Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Tìm hiểu quy định của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Ngày cập nhật 13/12/2023

Câu lạc bộ hưu trí Khu tập thể A được thành lập do các cụ cán bộ hưu trí đang sinh sống tại Khu tập thể muốn có một nơi giao lưu sinh hoạt làm phong phú đời sống tinh thần, nâng cao trí tuệ, cập nhật tin tức sự kiêện chính trị, đời sống cho các cán bộ hưu trí của Khu tập thể. Câu lạc bộ hằng tháng đều tổ chức buổi sinh hoạt, nội dung các buổi sinh hoạt thường các cụ trao đổi thông tin với nhau về những sự kiện chính trị trong nước quốc tế, những quy định chính sách mới của Đảng và nhà nước. Đặc biệt, để làm phong phú thêm nội dung sinh hoạt của câu lạc bộ, đồng thời tận dụng phát huy được kinh nghiệm, kiến thức của các cán bộ hưu trí, tại buổi sinh hoạt cũng đưa nội dung lấy góp ý về các dự thảo chính sách, pháp luật của nhà nước của địa phương.

Hôm nay, theo đinh kỳ Câu lạc bộ tổ chức sinh hoạt, nội dung sinh hoạt theo sự đề nghị của Ủy ban nhân dân phường là lấy ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ đã in và phát cho các thành viên dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi).

Bắt đầu buổi sinh hoạt, Anh Dương là Công chức Tư pháp phường theo sự phân công đã tới tham gia sinh hoạt và tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), Anh Dương giới thiệu tổng quan về dự thảo Luật và sau đó mời các thành viên Câu lạc bộ thảo luận. Các thành viên thảo luật rất sôi nổi:

Ông Tuấn: Tôi thắc mắc là khi đọc dự thảo Luật này mà không thấy câu nào nói tới Tòa án tỉnh, Tòa án huyện, thế là có thay đổi phải không anh Dương.

Anh Dương: Dạ đúng rồi đó bác, đây là một nội dung mới, cụ thể tại Khoản 1 Điều 4 dự thảo quy định:

1. Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:

a) Tòa án nhân dân tối cao;

b) Tòa án nhân dân cấp cao;

c) Tòa án nhân dân phúc thẩm;

d) Tòa án nhân dân sơ thẩm;

đ) Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt;

e) Tòa án quân sự.

Như vậy, theo dự thảo Luật sẽ quy định tổ chức Tòa án nhân dân phúc thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm thay cho Tòa án nhân dân cấp huyện. Theo đó, ở tỉnh ta sẽ có Tòa án nhân dân phúc thẩm Thừa Thiên Huế, tòa án nhân dân sơ thẩm Phú Lộc...

Ông Hoàng đứng dậy hỏi: Đồng chí Dương ơi thế thì đổi tên như vậy nhiệm vụ của Tòa án này quy định như thế nào, có thay đổi gì không?

Anh Dương: Vâng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân sơ thẩm được dự thảo quy định tại Điều 23, 24 cụ thể như sau:

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm (sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 2 LTCTAND 2014)

1. Tòa án cấp sơ thẩm xem xét, phân tích, đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ, các tình tiết để xác định tính có căn cứ của vụ việc và áp dụng pháp luật để giải quyết khách quan, toàn diện các vấn đề của vụ việc.

2. Tòa án cấp sơ thẩm khi giải quyết, xét xử các vụ việc có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Xem xét thụ lý vụ việc; tổ chức phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc;

b) Hướng dẫn, yêu cầu người tham gia tố tụng, người tiến hành tố tụng thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ để giải quyết vụ việc theo quy định của luật;

c) Quyết định việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Quyết định công nhận sự thỏa thuận, công nhận kết quả đối thoại thành của các đương sự;

đ) Quyết định việc đưa vụ án ra xét xử, tạm đình chỉ, đình chỉ việc giải quyết vụ việc, phục hồi vụ án hình sự, hoãn, tạm ngừng phiên tòa, phiên họp tiếp tục việc giải quyết vụ việc;

e) Yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án hình sự tại phiên tòa;

g) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ việc;

h) Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của chứng cứ, tài liệu do cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án;

i) Trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung theo quy định của luật;

k) Xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của các văn bản quy phạm pháp luật trong xét xử theo quy định của luật;

l) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử;

m) Ban hành bản án, quyết định;

n) Giải quyết yêu cầu, đề nghị, khiếu nại, kiến nghị về quyết định, hành vi tố tụng theo quy định của luật;

o) Tiến hành các hoạt động tố tụng và ban hành các quyết định tố tụng khác theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Nhiệm vụ, quyền hạn của Toà án cấp phúc thẩm

