Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền
Ngày cập nhật 17/09/2018

Ngày 08 tháng 8 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 104/2018/NĐ-CP quy định chtiết một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08/8/2018.

 

Theo đó, trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền là trường hợp quá độ tuổi bổ nhiệm thông thường, người được tiến cử Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được xem xét bổ nhiệm căn cứ yêu cầu đối ngoại, địa bàn công tác, năng lực, uy tín cá nhân theo quy định.

Việc bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền trong trường hợp đặc biệt phải bảo đảm chặt chẽ, khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định. Khi được bổ nhiệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền thực hiện đầy đủ nhiệm kỳ công tác theo quy định của pháp luật về cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền đối với từng trường hợp cụ thể.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nếu đáp ứng các tiêu chí về năng lực, uy tín sau đây: Có kiến thức, hiểu biết sâu rộng về quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; có uy tín, kinh nghiệm và năng lực vượt trội trong lĩnh vực đối ngoại.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền được bổ nhiệm trong trường hợp đặc biệt nhằm thực hiện một trong các yêu cầu đối ngoại sau đây: Thúc đẩy một hoặc một số lĩnh vực hợp tác đặc biệt quan trọng về chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận; xử lý một hoặc một số vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng sâu sắc đến lợi ích của Việt Nam trong quan hệ giữa Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế tiếp nhận.

Địa bàn công tác trong trường hợp đặc biệt bổ nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền bao gồm một trong các địa bàn sau đây: Quốc gia láng giềng hoặc thuộc khu vực Đông Nam Á; Quốc gia có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, Liên hợp quốc hoặc địa bàn có tầm quan trọng trong quan hệ với Việt Nam, phù hợp với yêu cầu đối ngoại trong từng thời kỳ.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định về việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động thường xuyên, kinh phí hoạt động chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực thương mại  gọi chung là kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại) tại cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài (gọi là cơ quan đại diện), việc quản lý các dự án đầu tư tại cơ quan đại diện.

Về lập dự toán, phân bổ, giao dự toán và quyết toán kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại cơ quan đại diện: Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Công Thương căn cứ chế độ chi tiêu hiện hành và hướng dẫn lập dự toán ngân sách của Bộ Tài chính, kế hoạch, nhiệm vụ cần triển khai trong lĩnh vực thương mại tại các cơ quan đại diện năm kế hoạch để lập dự toán kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại, tổng hợp vào dự toán ngân sách của Bộ Công Thương, gửi Bộ Tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định và giao trong dự toán ngân sách nhà nước của Bộ Công Thương. Căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách, Bộ Công Thương thực hiện phân bổ kinh phí hoạt động trong lĩnh vực thương mại tại các cơ quan đại diện theo từng địa bàn cụ thể, báo cáo Bộ Tài chính kiểm tra theo quy định. Bộ Công Thương, bộ phận cán bộ biệt phái của Bộ Công Thương tại cơ quan đại diện chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng và tổng hợp quyết toán kinh phí được giao theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật có liên quan.

Đối với các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện, việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư dự án xây dựng của cơ quan đại diện từ nguồn vốn đầu tư công được thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư công, áp dụng quy định của pháp luật về xây dựng có liên quan và quy định cụ thể tại Nghị định số 104/2018/NĐ-CP. Các nội dung về quy chuẩn kỹ thuật, quy hoạch, bảo tồn lịch sử, văn hóa, trách nhiệm mua bảo hiểm bắt buộc, giấy phép xây dựng, hợp đồng xây dựng, điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, giám sát thi công xây dựng công trình, văn bản nghiệm thu và các quy chuẩn đặc thù khác được ưu tiên áp dụng theo quy định pháp luật của quốc gia tiếp nhận. Việc xác định tổng mức đầu tư công trình, dự toán xây dựng công trình bao gồm khối lượng tính toán từ thiết kế cơ sở, khối lượng tính toán từ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, yêu cầu công việc, định mức, đơn giá được ưu tiên áp dụng theo quy định pháp luật của quốc gia tiếp nhận. Những nội dung quản lý, triển khai dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện không được quy định tại Nghị định này được thực hiện theo các quy định pháp luật của Việt Nam có liên quan. Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng của cơ quan đại diện, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công an để bảo đảm an ninh, an toàn cho cơ quan đại diện theo quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước có liên quan.

 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.428.022
Lượt truy cập hiện tại 2.825