Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định mới về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế
Ngày cập nhật 22/06/2021

Ngày 17/5/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2021/TT-BTC thay thế Thông tư 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

 

Thông tư 31 được ban hành nhằm giúp cho việc áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hoá hệ thống thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và đem lại lợi ích rất lớn không chỉ đối với cơ quan thuế mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực đối với cộng đồng người nộp thuế và các tổ chức, cơ quan liên quan.

Thông tư gồm có 26 Điều và các bảng Phụ lục về tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế quy định một cách bao quát, toàn diện việc áp dụng quản lý rủi ro xuyên suốt trong các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế từ đăng ký thuế; khai thuế; nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; hoàn thuế; kiểm tra; thanh tra thuế; quản lý hóa đơn, chứng từ và các chức năng, nghiệp vụ quản lý thuế khác, trong đó:

- Quy định công khai các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong đánh giá người nộp thuế, đồng thời cũng để người nộp thuế tự so chiếu các tiêu chí đánh giá để hoàn thiện, từ đó nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của người nộp thuế.

- Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế có trách nhiệm ban hành các chỉ số tiêu chí; quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp và các quy trình, quy chế, quy định, hướng dẫn việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế giúp cho cơ quan thuế triển khai công tác quản lý rủi ro được linh hoạt, chủ động trong việc thay đổi các chỉ số tiêu chí cho phù hợp với thực tế quản lý thuế trong từng thời kỳ; góp phần giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết cho cơ quan Bộ.

- Kết quả phân tích rủi ro mang tính kế thừa, kết quả đánh giá ở khâu trước là một phần của tiêu chí đánh giá ở khâu sau. Trong đó, kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế và kết quả xếp hạng người nộp thuế là một trong những tiêu chí phân tích rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế.

- Quy định cụ thể việc phân luồng người nộp thuế theo các hành vi để áp dụng các biện pháp kiểm soát, xử lý tương ứng giúp cơ quan quản lý phân bổ nguồn lực hợp lý, không bị dàn trải, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc, chỉ tập trung nguồn lực vào người nộp thuế không tuân thủ, lĩnh vực rủi ro.

Trong đó, quy định người nộp thuế được đánh giá, phân loại theo một trong 04 mức độ tuân thủ pháp luật thuế (thay vì 03 mức độ theo quy định tại Thông tư 204), cụ thể:

Mức 1: Tuân thủ cao; Mức 2: Tuân thủ trung bình; Mức 3: Tuân thủ thấp; Mức 4: Không tuân thủ

- Kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được cơ quan thuế theo dõi, xử lý như sau:

+ Đối với người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ, thực hiện các biện pháp giám sát trọng điểm về thuế.

+ Đối với người nộp thuế thuộc các mức tuân thủ cao, trung bình, thấp và không tuân thủ, thực hiện phân tích bản chất hành vi để xác định biện pháp nâng cao tuân thủ.

- Người nộp thuế sẽ được giám sát trọng điểm nếu có một trong các dấu hiệu sau: Người nộp thuế thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ; Người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ; Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm hoặc qua thu thập từ công tác quản lý của cơ quan thuế cần giám sát quản lý thuế; Người nộp thuế được lựa chọn từ danh sách người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ pháp luật thuế và Người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu và thời hạn tại thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế.

- Các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế bao gồm: Đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế; Trường hợp cần nâng cao tuân thủ, tổ chức các chương trình tiếp xúc với người nộp thuế, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo giúp người người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế, nghiên cứu sửa đổi chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính;…

Như vậy, với những thay đổi, bổ sung mới tại Thông tư 31 sẽ  đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; đối xử công bằng giữa những người nộp thuế bằng việc quy định áp dụng các biện pháp xử phạt đối với người nộp thuế có rủi ro cao, vi phạm pháp luật về thuế và lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân phủ pháp luật thuế; đồng thời khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế.

Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 02/7/2021. (thông tin chi tiết xem File đính kèm!)

 

Tập tin đính kèm:
Hồng Ngự
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.456.732
Lượt truy cập hiện tại 6.534