Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
20 tình huống giải đáp pháp luật về Tài nguyên và Môi trường
Ngày cập nhật 06/01/2022

  Tình huống 1.  Doanh nghiệp A được Nhà nước giao 10 héc ta đất với mục đích nuôi trồng thủy sản ở tại xã X. Tuy nhiên, trong quá trình nuôi trồng thủy sản, doanh nghiệp A đã tự ý xây dựng nhà nghỉ cho cho người lao động và xây dựng kho với diện tích 0,6 héc ta trong diện tích 10 héc ta đất được nhà nước giao để nuôi trồng thuỷ sản mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Hành vi vi phạm của doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

          Khoản 2, khoản 4 Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định việc sử dụng đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, không phải là đất rừng phòng hộ, không phải là đất rừng đặc dụng, không phải là đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm b và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai như sau:

- Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

c) Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 03 héc ta trở lên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp nêu trên;

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, với hành vi tự ý xây dựng nhà nghỉ cho người lao động và xây dựng kho với diện tích 0,6 héc ta trong diện tích 10 héc ta đất được nhà nước giao để nuôi trồng thuỷ sản mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ  60.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp A buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Tình huống 2. Hợp tác xã A được nhà nước giao 30 ha đất để thực hiện hoạt động sản xuất, tuy nhiên, Hợp tác xã A đã lấn chiếm 1 héc ta đất chưa sử dụng thuộc quyền quản lý của gia đình ông M để xây dựng kho chứa phân bón. Với hành vi lấn chiếm 1 héc ta đất chưa sử dụng của gia đình ông M quản lý để xây dựng kho chứa phân bón thì Hợp tác xã A bị xử phạt về hành vi hành chính này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 7 Điều 14 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn như sau:

- Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng tại khu vực nông thôn thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với diện tích đất lấn, chiếm từ 01 héc ta trở lên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm nêu trên và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c nêu trên;

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, với hành vi lấn chiếm đất chưa sử dụng của gia đình ông M để xây dựng kho chứa phân bón thì Hợp tác xã A bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Ngoài ra, Hợp tác xã A buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm cho xã M.

Tình huống 3. Hợp tác xã B được nhà nước giao 20 héc ta đất để trồng cây thuốc. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng đất, hợp tác xã sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật dẫn đến việc làm suy giảm chất lượng 03 héc ta đất. Hành vi vi phạm của Hợp tác xã B xẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi hủy hoại đất như sau:

- Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.”

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, với hành vi làm suy giảm chất lượng 03 héc ta đất của Hợp tác xã B bị phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng. Ngoài ra, Hợp tác xã B buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp Hợp tác xã B không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.

Tình huống 4. Ông A có 200 m2  đất ở cách kho hàng của doanh nghiệp N 20 m. Trong 06 tháng thực hiện sản xuất vải, doanh nghiệp N đã lén đổ các chất thải lên 200 m2  đất ở của ông A, khi ông A đưa thợ đến để thực hiện khởi công xây dựng nhà ở thì phát hiện và trình báo cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì các chất thải quá nhiều làm ông không thể khởi công xây dựng nhà ở được. Với hành vi lén đổ các chất thải lên đất của ông A, doanh nghiệp N sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi này như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 16 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với trường hợp đưa chất thải, chất độc hại lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp đào bới, xây tường, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 nêu trên.

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, với hành vi lén đổ các chất thải lên 200 m2 đất ở của ông A làm cho ông A không thể khởi công xây dựng nhà ở được thì doanh nghiệp N bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp N buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất cho ông A như trước khi vi phạm.

Tình huống 5. Năm 2019, doanh nghiệp A được nhà nước cho thuê 20 héc ta đất trong vòng 30 năm theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp. Tuy nhiên, đầu năm 2020, doanh nghiệp A đã tự ý cho doanh nghiệp B thuê lại 05 héc ta đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần. Với hành vi tự ý cho doanh nghiệp B thuê lại 05 héc ta đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4 Điều 20 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với người sử dụng đất được nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm để đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, để cho thuê lại đất, nhưng đã cho thuê lại đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần kể từ ngày Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực như sau:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với trường hợp diện tích đất vi phạm dưới 0,5 héc ta.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta.

