Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
TÌNH HUỐNG VỀ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH ĐƯA VÀO TRƯỜNG GIÁO DƯỠNG VÀ CƠ SỞ GIÁO DỤC BẮT BUỘC
Ngày cập nhật 22/02/2022

1. Chị Dương Kiều Nga có con đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào hường giáo dưỡng. Tại trường giáo dưỡng, con của chị được học văn hóa. Chị Nga muốn biết văn bằng, chứng chỉ học văn hóa trong trường giáo dưỡng có giá trị như văn bằng, chứng chỉ của các trường phổ thông không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 20 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ học văn hóa, học nghể và lao động của học sinh như sau:

Chế độ học văn hóa

- Học sinh được học văn hóa theo chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với học sinh chưa đạt trình độ phổ cập giáo dục trung học cơ sở thì việc học văn hóa là bắt buộc; đối với những học sinh khác thì tùy theo khả năng và điều kiện thực tế của trường mà tổ chức học văn hóa cho phù hợp.

Học sinh khi vào trường giáo dưỡng không có hồ sơ học bạ thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng tổ chức kiểm tra kiến thức hai môn Văn và Toán bằng hình thức kiểm tra viết. Căn cứ vào kết quả kiểm tra, Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định xếp lớp học văn hóa cho phù hợp. Quyết định này thay cho học bạ những năm trước đã mất để xét tốt nghiệp cho học sinh.

Ngoài việc học văn hóa, học sinh phải được học tập chương trình giáo dục công dân và chương trình giáo dục khác do Bộ Công an quy định;

- Phòng học của học sinh được trang bị máy tính, máy chiếu, quạt điện và các dụng cụ dạy học cần thiết;

- Kinh phí mua sách, vở, đồ dùng học tập cho mỗi học sinh hằng tháng tương đương với 07 kg gạo tẻ loại thường tính theo giá thị trường của từng địa phương;

- Trường giáo dưỡng có trách nhiệm tổ chức cho học sinh thi học kỳ, thi kết thúc năm học, phối hợp với Phòng giáo dục và đào tạo nơi có trường giáo dưỡng thi tuyển chọn học sinh giỏi, thi vào lớp chuyên và cấp chứng chỉ hoặc bằng tốt nghiệp tương ứng với chương trình học cho học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Sổ điểm, học bạ, hồ sơ và các biểu mẫu liên quan đến việc giảng dạy và học tập ở trường giáo dưỡng phải theo mẫu chung thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an;

- Văn bằng, chứng chỉ học văn hóa trong trường giáo dưỡng có giá trị như văn bằng, chứng chỉ của các trường phổ thông.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên,văn bằng, chứng chỉ học văn hóa trong trường giáo dưỡng có giá trị như văn bằng, chứng chỉ của các trường phổ thông.

2. Em trai anh Trần Trung Dân đang chấp hành chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Tại trường giáo dưỡng em trai anh luôn chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy của trường, có kết quả xếp loại học tập, rèn luyện đạt loại Khá. Anh Dân muốn biết, em trai anh có được khen thưởng gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 23 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh như sau:

1. Học sinh chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nội quy trường giáo dưỡng, có kết quả xếp loại học tập, rèn luyện, học nghề và lao động đạt loại Khá trở lên hoặc lập công thì được Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định khen thưởng bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Biểu dương; tặng giấy khen; tặng quà;

b) Cho đi tham quan do trường giáo dưỡng tổ chức;

c) Được thưởng 05 ngày về thăm gia đình, không kể thời gian đi đường và một khoản tiền để ăn, mua vé tàu, xe đi và về;

Trường hợp hết thời gian thưởng về thăm gia đình mà học sinh cố tình không trở lại thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng tổ chức đưa học sinh đó trở lại trường giáo dưỡng;

d) Được đề nghị xem xét giảm hoặc miễn chấp hành phần thời gian còn lại tại trường giáo dưỡng.

2. Học sinh vi phạm nội quy trường giáo dưỡng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Giáo dục tại phòng riêng không quá 05 ngày. Học sinh bị giáo dục tại phòng riêng phải làm bản kiểm điểm và tự kiểm điểm trước đội, tổ, nhóm hoặc lớp. Trong thời gian giáo dục tại phòng riêng, học sinh được tham gia học văn hóa.

