Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam không có giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt
Ngày cập nhật 21/02/2012

Ông Tony là người Anh đã sống và làm việc tại Việt Nam nhiều năm nay nên có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam. Qua tìm hiểu ban đầu anh được biết, một trong những điều kiện để xin nhập quốc tịch Việt Nam là phải chứng minh được trình độ tiếng Việt của mình đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam. Hiện nay ông không có giấy tờ gì chứng minh là biết tiếng Việt nhưng ông có thể đọc, nói và viết tiếng Việt rất tổt. Vậy ông có bảo đảm được điều kiện về trình độ tiếng Việt không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam thì một trong những điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam là phải biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/9/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam thì khả năng biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó.
Điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 78/2009/NĐ-CP quy định Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây: bản sao bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam cấp.
Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam khai báo biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam, nhưng không có một trong các giấy tờ nêu trên, thì Sở Tư pháp tổ chức phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra trình độ tiếng Việt của người đó theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Kết quả phỏng vấn phải được lập thành văn bản; người trực tiếp phỏng vấn căn cứ vào khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó để đề xuất ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình.

 Như vậy, ông Tony sẽ chứng minh trình độ tiếng Việt của mình thông qua việc phỏng vấn tại Sở Tư pháp nơi ông nộp hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (nơi cư trú). Khả năng đọc, nói, viết tiếng Việt của ông có bảo đảm được điều kiện về trình độ đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam hay không do người phỏng vấn đề xuất trên cơ sở kết quả phỏng vấn.

 

Dương Thị Ngọc Hiền
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.402.294
Lượt truy cập hiện tại 4.689