1. Tòa án cấp phúc thẩm có nhiệm vụ xem xét tính có căn cứ và việc áp dụng pháp luật của bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên, hủy, sửa bản án, quyết định sơ thẩm; bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử đúng pháp luật; khắc phục những sai sót (nếu có) và thực hiện thẩm quyền khác theo quy định của luật.

2. Tòa án cấp phúc thẩm khi giải quyết, xét xử các vụ việc có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

a) Xem xét, thụ lý vụ việc theo thủ tục phúc thẩm;

b) Yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ mới trong vụ án hình sự;

c) Xem xét lại phần bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị hoặc có liên quan đến nội dung kháng cáo, kháng nghị;

d) Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm; hoãn, tạm ngừng phiên tòa, phiên họp phúc thẩm; tạm đình chỉ, đình chỉ xét xử, giải quyết vụ việc theo thủ tục phúc thẩm;

đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các điểm b, c, e, g, h, k, l, m, n, o khoản 2 Điều 23 của Luật này.

Ông Hoàng: Như vậy về cơ bản nhiệm vụ cũng không thay đổi, thế thì đổi tên này chỉ là vấn đề hình thức, chỉ thay đổi tên gọi mà không thay đổi nội dung. Các Tòa án này vẫn gắn với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp tỉnh và giữ nguyên về thẩm quyền xét xử. Bên Tòa án họ giải thích vì sao phải đổi tên vậy anh Dương có biết không?

Anh Dương: Vâng thưa bác, cháu theo dõi trên truyền hình thấy ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải thích như thế này cháu thấy cũng hợp lý, cụ thể theo ông Chánh án thì việc đổi tên gọi này để thể chế hóa nhiệm vụ "bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử" được đề ra tại Nghị quyết 27 của Trung ương.

Ông Hoàng: Tôi thì băn khoăn có ý kiến không nên đổi tên vì cơ bản không có gì thay đổi về nhiệm vụ thì đổi tên chỉ gây ra lãng phí tiền của nhà nước, đề nghị nên xem lại.

Anh Dương: Dạ vâng, cháu xin phép ghi tiếp thu góp ý của bác.

Bà Minh: Anh Dương ơi, cho tôi hỏi một câu với!

Anh Dương: Dạ vâng xin bác cứ nói!

Bà Minh: Tôi thấy thời gian vừa qua nhà nước, xã hội đều đang chuyển dịch phương pháp làm việc từ trực tiếp qua trực tuyến, chính phủ điện tử, như họp trực tuyến,... thế thì trong dự thảo Luật lần này có đề cập đến việc này không vậy?

Anh Dương: Dạ vâng điều này trong dự thảo có đề cập đó bác! cụ thể:

Điều 136. Phương thức xét xử tại Tòa án

1. Tòa án xét xử bằng phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

2. Phiên tòa xét xử trực tiếp là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án; người tiến hành tố tụng, bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác có mặt tại phòng xử án để tham gia phiên tòa.

3. Phiên tòa xét xử trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

4. Điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến; trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa trực tuyến do pháp luật quy định.

Điều 149. Xây dựng Tòa án điện tử (mới)

Tòa án nhân dân có trách nhiệm xây dựng và triển khai Tòa án điện tử để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tăng cường công khai, minh bạch hoạt động của Tòa án.

Bà Minh: Thế thì tốt quá, tương lai thời đại phát triển 4.0 chúng ta phải định hướng trước trong thể chế pháp luật nhiệm vụ này thì mới theo kịp thời đại được, tôi hoàn toàn nhất trí dự thảo.

Buổi sinh hoạt còn tiếp thu thêm nhiều ý kiến của các bác hưu trí, anh Dương rất vui mừng vì nhờ hoạt động ý nghĩa của Câu lạc bộ đã góp phần giúp bản thân anh cũng như chính quyền phường hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao hiệu quả, có chất lượng./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.919.221
Lượt truy cập hiện tại 4.341