3. Quyết định khen thưởng, kỷ luật được lưu vào hồ sơ học sinh.

4. Học sinh vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, trường hợp em trai của anh Dân sẽ được khen thưởng bằng một trong các hình thức như đã nêu trên.

3. Chị Lê Thị Hà có con gái đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Chị muốn biết con chị được thăm gặp người thân trong thời gian bao lâu, gặp vào thời gian nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 24 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ thăm gặp thân nhân, liên lạc, nhận tiền, quà của học sinh như sau:

1. Chế độ thăm gặp thân nhân

a) Học sinh được thăm gặp thân nhân tại nhà thăm gặp của trường giáo dưỡng, thời gian mỗi lần không quá 03 giờ theo thời gian làm việc của nhà trường, trường hợp ngoài giờ do Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định.

Thời gian thăm gặp vào tất cả các ngày trong tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Trường hợp học sinh chấp hành tốt nội quy trường giáo dưỡng, tích cực rèn luyện, học tập, học nghề và lao động hoặc để phục vụ công tác giáo dục thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng quyết định cho kéo dài thời gian thăm gặp nhưng không quá 48 giờ;

b) Trường giáo dưỡng cấp Sổ thăm gặp theo mẫu thống nhất có danh sách của thân nhân học sinh. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ký tên, đóng dấu vào Sổ thăm gặp. Sổ thăm gặp phải được xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Thân nhân đến thăm gặp phải là người có tên trong Sổ thăm gặp và xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu. Trường hợp thân nhân đến thăm gặp học sinh không có các giấy tờ nêu trên thì phải có đơn đề nghị có dán ảnh đóng dấu giáp lai được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập xác nhận.

Thân nhân đến thăm gặp học sinh phải chấp hành đúng quy định của pháp luật, nội quy nhà thăm gặp và theo sự hướng dẫn của cán bộ trưởng giáo dưỡng;

c) Khi thăm gặp phải sử dụng Tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc thiểu số phải có cán bộ biết tiếng dân tộc đó hoặc người không biết Tiếng Việt phải thông qua người phiên dịch để giám sát.

2. Chế độ liên lạc

a) Học sinh được gửi thư và nhận thư; thư được kiểm duyệt trước khi nhận, gửi; học sinh không được gửi, nhận thư nếu nội dung không phù hợp, không đúng với thuần phong mỹ tục, không mang tính chất giáo dục;

b) Học sinh được liên lạc với thân nhân bằng điện thoại, mỗi tháng 02 lần, mỗi lần không quá 05 phút. Trường hợp học sinh có nhu cầu trao đổi với thân nhân để giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của học sinh hoặc vì công tác giáo dục thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng cho tăng thêm số lần, thời gian liên lạc với thân nhân. Trước khi liên lạc với thân nhân học sinh phải đăng ký theo quy định của trường giáo dưỡng; trường hợp cán bộ trưởng giáo dưỡng phát hiện nội dung liên lạc không đúng với nội dung đã đăng ký sẽ bị chấm dứt liên lạc;

c) Học sinh vi phạm Nội quy trường giáo dưỡng đang bị giáo dục tại phòng riêng hoặc học sinh đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc có liên quan đến vụ án hình sự khác đang được xem xét, xử lý thì không được liên lạc điện thoại với thân nhân.

3. Chế độ nhận tiền, quà

a) Học sinh được nhận tiền mặt (Việt Nam đồng) do thân nhân đến thăm gặp gửi thì cán bộ làm nhiệm vụ tổ chức thăm gặp tiếp nhận, chuyển vào Sổ lưu ký học sinh; đối với tiền gửi qua bưu điện thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có trách nhiệm cử cán bộ đến bưu điện nhận tiền và làm thủ tục lưu ký theo quy định, vào sổ theo dõi, quản lý, đồng thời thông báo cho học sinh được nhận tiền biết.

