng đĩa có nội dung mê tín dị đoan, phản động, đồi trụy; các loại bài lá, sách, báo, ấn phẩm, tài liệu (in, viết) gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý, giáo dục phạm nhân.

11. Các đồ vật khác có thể gây mất an ninh, an toàn cơ sở giam giữ, gây nguy hại cho bản thân phạm nhân và người khác, ảnh hưởng xấu đến vệ sinh môi trường hoặc để sử dụng vào mục đích đánh bạc.

Như vậy, chị Hoa nghiên cứu để xem các loại, sách tài liệu bằng tiếng Anh mà chị dự định gửi cho em trai có thuộc trường hợp quy định tại khoản 10 nêu trên không để đảm bảo điều kiện gửi cho em trai đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ phạm nhân.

2. Ông Bình đến thăm con trai đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ phạm nhân và mang theo điện thoại đời mới để đưa vào cho con sử dụng. Tuy nhiên, ông bị cán bộ trại giam phát hiện là lập biên bản vi phạm, tạm giữ điện thoại. Ông Bình hỏi, điện thoại bị thu giữ sẽ được bảo quản như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Thông tư số 10/2020/TT-BCA ngày 06 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm thì các loại thiết bị thông tin liên lạc cá nhân, phương tiện ghi âm, ghi hình là đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân của Công an nhân dân.

Điều 4 Thông tư số 10/2020/TT-BCA quy định thu giữ, bảo quản đồ vật cấm như sau:

1. Khi phát hiện phạm nhân, cá nhân, tổ chức có hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong cơ sở giam giữ, cán bộ có trách nhiệm phải lập biên bản vi phạm và tạm giữ đồ vật cấm, ghi lời khai người vi phạm và người làm chứng. Trong biên bản thu giữ phải mô tả đúng thực trạng số lượng, trọng lượng, chủng loại, hình dáng, kích thước, màu sắc và các đặc điểm khác của vật cấm, đồng thời, niêm phong đồ vật cấm (đối với đồ vật cần niêm phong).

2. Đồ vật cấm đã thu giữ phải được phải bảo quản nguyên vẹn, có biên bản giao nhận và sổ sách ghi chép đầy đủ, không để mất mát, hư hỏng.

3. Cơ sở giam giữ có trách nhiệm bố trí kho lưu giữ và cán bộ quản lý đồ vật cấm theo quy định.

Theo quy định trên, điện thoại là thiết bị thông tin liên lạc cá nhân, phương tiện ghi âm, ghi hình, thuộc loại đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ. Khi phát hiện và bị tạm giữ, đồ vật cấm được bảo quản nguyên vẹn, có biên bản giao nhận và sổ sách ghi chép đầy đủ, không để mất mát, hư hỏng.

3. Bà Loan có con trai đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ. Vừa qua, bà nghe tin con trai sử dụng đồ vật cấm trong trại giam và bị phát hiện. Bà đề nghị cho biết,hành vi sử dụng đồ vật cấm trong trại giam bị xử lý như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Điều 5 Thông tư số 10/2020/TT-BCA ngày 06 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm quy định xử lý vi phạm như sau:

1. Đối với hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong trại giam có dấu hiệu tội phạm thì Giám thị trại giam ra quyết định khởi tố vụ án tiến hành các hoạt động điều tra ban đầu, sau đó chuyển Cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong trại tạm giam, nhà tạm giữ có dấu hiệu tội phạm thì Giám thị trại tạm giam, trưởng nhà tạm giữ có văn bản đề nghị và chuyển ngay hồ sơ vi phạm, vật chứng cho cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Người nào phát hiện, tố giác hành vi đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong vào cơ sở giam giữ giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm, thu giữ đồ vật cấm sẽ được khen thưởng. Tổ chức, cá nhân có hành vi giúp sức, bao che đưa vào, tàng trữ, sử dụng đồ vật cấm trong cơ sở giam giữ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp sử dụng đồ vật cấm trong trại giam có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định trên.

4. Ông Thành được biết, con trai ông đang chấp hành hình phạt tù tại trại giam có sử dụng đồ vật cấm là tiền Việt Nam và đã bị thu giữ. Ông Thành hỏi, đồ vật cấm sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 1, 2, 3, 4 Điều 6 Thông tư số 10/2020/TT-BCA ngày 06 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm quy định như sau:

1. Đồ vật cấm sau đây thì lập biên bản chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; đồ vật cấm quy định tại các khoản 5, 6, 10, 11 Điều 3 Thông tư này thì tổ chức tiêu hủy:

- Vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự; vật liệu nổ.

