Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
TIẾP NHẬN, PHÂN LOẠI KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI
Ngày cập nhật 15/09/2017

Ngày 25 tháng 7 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2017/QĐ-TTg về Quy chế tiếp nhận, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri do Quốc hội chuyển đến. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017.

Theo đó, Quy chế quy định về tiếp nhận, phân loại kiến nghị của cử tri như sau:

1. Trách nhiệm của Văn phòng Chính phủ

 Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm tiếp nhận, phân loại kiến nghị do Ban Dân nguyện gửi đến có nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời cử tri; giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện.

 Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản do Ban Dân nguyện chuyển kiến nghị, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm phân loại kiến nghị, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, cơ quan, địa phương tiếp nhận, giải quyết, trả lời cử tri.

 Đối với các kiến nghị có nội dung chưa rõ ràng, trùng lặp, Văn phòng Chính phủ phối hợp với Ban Dân nguyện, các bộ, cơ quan, địa phương liên quan làm rõ nội dung, phân loại, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, cơ quan, địa phương giải quyết, trả lời cử tri.

Đối với các kiến nghị có nội dung đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương giải quyết, trả lời theo đúng quy định của pháp luật từ các kỳ họp Quốc hội trước, Văn phòng Chính phủ ban hành văn bản thông báo đến Ban Dân nguyện, Đoàn Đại biểu Quốc hội nơi có kiến nghị biết, trả lời cử tri.

2. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ở trung ương

 Các bộ, cơ quan ở trung ương có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị do Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ chuyển đến phân loại theo từng lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan để giao các đơn vị thuộc bộ, cơ quan xử lý.

 Đối với các kiến nghị của cử tri do Ban Dân nguyện, Văn phòng Chính phủ chuyển đến các bộ, cơ quan nếu nội dung chưa rõ ràng, trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị, các bộ, cơ quan có trách nhiệm phối hợp với Ban Dân nguyên, Văn phòng Chính phủ để làm rõ nội dung kiến nghị.

 Đối với kiến nghị đã được bộ, cơ quan tiếp nhận, giải quyết, trả lời theo đúng quy định của pháp luật ở các kỳ họp Quốc hội trước nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị thì bộ, cơ quan rà soát, tổng hợp và trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị phải thông báo bằng văn bản và gửi kèm theo văn bản đã thông báo kết quả giải quyết, trả lời trước đó đến Ban Dân nguyện, Văn phòng Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có cử tri kiến nghị và các cơ quan liên quan biết, trả lời cử tri.

 Trường hợp nội dung các kiến nghị do Ban Dân nguyện hoặc Văn phòng Chính phủ chuyển đến có nội dung không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết, trả lời của bộ, cơ quan thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, bộ, cơ quan phải chuyển lại Ban Dân nguyện hoặc Văn phòng Chính phủ để điều chỉnh, chuyển đến bộ, cơ quan khác có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Đối với các kiến nghị do Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ chuyển đến có cùng nội dung, các bộ, cơ quan giải quyết, trả lời cử tri bằng một văn bản đồng thời gửi đến Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ để theo dõi, tổng hợp.

3. Trách nhiệm của các địa phương

 Trong thời gian các Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tổ chức tiếp xúc cử tri tại địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm cử đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan và Thường trực Hội đồng nhân dân, lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã nơi tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri tham gia Hội nghị để kịp thời nắm bắt tình hình, trực tiếp giải quyết, trả lời các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc tiếp nhận để chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp, giải quyết, trả lời cử tri.

 Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Đoàn Đại biểu Quốc hội, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện nhiệm vụ tập hợp, tổng hợp, phân loại kiến nghị đầy đủ, chính xác, rõ ràng và đúng thẩm quyền giải quyết trước khi Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi đến Ban Dân nguyện hoặc chuyển đến các cơ quan ở địa phương để giải quyết, trả lời cử tri.

 Đối với kiến nghị có nội dung chưa rõ ràng, kiến nghị có nhiều nội dung thuộc các lĩnh vực khác nhau, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp làm rõ, chia tách nội dung, trước khi Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị đến Ban Dân nguyện để tổng hợp hoặc chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của địa phương để giải quyết, trả lời theo quy định.

 Đối với kiến nghị có nội dung trùng lặp với các kiến nghị đã được giải quyết xong hoặc đã được giải trình, thông tin lại với cử tri từ các kỳ họp trước theo quy định, Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm phối hợp với Đoàn Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp loại ra khỏi nội dung trước khi Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi Ban Dân nguyện để tổng hợp hoặc chuyển đến cơ quan, đơn vị có thẩm quyền của địa phương để giải quyết, trả lời theo quy định và trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày loại bỏ kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản thông báo cho cử tri và các cơ quan liên quan biết, đồng thời văn bản thông báo phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có cử tri kiến nghị.

 Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm tiếp nhận kiến nghị do Văn phòng Chính phủ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố chuyển đến; phân loại theo từng ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước ở địa phương và phân công cho các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời theo quy định.

 Đối với các kiến nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội gửi đến các cơ quan ở địa phương nhưng thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan trung ương, trong thời hạn 5 ngày làm việc, các cơ quan ở địa phương tổng hợp chuyển lại Đoàn Đại biểu Quốc hội để tổng hợp, phân loại chuyển đến Ban Dân nguyện theo quy định.

 Đối với các kiến nghị do Đoàn Đại biểu Quốc hội chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết ở địa phương những nội dung không rõ ràng hoặc không thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết, trả lời của các cơ quan, đơn vị ở địa phương thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị, cơ quan phải nêu rõ lý do, gửi lại Đoàn Đại biểu Quốc hội để chuyển đến các cơ quan, đơn vị khác giải quyết.

 Đối với các kiến nghị do Văn phòng Chính phủ chuyển trực tiếp đến địa phương để giải quyết, trả lời theo thẩm quyền có nội dung chưa rõ ràng; trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kiến nghị, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan ở trung ương để làm rõ nội dung kiến nghị.

Ngọc Hiền
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.400.554
Lượt truy cập hiện tại 3.885