Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Một số điểm mới của Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 so với Pháp lệnh Giống vật nuôi số 16/2004/PL-UBTVQH11
Ngày cập nhật 24/06/2019

Luật Chăn nuôi gồm 8 chương, 83 điều được Quốc hội thông qua ngày 19 tháng 11 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 quy định về hoạt động chăn nuôi; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động chăn nuôi; quản lý Nhà nước về chăn nuôi. Một số điểm mới của Luật Chăn nuôi so với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004, như sau:

 

- Điểm mới quan trọng nhất của Luật Chăn nuôi đó là quy định chăn nuôi là ngành có điều kiện, có quy định hộ chăn nuôi, chủ trang trại phải đăng ký số lượng vật nuôi với địa phương; thế nào là trang trại nhỏ, trang trại lớn, được quy định cụ thể tại Điều 52, Điều 53, Điều 54, Điều 55, Điều 56, Điều 57 Luật Chăn nuôi hay các quy định về xử lý chất thải chăn nuôi tại Mục 2 Chương IV Luật chăn nuôi. Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 không quy định các điều kiện cụ thể về quy mô chăn nuôi. Điều 52 Luật Chăn nuôi 2018 quy định quy mô chăn nuôi gồm có: Chăn nuôi trang trại (chăn nuôi trang trại quy mô lớn, quy mô vừa và quy mô nhỏ); Chăn nuôi nông hộ.

Tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 54 Luật Chăn nuôi 2018. Theo đó, nghĩa vụ kê khai với UBND được đặt ra cụ thể với: Tổ chức, cá nhân sở hữu đực giống để phối giống trực tiếp nhằm mục đích thương mại phải kê khai đực giống (điểm a khoản 3 Điều 23); Cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 25); Tổ chức, cá nhân chăn nuôi phải kê khai hoạt động chăn nuôi (điểm a khoản 2 Điều 57). Đặc biệt, tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ quy định loại, số lượng vật nuôi phải thực hiện kê khai, thời điểm kê khai và mẫu kê khai hoạt động chăn nuôi.

Bên cạnh 6 điều kiện chăn nuôi trang trại, Luật Chăn nuôi 2018 quy định chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng 3 yêu cầu sau đây: Chuồng nuôi phải tách biệt với nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi; có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch; thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi 2018 còn quy định việc chăn nuôi trang trại phải có biện pháp xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi trang tại và nông hộ; quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi;… để từng bước kiểm soát được quy mô chăn nuôi và có quy hoạch, kiểm soát được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, giải quyết vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi. 

- Theo quy định tại Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 quy định giống vật nuôi chỉ bao gồm các giống gia súc, gia cầm, ong, tằm, động vật thuỷ sản và các sản phẩm giống của chúng như tinh, phôi, trứng giống, ấu trùng và vật liệu di truyền giống.

Giống vật nuôi theo Luật Chăn nuôi 2018 rộng hơn, là quần thể vật nuôi cùng loài, cùng nguồn gốc, có ngoại hình và cấu trúc di truyền tương tự nhau, được hình thành, củng cố, phát triển do tác động của con người; phải có số lượng bảo đảm để nhân giống và di truyền được những đặc điểm của giống cho thế hệ sau, bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi.

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi là điểm mới được quy định tại Điều 11 Luật Chăn nuôi 2018.

Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 chỉ đề cập đến vấn đề xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin tư liệu nguồn gen vật nuôi, là một nội dung nhỏ trong cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi.

Khoản 2 Điều 11 Luật Chăn nuôi 2018 quy định nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi bao gồm: Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chăn nuôi; cơ sở dữ liệu về giống vật nuôi, nguồn gen giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi; cơ sở dữ liệu về cơ sở chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; cơ sở dữ liệu về vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; cơ sở dữ liệu khác về chăn nuôi.

- Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 quy định 14 hành vi bị nghiêm cấm trong chăn nuôi, thay vì 7 hành vi như trong Pháp lệnh về giống vật nuôi 2014. Đáng chú ý là các hành vi cấm sau: Sử dụng kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi nhằm mục đích kích thích sinh trưởng; sử dụng, đưa chất, vật thể, bơm nước cưỡng bức vào cơ thể vật nuôi, sản phẩm của vật nuôi nhằm mục đích gian lận thương mại; xả thải chất thải chăn nuôi chưa được xử lý hoặc xử lý chưa đạt yêu cầu vào nơi tiếp nhận chất thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.

- Lần đầu tiên Quốc hội đưa vào Luật Chăn nuôi 2018 quy định chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, điểm b khoản 2 Điều 4 của Luật quy định: Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học; xử lý môi trường chăn nuôi; phát triển các mô hình thực hành chăn nuôi tốt; di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.

- Điểm mới nổi bật của Luật Chăn nuôi 2018 so với Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 là việc quy định riêng một Mục tại Chương V (từ Điều 69 đến Điều 72) về việc phải đối xử nhân đạo với vật nuôi trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác. Bao gồm những yêu cầu sau:

+ Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi;

+ Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện vận chuyển phù hợp, bảo đảm không gian thoáng mát, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống trên đường vận chuyển;

+ Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau: Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh, cung cấp đủ nước uống phù hợp cho vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ; có hồ sơ về xuất xứ của vật nuôi bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào giết mổ.

Luật Chăn nuôi 2018 ra đời phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành, đáp ứng được yêu cầu quản lý thực tế sản xuất, kinh doanh ngành chăn nuôi, phù hợp với nền kinh tế thị trường, tạo được một hành lang pháp lý rõ ràng cho người sản xuất, kinh doanh và cơ quan quản lý có cơ sở pháp lý rõ ràng để hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm. Những điểm mới, những quy định tại Pháp lệnh về giống vật nuôi 2004 được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thông lệ quốc tế, các Hiệp định, Công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và đáp ứng được yêu cầu hội nhập ngày càng sâu rộng của ngành chăn nuôi, tạo điều kiện phát triển ngành chăn nuôi nước ta phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội.

 

Thu Thảo
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.477.518
Lượt truy cập hiện tại 12.107