- Công cụ hỗ trợ: Các loại súng dùng để bắn đạn nhựa, đạn cao su, hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, pháo hiệu và các loại đạn sử dụng cho các loại súng này; các loại phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa; các loại lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ; dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại, bàn chông, dây đinh gai, áo giáp, găng tay điện, găng tay bắt dao, mũ chống đạn và các loại công cụ hỗ trợ khác.

- Chất gây mê, chất độc, chất cháy, chất gây cháy, chất phóng xạ, hóa chất, độc dược.

- Các chất ma túy, tiền chất ma túy, thuốc gây nghiện và thuốc hướng thần.

2. Đối với đồ vật cấm sau đây trong trường hợp phạm nhân tự nguyện giao nộp thì được đưa vào lưu giữ hoặc bàn giao cho thân nhân phạm nhân theo đề nghị. Trong trường hợp phát hiện, thu giữ thì sau khi đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm, đồ vật cấm này được gửi vào kho bạc nhà nước nơi đơn vị đóng quân để xử lý theo quy định của pháp luật: Tiền Việt Nam, các loại thẻ thanh toán bằng hình thức điện tử, ngoại tệ, giấy tờ có giá, vàng, bạc, đá quý, kim loại quý.

3. Đồ vật cấm sau đây thì đưa vào kho lưu giữ và trả lại cho phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù: Các loại giấy tờ khác như: Chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, hộ khẩu, giấy chứng nhận nghề, bằng cấp, chứng chỉ và các giấy tờ chứng nhận khác.

4. Đồ vật cấm sau đây sau khi thu giữ phải niêm phong, lưu giữ để làm rõ nội dung vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật: Các loại thiết bị thông tin liên lạc cá nhân, phương tiện ghi âm, ghi hình.

Theo quy định trên, việc sử dụng đồ vật cấm là tiền Việt nam bị phát hiện, thu giữ thì sau khi đấu tranh, xử lý hành vi vi phạm, đồ vật cấm này được gửi vào kho bạc nhà nước nơi đơn vị đóng quân để xử lý theo quy định của pháp luật.

5. Con trai ông Ngọc  đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ. Vừa qua, con trai ông bị phát hiện sử dụng đồ vật cấm là kim loại quý trong trại giam và đã bị thu giữ để xử lý theo quy định. Ông Ngọc hỏi, cơ quan nào có thẩm quyền xử lý đồ vật cấm?

Trả lời (chỉ mang tính chất tham khảo):

Khoản 5 Điều 6 Thông tư số 10/2020/TT-BCA ngày 06 tháng 02 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ phạm nhân và việc thu giữ, xử lý đồ vật cấm quy định việc xử lý đồ vật cấm phải thành lập Hội đồng xử lý. Thành phần Hội đồng xử lý đồ vật cấm ở cơ sở giam giữ được quy định như sau:

1. Đối với Hội đồng xử lý đồ vật cấm của trại giam do Giám thị làm Chủ tịch; Phó Giám thị phụ trách công tác trinh sát làm Phó Chủ tịch; Trưởng phân trại, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đội Quản giáo, Đội Giáo dục và hồ sơ, Đội Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Đội Tài vụ - hậu cần, Đội Y tế và môi trường làm Ủy viên.

2. Đối với Hội đồng xử lý đồ vật cấm của trại tạm giam do Giám thị làm Chủ tịch; Phó Giám thị phụ trách phân trại quản lý phạm nhân làm Phó Chủ tịch; Trưởng phân trại; Đội trưởng Đội Tham mưu - Hậu cần (những trại tạm giam có Đội Trinh sát thì Đội Trinh sát thay Đội Tham mưu - Hậu cần làm Ủy viên), Đội Y tế, Đội Cảnh sát bảo vệ, Đội Quản giáo làm Ủy viên.

3. Đối với Hội đồng xử lý đồ vật cấm của nhà tạm giữ do Thủ trưởng Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện làm Chủ tịch. Đội trưởng Đội Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp làm Phó Chủ tịch, cán bộ phụ trách buồng giam, Cảnh sát bảo vệ làm Ủy viên.

Như vậy, trường hợp con trai ông Ngọc đang chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ thì việc xử lý đồ vật cấm sẽ do Hội đồng xử lý đồ vật cấm của trại giam do Giám thị làm Chủ tịch; Phó Giám thị phụ trách công tác trinh sát làm Phó Chủ tịch; Trưởng phân trại, Đội trưởng Đội Trinh sát, Đội Quản giáo, Đội Giáo dục và hồ sơ, Đội Cảnh sát bảo vệ - cơ động, Đội Tài vụ - hậu cần, Đội Y tế và môi trường làm Ủy viên.

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.442.046
Lượt truy cập hiện tại 539