Số tiền lưu ký của học sinh được sử dụng mua lương thực, thực phẩm, hàng hóa và các đồ dùng thiết yếu khác tại căng tin trường giáo dưỡng; thanh toán tiền gửi thư, liên lạc điện thoại; gửi về cho thân nhân hoặc nhận lại (nếu còn) khi chấp hành xong quyết định;

b) Học sinh được nhận quà khi thăm gặp thân nhân theo quy định của pháp luật. Đối với quà là hàng tươi sống, thực phẩm chế biến không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì yêu cầu thân nhân nhận lại; mỗi tháng học sinh được nhận bưu phẩm, bưu kiện 02 lần qua đường bưu điện, mỗi lần không quá 07 kg, nếu gửi 01 lần thì không quá 14 kg; trường hợp bưu phẩm, bưu kiện không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thì lập biên bản tiêu hủy có sự chứng kiến, chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của học sinh;

c) Học sinh được nhận thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng khi thăm gặp thân nhân, các loại thuốc, thực phẩm chức năng thì phải có nhãn mác, hàm lượng, công dụng, nơi sản xuất và còn thời hạn sử dụng. Trường giáo dưỡng bố trí tủ riêng để bảo quản, cán bộ y tế có trách nhiệm quản lý tủ thuốc, kiểm tra, hướng dẫn học sinh sử dụng khi có nhu cầu. Khi học sinh ốm, đau có nhu cầu sử dụng thuốc cán bộ y tế căn cứ vào bệnh lý, phác đồ điều trị để cấp thuốc và hướng dẫn học sinh sử dụng và ghi rõ trong bệnh án: “Thuốc do thân nhân gửi” hoặc ghi vào Sổ theo dõi, học sinh nhận, sử dụng thuốc phải ký tên hoặc điểm chỉ vào bệnh án hoặc Sổ theo dõi. Thuốc chữa bệnh, thuốc bổ, thực phẩm chức năng hết hạn phải lập biên bản tiêu hủy có sự chứng kiến, chữ ký hoặc điểm chỉ xác nhận của học sinh.

Khi học sinh chấp hành xong quyết định hoặc điều chuyển nơi khác cán bộ y tế phải kiểm tra, đối chiếu, trả lại học sinh số thuốc, thực phẩm chức năng chưa sử dụng hết hoặc bàn giao thuốc kèm theo hồ sơ sức khỏe của học sinh.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, con của chị Hà được thăm gặp thân nhân tại nhà thăm gặp của trường giáo dưỡng, thời gian mỗi lần không quá 03 giờ theo thời gian làm việc của nhà trường.Thời gian thăm gặp vào tất cả các ngày trong tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết.

4. Con trai của anh Trần Thanh Hậu đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Trong thời gian này thì ba của anh Hậu mất (ông nội của con anh). Anh muốn biết, anh có được bão lãnh để con anh về để tang ông nội không, nếu được về thì con anh được về bao nhiêu ngày?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 26 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về giải quyết trường hợp học sinh có việc tang hoặc trường hợp khó khăn đặc biệt như sau:

- Khi có việc tang của gia đình gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; ông nội, bà nội của vợ hoặc chồng, ông ngoại, bà ngoại của vợ hoặc chồng; bố đẻ, mẹ đẻ, bố dượng, mẹ kế, bố nuôi, mẹ nuôi hợp pháp; bố đẻ, mẹ đẻ, bố dượng, mẹ kế, bố nuôi, mẹ nuôi hợp pháp của vợ hoặc chồng; con đẻ; người trực tiếp nuôi dưỡng; anh, chị, em ruột hoặc có trường hợp khó khăn đặc biệt và có đơn xin bảo lãnh của thân nhân gia đình được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét cho học sinh về gia đình không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường. Thời gian về gia đình được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

- Khi giải quyết cho học sinh về gia đình, đại diện thân nhân gia đình học sinh đến nhận học sinh và viết cam kết quản lý học sinh trong thời gian được về nhà và chịu trách nhiệm đưa học sinh trở lại trường giáo dưỡng đúng thời gian quy định.

- Hết thời gian được về gia đình, học sinh phải tự giác đến chấp hành, nếu không tự giác thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng tổ chức đưa học sinh đó trở lại trường giáo dưỡng; nếu học sinh trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, khi có việc tang của ông nội, anh Hậu viết đơn xin bảo lãnh cho con anh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã gửi trường giáo dưỡng. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng có thể xem xét cho con anh về gia đình không quá 05 ngày, không kể thời gian đi đường.