3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta đến dưới 5 héc ta.

4. Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với trường hợp diện tích đất vi phạm từ 5 héc ta trở lên.

Như vậy, căn cứ theo quy định viện dẫn như trên, với hành vi tự ý cho doanh nghiệp B thuê lại 05 héc ta đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp A bị xử phạt từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

Tình huống 6. Doanh nghiệp A là chủ đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở Thượng Hạng tại thành phố H. Tháng 11/2021, Doanh nghiệp A đã thực hiện chuyển nhượng 01 héc ta đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án Thượng Hạng khi chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án này. Với hành vi chuyển nhượng 01 héc ta đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án Thượng Hạng khi chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, 4 Điều 21 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở như sau:

- Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê không đủ một trong các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hoặc đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 41 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP nhưng chưa được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

d) Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng đối với diện tích đất đã chuyển nhượng từ 03 héc ta trở lên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc làm thủ tục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai;

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi chuyển nhượng 01 héc ta đất dưới hình thức phân lô bán, bán nền trong dự án Thượng Hạng khi chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án này, doanh nghiệp A bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp A buộc làm thủ tục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép phân lô, bán nền đối với trường hợp chưa có văn bản cho phép của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 194 của Luật đất đai và hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến dự án này.

Tình huống 7. Doanh nghiệp A nhận chuyển nhượng 30 héc ta quyền sử dụng đất và toàn bộ dự án đầu tư trên đất của doanh nghiệp B. Tuy nhiên, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp A không phù hợp với mục đích sử dụng đất, mục tiêu của dự án đầu tư của doanh nghiệp B. Với hành vi này, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, khoản 4 Điều 22 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 42a của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 26 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà người nhận chuyển nhượng không có ngành nghề kinh doanh phù hợp với mục đích sử dụng đất, mục tiêu của dự án đầu tư; không thực hiện ký quỹ theo quy định của pháp luật về đầu tư; không có đủ năng lực tài chính theo quy định tại khoản 2 Điều 14 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuế đất để thực hiện dự án đầu tư khác.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc bên nhận chuyển nhượng trả lại diện tích đất đã nhận chuyển nhượng do thực hiện hành vi vi phạm quy định nêu trên. Việc hoàn trả tiền chuyển nhượng giữa các bên thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi nhận chuyển nhượng 30 héc ta quyền sử dụng đất và toàn bộ dự án đầu tư trên đất của doanh nghiệp B nhưng ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp A không phù hợp với mục đích sử dụng đất, mục tiêu của dự án đầu tư của doanh nghiệp B thì doanh nghiệp A bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000. Ngoài ra, doanh nghiệp A trả lại 30 héc ta đất đã nhận chuyển nhượng. Việc hoàn trả tiền chuyển nhượng giữa 02 bên thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Tình huống 8. Mặc dù không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư X  nhưng doanh nghiệp A vẫn cố tình nhận chuyển nhượng toàn bộ tài sản gắn liền với đất của doanh nghiệp B thuộc dự án X, được biết toàn bộ diện tích chuyển nhượng này được nhà nước cho doanh nghiệp B thuê theo hình thức thu tiền thuê đất hàng năm. Với hành vi này, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 23 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi bán, mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 189 của Luật đất đai như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp mua tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm khi người mua tài sản gắn liền với đất thuê có ngành nghề kinh doanh không phù hợp dự án đầu tư hoặc không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu tư hoặc vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án trước đó.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp quy định nêu trên; việc giải quyết quyền lợi của các bên liên quan đến chấm dứt hợp đồng mua, bán tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự;

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi cố tình nhận chuyển nhượng toàn bộ tài sản gắn liền với đất của doanh nghiệp B thuộc dự án X nhưng không đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án đầu X, doanh nghiệp A bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc chấm dứt hợp đồng mua, bán tài sản gắn liền với đất, việc giải quyết quyền lợi của các bên liên quan đến chấm dứt hợp đồng mua, bán tài sản thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự.

Tình huống 9. Doanh nghiệp A là chủ đầu tư dự án C được nhà nước giao đất theo hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm. