Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NĂM 2017
Ngày cập nhật 15/09/2017

Luật Trợ giúp pháp lý số 11/2017/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2017 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2017). Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, thay thế Luật Trợ giúp pháp lý số 69/2006/QH11 (gọi tắt là Luật năm 2006).

So với Luật năm 2006, Luật năm 2017 có những điểm mới cơ bản sau:

- Luật năm 2017 mở rộng đối tượng được trợ giúp pháp lý gồm 7 nhóm đối tượng: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; trẻ em; người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người thuộc một trong các trường hợp sau đây có khó khăn về tài chính: Cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ, người nhiễm chất độc da cam, người cao tuổi, người khuyết tật, người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự, nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình, nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, chống mua bán người, người nhiễm HIV. Luật năm 2006 quy định 4 nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nghèo; người có công với cách mạng; người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa; người dân tộc thiểu số thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Về người thực hiện trợ giúp pháp lý: So với Luật năm 2016, Luật năm 2017 quy định chặt chẽ hơn về luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý và nâng cao điều kiện thực hiện trợ giúp pháp lý của tư vấn viên pháp luật. Người thực hiện trợ giúp pháp lý gồm: Trợ giúp viên pháp lý; luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo hợp đồng với Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý theo phân công của tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Tư vấn viên pháp luật có 02 năm kinh nghiệm tư vấn pháp luật trở lên làm việc tại tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý; Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

- Tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý: Ngoài các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, sức khỏe, trình độ tương tự như Luật năm 2006; về nghiệp vụ, Luật năm 2007 yêu cầu Trợ giúp viên pháp lý phải đã qua đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý (Luật năm 2006 yêu cầu có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý; có thời gian làm công tác pháp luật từ hai năm trở lên).

- Về Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước: Luật năm 2017 quy định chặt chẽ về điều kiện thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước. Theo đó, Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, được thành lập tại các huyện ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông không thuận tiện đến Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và chưa có tổ chức hành nghề luật sư hoặc tổ chức tư vấn pháp luật tham gia trợ giúp pháp lý. Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của Chi nhánh. Căn cứ nhu cầu và điều kiện thực tế tại địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày 01/01/2018, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát các Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước đã được thành lập tại địa phương và căn cứ vào nhu cầu trợ giúp pháp lý, nguồn lực thực hiện trợ giúp pháp lý và hiệu quả hoạt động báo cáo Bộ Tư pháp để thống nhất việc duy trì, sáp nhập hoặc giải thể Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.

- Về các hình thức trợ giúp pháp lý: Luật 2017 quy định 3 hình thức trợ giúp pháp lý là tham gia tố tụng; tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng; không quy định “các hình thức trợ giúp pháp lý khác” như Luật năm 2006.

Nguyễn Thị Đào
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.900.829
Lượt truy cập hiện tại 5.755