5. Em trai của anh Lê Hùng Sang đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Anh Sang muốn biết chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của trại viên được cấp như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

          Điều 32 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của trại viên như sau:

1. Chế độ mặc của trại viên trong một năm được cấp:

a) 02 bộ quần, áo dài;

b) 02 bộ quần, áo lót;

c) Trại viên tham gia lao động, học nghề mỗi năm được cấp 02 bộ quần áo bảo hộ lao động và dụng cụ bảo hộ lao động cần thiết khác;

d) Đối với trại viên ở các cơ sở giáo dục bắt buộc từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc được cấp 01 áo ấm/năm.

2. Chế độ đồ dùng sinh hoạt của trại viên trong một năm được cấp:

a) 02 khăn mặt;

b) 02 đôi dép;

c) 04 bàn chải đánh răng;

d) 02 chiếc chiếu cá nhân;

đ) 01 áo mưa ni lông;

e) 01 chiếc mũ (dùng để che mưa, nắng);

g) 600 g kem đánh răng;

h) 3,6 kg xà phòng;

i) 800 ml dầu gội đầu;

3. Ngoài chế độ quy định tại khoản 2 nêu trên, trại viên còn được cấp:

a) 01 màn/02 năm;

b) 01 chăn sợi/02 năm;

c) Đối với trại viên ở các cơ sở giáo dục bắt buộc từ tỉnh Thừa Thiên Huế trở ra phía Bắc được cấp 01 chăn bông/02 năm có vỏ nặng không quá 02 kg;

d) Đối với trại viên ở cơ sở giáo dục bắt buộc từ thành phố Đà Nẵng trở vào phía Nam được cấp 01 tấm đắp/02 năm;

đ) Trại viên nữ được cấp đồ dùng vệ sinh cá nhân tương đương 03 kg gạo tẻ/trại viên/tháng.

4. Trại viên được mang vào cơ sở giáo dục bắt buộc những đồ dùng cá nhân thiết yếu để sử dụng theo quy định của Bộ Công an.

Như vậy, chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của trại viên tại trường giáo dưỡng được pháp luật quy định như trên, anh Sang tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

          6. Chị Lê Thị Mơ có em trai đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Chị Mơ muốn biết chế độ ăn của em trai chị tại cơ sở giáo dục bắt buộc như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 31 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ ăn đối với trại viên như sau:

1. Trại viên được Nhà nước đảm bảo định lượng mỗi tháng, gồm:

a) 17 kg gạo tẻ;

b) 01 kg thịt lợn;

c) 01 kg cá;

d) 15 kg rau xanh;

đ) 0,5 kg đường;

e) 0,75 lít nước mắm;

g) 0,1 kg bột ngọt;

h) 0,5 kg muối;

i) 0,2 lít dầu ăn;

k) Gia vị khác tương đương 0,5 kg gạo tẻ;

l) Chất đốt tương đương 17 kg củi hoặc 15 kg than;

m) Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có thể hoán đổi định lượng ăn nêu trên cho phù hợp với thực tế để bảo đảm trại viên sử dụng hết tiêu chuẩn.

2. Lương thực, thực phẩm, chất đốt bảo đảm chất lượng và có mức giá trung bình theo thời giá thị trường tại địa phương. Trại viên được bảo đảm ăn, uống vệ sinh, an toàn thực phẩm.

3. Ngày lễ, ngày Tết Dương lịch được ăn thêm không quá 03 lần tiêu chuẩn ngày thường; các ngày Tết Nguyên đán được ăn thêm không quá 05 lần tiêu chuẩn ngày thường.

4. Trại viên lao động thuộc danh mục nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật thì định lượng ăn được tăng thêm nhưng không quá 02 lần tiêu chuẩn ngày thường. Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc quyết định chế độ ăn đối với trại viên bị ốm đau đang được điều trị tại bệnh xá, bệnh viện trên cơ sở đề nghị của cán bộ y tế nhưng tổng định lượng ăn không quá 02 lần tiêu chuẩn ăn ngày thường.

5. Ngoài tiêu chuẩn ăn quy định tại các khoản 1, 3 và 4 nêu trên, trại viên được sử dụng quà, tiền của trại viên để ăn thêm nhưng không quá 03 lần định lượng ăn trong 01 tháng cho mỗi trại viên và phải thông qua hệ thống lưu ký và căng tin phục vụ sinh hoạt cho trại viên của cơ sở giáo dục bắt buộc.

