Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Quy định về nông nghiệp hữu cơ
Ngày cập nhật 15/11/2018

Ngày 29 tháng 8 năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về nông nghiệp hữu cơ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2018.

 

Nông nghiệp hữu cơ là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, đa dạng sinh học thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

Sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải bảo đảm quản lý các tài nguyên (bao gồm đất, nước, không khí) theo nguyên tắc hệ thống và sinh thái trong tầm nhìn dài hạn. Không dùng các vật tư là chất hóa học tổng hợp trong tất cả các giai đoạn của chuỗi sản xuất, tránh trường hợp con người và môi trường tiếp xúc với các hóa chất độc hại, giảm thiểu ô nhiễm ở nơi sản xuất và môi trường chung quanh. Không sử dụng công nghệ biến đổi gen, phóng xạ và công nghệ khác có hại cho sản xuất hữu cơ. Đối xử với động vật, thực vật một cách có trách nhiệm và nâng cao sức khỏe tự nhiên của chúng. Sản phẩm hữu cơ phải được bên thứ ba chứng nhận theo tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) về nông nghiệp hữu cơ hoặc tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài được áp dụng trong sản xuất sản phẩm hữu cơ.

Sản phẩm hữu cơ phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng, gồm: Công bố tên, số hiệu tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ áp dụng và các yêu cầu khác theo quy định pháp luật. Đối với mỹ phẩm hữu cơ ngoài các nội dung này phải công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

Việc ghi nhãn thực hiện theo quy định về nhãn hàng hóa và quy định ghi nhãn thực phẩm, nhãn dược liệu, nhãn mỹ phẩm, nhãn thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản và các quy định sau đây: Việc sử dụng cụm từ “100% hữu cơ”, “hữu cơ” hoặc “sản xuất từ thành phần hữu cơ” kèm theo tỷ lệ các thành phần cấu tạo trên nhãn sản phẩm hữu cơ theo quy định tại tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ; Sản phẩm hữu cơ sản xuất tại Việt Nam phải ghi rõ mã số giấy chứng nhận, ngày cấp, tên đầy đủ hoặc tên viết tắt, mã số của tổ chức chứng nhận. Sản phẩm hữu cơ nhập khẩu có nhãn không đáp ứng đầy đủ quy định thì phải có nhãn phụ theo quy định. Khuyến khích sử dụng mã số, mã vạch, gắn “Nhãn xanh Việt Nam”, nhãn sinh thái trên nhãn sản phẩm hữu cơ theo quy định pháp luật.

Sản phẩm “100% hữu cơ” và sản phẩm “hữu cơ” có ít nhất 95% thành phần hữu cơ được chứng nhận phù hợp TCVN về nông nghiệp hữu cơ được mang lô gô sản phẩm hữu cơ Việt Nam. Lô gô của cơ sở được sử dụng đồng thời với lô gô hữu cơ Việt Nam.  Sau khi được chứng nhận sản phẩm hữu cơ, thì cơ sở có quyền in mẫu lô gô theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gắn trên bao bì sản phẩm và chịu trách nhiệm về việc sử dụng lô gô theo quy định của pháp luật.

Để bảo đảm cho việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng, cơ sở phải ghi chép, lưu giữ hồ sơ, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm tại từng công đoạn sản xuất, kinh doanh theo hướng dẫn tại TCVN về nông nghiệp hữu cơ. Cơ sở thực hiện truy xuất nguồn gốc trong các trường hợp sau: Khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu; khi cơ sở phát hiện sản phẩm hữu cơ do mình sản xuất, kinh doanh không phù hợp tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; ghi nhãn, lô gô không đúng quy định; quá hạn sử dụng hoặc hư hỏng (gọi chung là sản phẩm không đảm bảo chất lượng).

Sản phẩm hữu cơ phải thu hồi trong các trường hợp sau đây: Ghi nhãn, lô gô không đúng quy định; hết thời hạn sử dụng mà vẫn bán trên thị trường; không phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; bị hư hỏng trong quá trình bảo quản, vận chuyển, kinh doanh; có chất cấm sử dụng hoặc xuất hiện tác nhân gây ô nhiễm vượt mức giới hạn quy định; sản phẩm nhập khẩu bị cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu, nước khác hoặc tổ chức quốc tế thông báo có chứa tác nhân gây ô nhiễm gây hại đến sức khoẻ, tính mạng con người.

Sản phẩm hữu cơ bị thu hồi được xử lý bằng các hình thức: Khắc phục lỗi ghi nhãn, lỗi lô gô (do in ấn sai); trường hợp ghi nhãn, lô gô chưa đúng quy định và có các vi phạm khác thì lô sản phẩm bị xử lý theo quy định tương ứng sau đây. Chuyển mục đích sử dụng đối với lô sản phẩm hết hạn sử dụng hoặc không phù hợp với mục đích sử dụng ban đầu hoặc tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ nhưng không gây mất an toàn đối với sức khỏe, môi trường. Tiêu hủy lô sản phẩm bị hư hỏng; không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc có chứa chất không được phép sử dụng hoặc tác nhân gây mất an toàn đối với sức khỏe, môi trường vượt quy định, quy chuẩn kỹ thuật. Tái xuất đối với lô sản phẩm hữu cơ nhập khẩu không phù hợp tiêu chuẩn hữu cơ hoặc quy định, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam hoặc hết hạn sử dụng.

Cơ sở khi phát hiện sản phẩm hữu cơ không đảm bảo chất lượng phải có trách nhiệm xác định, thông báo lô sản phẩm không đảm bảo chất lượng; yêu cầu các đại lý kinh doanh sản phẩm dừng phân phối lưu thông, báo cáo số lượng của lô sản phẩm không đảm bảo chất lượng, tồn kho thực tế và đang lưu thông trên thị trường; tổng hợp, báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền về kế hoạch thu hồi và hình thức xử lý sản phẩm bị thu hồi; thực hiện thu hồi và xử lý sản phẩm bị thu hồi trong thời hạn do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định.

 

nguyễn thị đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.896.027
Lượt truy cập hiện tại 3.542