Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam thành 06 loại
Ngày cập nhật 17/04/2020

Ngày 23 tháng 3 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 02/2020/TT-BKHĐT quy định phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 5 năm 2020.

 

Đơn vị thể chế áp dụng trong thống kê (viết gọn là đơn vị thể chế) là một thực thể kinh tế có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia các hoạt động, các giao dịch kinh tế với các thực thể kinh tế khác. Đơn vị thể chế thường có các thuộc tính chủ yếu sau: (i) có quyền sở hữu hàng hóa hoặc tài sản, có thể trao đổi quyền sở hữu hàng hóa, tài sản đó thông qua các hoạt động giao dịch với các đơn vị thể chế khác; (ii) có quyền đưa ra các quyết định kinh tế, tham gia vào các hoạt động kinh tế và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động kinh tế của mình; (iii) có khả năng phát sinh nghĩa vụ nợ, thực hiện các nghĩa vụ, cam kết và tham gia vào các hợp đồng kinh tế; (iv) có hệ thống tài khoản kế toán hoàn chỉnh hoặc có khả năng lập các tài khoản kế toán nếu được yêu cầu.

Khu vực thể chế áp dụng trong thống kê (khu vực thể chế) là tập hợp các đơn vị thể chế có cùng chức năng, mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh, cùng đặc điểm cấu trúc, vai trò kinh tế và phương thức hoạt động.

Sáu khu vực thể chế của Việt Nam, gồm:

- Khu vực thể chế phi tài chính: Bao gồm tất cả các doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập và tổ chức khác (bao gồm cả các đơn vị không vì lợi) thường trú tham gia vào các hoạt động sản xuất sản phẩm vật chất và dịch vụ phi tài chính để mua bán trên thị trường.

- Khu vực thể chế tài chính: Bao gồm tất cả các doanh nghiệp và đơn vị tương tự doanh nghiệp thường trú tham gia chủ yếu vào việc cung cấp dịch vụ tài chính, bao gồm cả dịch vụ bảo hiểm và quỹ hưu trí tự nguyện cho các đơn vị thể chế khác.

- Khu vực thể chế Nhà nước: bao gồm các đơn vị thể chế thường trú thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước, hoạt động chủ yếu nhằm thực hiện các chức năng hoạch định chính sách, đường lối phát triển kinh tế - xã hội, quản lý và thực thi các chính sách của Nhà nước. Khu vực này bao gồm tất cả các đơn vị thuộc cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp và đoàn thể khác, các đơn vị sự nghiệp công lập không vì lợi nhuận, phi thị trường và các quỹ an sinh xã hội. Để xác định một đơn vị thể chế thuộc khu vực thể chế Nhà nước hay doanh nghiệp nhà nước cần phân biệt khái niệm đơn vị sản xuất thị trường và phi thị trường. Tiêu chí nhận dạng đơn vị thuộc khu vực thể chế Nhà nước: Là đơn vị thể chế thường trú; Có quyền sở hữu tài sản, phát sinh nghĩa vụ nợ và tham gia vào các hoạt động kinh tế; Thuộc sự quản lý hoặc kiểm soát của các cơ quan Nhà nước; Hoạt động mang tính chất - phi thị trường, không vì lợi nhuận.

- Khu vực thể chế hộ gia đình: Hộ gia đình là một người hoặc nhóm người có cùng nơi sinh sống, đóng góp một phần hoặc toàn bộ thu nhập và tài sản của họ vào một ngân sách chung và tiêu dùng chung các loại sản phẩm vật chất và dịch vụ nhất định, chủ yếu là nhà ở và lương thực, thực phẩm. Ngoài các loại hộ gia đình truyền thống hộ gia đình cùng huyết thống, hôn nhân,...) còn có các hộ gia đình tập thể (còn gọi là hộ gia đình phi truyền thống), những hộ này bao gồm những nhóm người cùng sinh sống trong một thời gian dài ở nhà dưỡng lão, cơ sở phục hồi chức năng, tu viện, nhà tù, trại giam, trại phục hồi nhân phẩm... Hộ gia đình bao gồm hộ gia đình sản xuất và hộ gia đình tiêu dùng.

- Khu vực thể chế không vì lợi phục vụ hộ gia đình: Các đơn vị thuộc khu vực không vì lợi phục vụ hộ gia đình (NPISHs) là các đơn vị thường trú không vì lợi, phi thị trường không chịu sự kiểm soát của Nhà nước. Tất cả các đơn vị này cung cấp hàng hóa và dịch vụ miễn phí hoặc ở mức giá không có ý nghĩa về mặt kinh tế. Phần lớn những hàng hóa và dịch vụ được cung cấp cho tiêu dùng cá nhân nhưng các đơn vị không vì lợi cũng có thể cung cấp các dịch vụ chung như trung tâm tình nguyện, đơn vị viện trợ, cứu trợ, cơ sở từ thiện, tôn giáo, tín ngưỡng...

- Khu vực thể chế không thường trú: Khu vực này bao gồm tất cả các đơn vị thể chế không thường trú tham gia giao dịch với các đơn vị thường trú hoặc có các mối liên hệ khác về kinh tế với các đơn vị thường trú như các tổ chức quốc tế, đại sứ quán, lãnh sứ quán của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam...

Các khu vực thể chế của Việt Nam được xây dựng theo nguyên tắc đảm bảo việc phân chia khu vực thể chế bao quát toàn bộ, đầy đủ các đơn vị thể chế của Việt Nam; đảm bảo tính khả thi trong quá trình thu thập, tính toán các chỉ tiêu thống kê; tránh trùng lắp: một đơn vị thể chế chỉ được xếp vào một khu vực thể chế; phù hợp với thực tiễn công tác thống kê và đảm bảo so sánh quốc tế; linh hoạt và thống nhất khi sắp xếp các đơn vị thể chế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thu thập, tổng hợp thông tin thống kê liên quan đến khu vực thể chế của Việt Nam bảo đảm cung cấp số liệu thống kê theo quy định; hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện theo quy định phân loại khu vực thể chế của Việt Nam; ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thống kê sử dụng phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam.

Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan căn cứ vào phân loại khu vực thể chế Việt Nam sản xuất, cung cấp thông tin và sử dụng thống nhất về phạm vi liên quan đến các khu vực thể chế thống kê theo quy định.

Thông tư quy định cụ thể Danh mục phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam và nội dung phân loại khu vực thể chế áp dụng trong thống kê Việt Nam.

 

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.557.778
Lượt truy cập hiện tại 13.494