6. Mỗi phân khu của cơ sở giáo dục bắt buộc được tổ chức ít nhất một bếp ăn tập thể. Định mức dụng cụ cấp dưỡng cụ thể như sau:

a) Đối với một bếp tập thể dùng cho 100 trại viên gồm: 01 tủ lưu mẫu thức ăn 48 giờ, 01 tủ đựng thức ăn có lưới hoặc kính che kín, 03 chảo to, 01 chảo nhỏ, 01 nồi to; các loại dao, thớt, chậu rửa bát, rổ, rá, bát, đũa dùng và các dụng cụ, trang thiết bị cấp dưỡng cần thiết khác phục vụ việc nấu ăn và chia khẩu phần ăn cho trại viên;

b) Đối với dụng cụ, đồ dùng cho 01 mâm ăn của 06 trại viên bao gồm: 01 lồng bàn, 01 xoong đựng cơm, 01 xoong đựng canh; 02 đĩa đựng thức ăn, 01 bát đựng nước chấm, 01 muôi múc cơm, 01 muôi múc canh;

c) Đối với dụng cụ, đồ dùng cho 01 trại viên ăn riêng theo suất gồm: 01 cặp lồng có 04 ngăn hoặc khay có 05 ngăn bằng nhựa chuyên dùng đựng đồ ăn cơm và 01 thìa ăn cơm bằng nhựa.

Như vậy, chế độ ăn của em trai chị Mơ tại cơ sở giáo dục bắt buộc được pháp luật quy định như trên. Chị Mơ tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

          7. Con của anh Lại Văn Hà đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Tại cơ sở giáo dục bắt buộc, con trai anh phải lao động. Anh Hà muốn biết, thời gian lao động cũng như thời gian nghỉ của con trai anh được quy định như thế nào?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 36 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ lao động, học nghề của trại viên như sau:

1. Chế độ lao động

a) Thời gian lao động của trại viên không quá 08 giờ trong 01 ngày, không quá 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật. Trường hợp đột xuất hoặc do yêu cầu lao động, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có thể quyết định lao động thêm giờ nhưng không quá 02 giờ trong 01 ngày, không quá 40 giờ trong 01 tháng, 200 giờ trong 01 năm và được bố trí nghỉ bù;

b) Trại viên phải hoàn thành định mức lao động được giao. Ngoài giờ lao động hằng ngày theo quy định, cơ sở giáo dục bắt buộc có thể cho phép trại viên lao động thêm để cải thiện đời sống theo nguyện vọng của họ nhưng phải theo đúng quy định của pháp luật;

c) Đối với những công việc mà pháp luật quy định phải có bảo hộ lao động thì cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm trang bị quần áo, thiết bị bảo hộ lao động phù hợp với yêu cầu của công việc. Trường hợp làm ca đêm, làm việc ngoài giờ, làm việc trong các điều kiện độc hại hoặc công việc nặng nhọc thì được bồi dưỡng theo quy định;

d) Trường hợp trại viên bị tai nạn lao động thì cơ sở giáo dục bắt buộc phải tổ chức cứu chữa kịp thời và làm các thủ tục cần thiết để giải quyết chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Trường hợp cơ sở giáo dục bắt buộc phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức lao động cho trại viên thì chế độ lao động của trại viên được thực hiện theo quy định của pháp luật.

2. Chế độ học nghề

a) Cơ sở giáo dục bắt buộc có đủ điều kiện trực tiếp đào tạo nghề nghiệp hoặc phối hợp với cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo nghề nghiệp cho trại viên theo quy định của pháp luật về giáo dục nghề nghiệp;

b) Cơ sở giáo dục bắt buộc căn cứ vào tình hình thực tế và khảo sát nhu cầu nghề, việc làm của địa phương nơi trại viên cư trú để đào tạo nghề nghiệp phù hợp.

3. Chứng chỉ học nghề theo quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì thời gian lao động của con trai anh Hà tại cơ sở giáo dục bắt buộc là không quá 08 giờ trong 01 ngày, không quá 05 ngày trong 01 tuần, được nghỉ vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật, lễ, Tết theo quy định của pháp luật.

