Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Luật Quản lý ngoại thương năm 2017
Ngày cập nhật 15/09/2017

Ngày 12 tháng 6 năm 2017, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Quản lý ngoại thương với 8 Chương 113 Điều quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Theo đó, Luật quy định: Nhà nước quản lý ngoại thương theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc thực hiện phải bảo đảm minh bạch, công khai, bình đẳng, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, thương nhân thuộc các thành phần kinh tế; thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu, gắn với quản lý nhập khẩu. Bảo đảm thực hiện đầy đủ các nguyên tắc đối xử tối huệ quốc, đối xử quốc gia trong hoạt động ngoại thương theo pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Luật nghiêm cấm hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về quản lý ngoại thương, cản trở hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu hợp pháp, xâm phạm quyền tự do kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu của thương nhân; áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương không đúng thẩm quyền, không đúng trình tự, thủ tục; tiết lộ thông tin bảo mật của thương nhân trái pháp luật; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa bị cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, theo điều kiện mà không có giấy phép, không đáp ứng đủ điều kiện; hàng hóa không đi qua đúng cửa khẩu quy định; hàng hóa không làm thủ tục hải quan hoặc có gian lận về số lượng, khối lượng, chủng loại, xuất xứ hàng hóa khi làm thủ tục hải quan; hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có tem nhưng không dán tem; xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa mà vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 5 của Luật này; gian lận, làm giả giấy tờ liên quan đến hoạt động quản lý ngoại thương.

Với 100 điều, từ Điều 8 đến Điều 107, Luật quy định các biện pháp quản lý nhà nước trong hoạt động ngoại thương bao gồm các biện pháp hành chính; các biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch; Biện pháp về phòng vệ thương mại; Biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong hoạt động ngoại thương...

Cụ thể, về biện pháp hành chính, Luật quy định: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Áp dụng biện pháp cấm nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây: Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng; Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục; gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Ngoài ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quyết định các biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu; biện pháp hạn chế xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu; biện pháp hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu; Biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu; biện pháp chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu; biện pháp chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu; biện pháp quản lý theo giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; quản lý theo điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu; biện pháp chứng nhận xuất xứ hàng hóa; biện pháp chứng nhận lưu hành tự do và các biện pháp ngoại thương khác ...

Đối với biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch Luật quy định: Áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch nhằm đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa; bảo vệ an toàn sức khỏe con người; bảo vệ động vật, thực vật, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học; phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an ninh, lợi ích quốc gia.

Việc áp dụng biện pháp kỹ thuật, kiểm dịch phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây: Công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và tránh tạo ra rào cản không cần thiết đối với hoạt động ngoại thương, nhất là đối với hàng hóa xuất khẩu; Áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong điều kiện cho phép, bảo đảm yêu cầu quản lý và phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Bảo đảm các nguyên tắc khác theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thực phẩm, đo lường, bảo vệ và kiểm dịch thực vật, thú y, phòng, chống bệnh truyền nhiễm....

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định các biện pháp phát triển thương mại và cơ chế giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đó, nhà nước có chính sách phát triển hoạt động ngoại thương thông qua các biện pháp sau: Hoạt động tín dụng do Chính phủ quy định phù hợp với điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; xúc tiến thương mại nhằm thúc đẩy hoạt động ngoại thương bao gồm hỗ trợ xây dựng, bảo vệ, phát triển, quảng bá thương hiệu sản phẩm trong nước ra thị trường nước ngoài; thiết lập và cung cấp hệ thống thông tin xúc tiến thương mại; kết nối giao thương giữa các thương nhân nhằm thúc đẩy xuất khẩu, nhập khẩu có hiệu quả để phục vụ sản xuất trong nước hoặc gia công xuất khẩu; Các biện pháp khác nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu, nhập khẩu...

Đặc biệt, Nhà nước có chính sách phát triển hoạt động ngoại thương đối với sản phẩm có lợi thế cạnh tranh mà trong nước sản xuất được, sản phẩm công nghệ và nguyên liệu đầu vào cần thiết phục vụ sản xuất trong nước; có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tại địa bàn miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn tham gia hoạt động ngoại thương.

Về giải quyết tranh chấp, Luật quy định: Chỉ tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương liên quan đến quan hệ giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm quyền và lợi ích của Việt Nam được bảo vệ kịp thời, hợp lý giữa các bên tham gia tranh chấp; các tranh chấp về ngoại thương giữa thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài do các thương nhân giải quyết theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ trong việc tham gia giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.

Luật Quản lý ngoại thương sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01tháng 01 năm 2018. Trong thời gian chuyển tiếp, các vụ việc phòng vệ thương mại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ khiếu nại, điều tra trước ngày Luật này có hiệu lực thì được tiếp tục xem xét, giải quyết theo quy định của Pháp lệnh Tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam số 42/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh Chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 20/2004/PL-UBTVQH11, Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam số 22/2004/PL-UBTVQH11.

Ngô Quang
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.634.788
Lượt truy cập hiện tại 2.827