8. Em của anh Võ Văn An đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Em trai anh An vốn người hay ốm vặt, anh An muốn biết tại cơ sở giáo dục bắt buộc có được khám sức khỏe định kỳ không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 34 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ chăm sóc y tế đối với trại viên như sau:

1. Trại viên khi đến cơ sở giáo dục bắt buộc được y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc tổ chức khám sức khỏe và lập phiếu theo dõi. Trong thời gian trại viên chấp hành tại cơ sở giáo dục bắt buộc, căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho trại viên, định kỳ 01 năm/lần, cụ thể: Đo chiều cao, cân nặng, vòng ngực trung bình, kiểm tra các thông số về nhịp tim, huyết áp, nhiệt độ cơ thể, khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa. Việc khám sức khỏe cho trại viên được lưu kết quả vào hồ sơ để quản lý, theo dõi sức khỏe của trại viên.

2. Chi phí khám sức khỏe tổng quát, định kỳ cho trại viên được thanh toán theo khung giá quy định của Bộ Y tế. Tiền thuốc chữa bệnh thông thường cho trại viên được cấp tương đương 04 kg gạo tẻ/trại viên/tháng.

3. Cơ sở giáo dục bắt buộc thường xuyên có biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các biện pháp cai nghiện ma túy, phòng, chống lây nhiễm, điều trị HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác cho trại viên.

4. Trại viên bị ốm được điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc. Trường hợp trại viên bị ốm nặng vượt quá khả năng điều trị tại cơ sở y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc thì được đưa đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên hoặc có thể được đưa về gia đình để điều trị.

5. Trường hợp trại viên bị thương tích do tai nạn lao động, thiên tai, hỏa hoạn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phải làm các thủ tục để thực hiện chế độ trợ cấp theo quy định.

6. Kinh phí để thực hiện theo quy định tại khoản 2, 3, 4 và 5 nêu trên do ngân sách nhà nước cấp. Trường hợp trại viên được tạm đình chỉ để đưa về gia đình điều trị thì gia đình phải chi trả toàn bộ kinh phí khám bệnh, chữa bệnh cho trại viên.

7. Trường hợp trại viên bị ốm nặng phải đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên để điều trị lâu dài thì trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày đưa đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc phải báo cáo Cục Cảnh sát Quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng và thông báo cho thân nhân của trại viên.

8. Thời gian trại viên điều trị bệnh được tính vào thời gian chấp hành quyết định. Một ngày điều trị bệnh được tính bằng một ngày chấp hành quyết định.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, em của anh An khi đến cơ sở giáo dục bắt buộc được y tế của cơ sở giáo dục bắt buộc tổ chức khám sức khỏe và lập phiếu theo dõi. Trong thời gian chấp hành tại cơ sở giáo dục bắt buộc, căn cứ tình hình cụ thể của đơn vị tổ chức khám sức khỏe tổng quát cho trại viên, định kỳ 01 năm/lần.

9. Con của chị Nguyễn Hương đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Tại cơ sở giáo dục bắt buộc, con chị được học tập, chị muốn biết chế độ học tập gồm chương trình gì?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 35 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định về chế độ học tập, sinh hoạt của trại viên như sau:

1. Chế độ học tập

a) Trại viên được học các chương trình giáo dục công dân mỗi tuần 01 buổi, mỗi buổi 04 giờ và các chương trình giáo dục khác của Bộ Công an;

b) Cơ sở giáo dục bắt buộc tổ chức dạy Chương trình Xóa mù chữ cho những trại viên chưa biết chữ hoặc tái mù chữ, việc học văn hóa đối với những trại viên mù chữ, tái mù chữ là bắt buộc. Thời gian học văn hóa cho trại viên mỗi tuần 02 buổi, mỗi buổi 04 giờ, không tổ chức học vào các ngày Chủ nhật, lễ, Tết;

c) Căn cứ vào điều kiện cụ thể, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có thể sắp xếp thời gian học văn hóa cho các đối tượng;

d) Kinh phí hằng tháng chi cho việc học văn hóa, học nghề, giáo dục công dân cho mỗi trại viên tương đương với 05 kg gạo tẻ.

2. Chế độ sinh hoạt

a) Trại viên được hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa, văn nghệ, vui chơi giải trí; được đọc sách, báo, nghe đài, nghe phổ biến thời sự, chính sách, được xem vô tuyến truyền hình theo quy định của Bộ Công an;

b) Mỗi cơ sở giáo dục bắt buộc được thành lập 01 thư viện, khu vui chơi, sân thể thao. Cứ 30 trại viên được phát 01 tờ báo Nhân dân và 01 tờ báo Pháp luật Việt Nam theo kỳ phát hành. Mỗi Phân khu được trang bị hệ thống truyền thanh, mỗi buồng ở tập thể được trang bị 01 ti vi;

c) Ngoài thời gian tham gia các hoạt động giáo dục, học tập, lao động, sinh hoạt chung, trại viên theo tôn giáo được sử dụng kinh sách in được xuất bản, phát hành hợp pháp mỗi tuần một lần. Trại viên theo tôn giáo đăng ký với cán bộ cơ sở giáo dục bắt buộc việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cá nhân tại địa điểm, thời gian do Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc quy định và không làm ảnh hưởng đến người khác. Cơ sở giáo dục bắt buộc có trách nhiệm quản lý, kiểm duyệt kinh sách trước khi cho trại viên sử dụng.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, tại cơ sở giáo dục bắt buộc, con của chị Hương được học các chương trình giáo dục công dân mỗi tuần 01 buổi, mỗi buổi 04 giờ và các chương trình giáo dục khác của Bộ Công an.

          10. Con của anh Lê Văn Manh năm nay 16 tuổi, đang bịáp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng. Anh Manh muốn biết con anh là người chưa thành niên có quyền và nghĩa vụ gì khiáp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 49 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định vềquyền và nghĩa vụ của người chưa thành niên được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng như sau:

1. Người chưa thành niên được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có các quyền sau đây:

a) Được giải thích về biện pháp quản lý, giám sát, giáo dục;

b) Không bị phân biệt đối xử; được học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú;

c) Được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng phù hợp được tổ chức tại địa phương;

d) Được các cơ sở giáo dục xem xét, tiếp nhận học tập;

đ) Được áp dụng các biện pháp hỗ trợ, bảo vệ phù hợp theo quy định của pháp luật;

e) Khiếu nại, khởi kiện quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng và các hành vi vi phạm trong quá trình thi hành quyết định.

2. Người chưa thành niên được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước;

b) Tham gia học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú;

c) Chịu sự quản lý, giám sát, giáo dục của gia đình và người được phân công phối hợp giám sát.

Như vậy, con trai anh Manh người chưa thành niên được áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có quyền và nghĩa vụ như trên. Anh Manh tham khảo để thực hiện yêu cầu của mình.

11. Em Nguyễn Hải đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc. Em muốn biết một tháng em được gặp thân nhân bao nhiêu lần?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định vềchế độ thăm gặp thân nhân, liên lạc, nhận tiền, quà của trại viên như sau:

Chế độ thăm gặp thân nhân

- Trại viên được thăm gặp thân nhân mỗi tháng 02 lần, mỗi lần không quá 02 giờ tại nhà thăm gặp của cơ sở giáo dục bắt buộc và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp. Trường hợp thăm gặp thêm giờ thì phải được sự đồng ý của Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, nhưng không quá 04 giờ;

- Trại viên phải có 03 tháng liên tục xếp loại khá, tốt liền kề với thời điểm thăm gặp và có đơn đề nghị thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc có thể cho gặp vợ hoặc chồng đến 24 giờ và được ở lại qua đêm tại nhà thăm gặp của cơ sở giáo dục bắt buộc. Vợ hoặc chồng đến thăm và được nghỉ qua đêm thì phải có thêm Giấy chứng nhận hoặc trích lục kết hôn hoặc Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Ủy ban nhân dân cấp xã thể hiện là vợ hoặc chồng;

- Thời gian thăm gặp được tổ chức tất cả các ngày trong tuần, ngày nghỉ, ngày lễ, Tết. Thời gian tổ chức cho trại viên thăm gặp thân nhân theo thời gian làm việc của cơ sở giáo dục bắt buộc, trường hợp ngoài giờ do Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc quyết định;

- Thân nhân đến thăm gặp phải là người có tên trong Sổ thăm gặp và xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu. Trường hợp thân nhân đến thăm gặp trại viên không có các giấy tờ nêu trên thì phải có đơn đề nghị có dán ảnh đóng dấu giáp lai được xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú hoặc của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập. Cơ sở giáo dục bắt buộc cấp Sổ thăm gặp theo mẫu thống nhất có danh sách của thân nhân trại viên. Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ký tên, đóng dấu vào Sổ thăm gặp. Sổ thăm gặp phải được Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi cư trú xác nhận.

Thân nhân đến thăm gặp trại viên phải chấp hành đúng quy định của pháp luật, nội quy nhà thăm gặp và theo sự hướng dẫn của cán bộ cơ sở giáo dục bắt buộc;

- Đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đến thăm gặp trại viên do Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc quyết định, phải có: Công văn đề nghị của cơ quan, tổ chức hoặc đơn đề nghị của cá nhân có xác nhận của Ủy ban nhân dân nơi cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc nêu rõ lý do; khi đến thăm gặp phải xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

- Khi thăm gặp phải sử dụng Tiếng Việt, trường hợp là người dân tộc thiểu số phải có cán bộ biết tiếng dân tộc đó hoặc người không biết Tiếng Việt phải thông qua người phiên dịch để giám sát;

- Trại viên vi phạm Nội quy cơ sở giáo dục bắt buộc đang bị cách ly tại buồng kỷ luật hoặc trại viên đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử hoặc có liên quan đến vụ án hình sự khác đang được xem xét, xử lý thì không được thăm gặp thân nhân.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, em Hải được thăm gặp thân nhân mỗi tháng 02 lần, mỗi lần không quá 02 giờ tại nhà thăm gặp của cơ sở giáo dục bắt buộc và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp.Trường hợp thăm gặp thêm giờ thì phải được sự đồng ý của Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, nhưng không quá 04 giờ.

12. Em trai của chị Vũ Thị Khôi đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng. Đang trong quá trình chấp hành quyết định thì em trai chị bỏ trốn. Chị Khôi muốn biết, trong trường hợp của em chị ai sẽ ra quyết định truy tìm và thời gian trốn khỏi trường có được tính vào thời gian chấp hành quyết định không?

Trả lời: (mang tính chất tham khảo)

Điều 10 Nghị định số 140/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc quy định vềtruy tìm người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc bỏ trốnnhư sau:

1. Người đã có quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc nhưng chưa thi hành quyết định mà bỏ trốn thì Trưởng Công an cấp huyện nơi đã lập hồ sơ ra quyết định truy tìm.

2. Học sinh bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm; trại viên bỏ trốn thì Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc ra quyết định truy tìm. Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

3. Cơ quan đã ra quyết định truy tìm có trách nhiệm tổ chức truy tìm; nếu người đó có hành vi chống đối thì được áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc người đó phải chấp hành.

4. Ủy ban nhân dân và cơ quan Công an các cấp có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nêu tại khoản 1, khoản 2 nêu trên trong việc truy tìm đối tượng bỏ trốn.

Khi phát hiện người có quyết định truy tìm, phải báo ngay cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gần nhất hoặc đưa ngay người đó đến cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân nơi gần nhất để đưa đến cơ quan Công an cấp huyện nơi gần nhất.

5. Khi giao, nhận người có quyết định truy tìm, cơ quan Công an phải lập biên bản, lấy lời khai, đồng thời thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định truy tìm biết và cử người đến nhận. Trường hợp cơ quan ra quyết định truy tìm chưa đến kịp thì cơ quan Công an phải ra quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 122 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quản lý tại nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính. Trường hợp không có nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính thì tạm giữ tại phòng trực ban hoặc phòng khác tại nơi làm việc.

6. Khi đưa đối tượng về trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc thực hiện áp giải theo quy định của pháp luật.

7. Tùy từng trường hợp cụ thể, quyết định truy tìm được gửi cho cơ quan Công an, Ủy ban nhân dân địa phương liên quan để phục vụ cho việc truy tìm và bắt giữ đối tượng.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, em trai chị Khôi bỏ trốn thì Hiệu trưởng trường giáo dưỡng ra quyết định truy tìm.Thời gian trốn khỏi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc không được tính vào thời gian chấp hành quyết định.

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.446.151
Lượt truy cập hiện tại 1.753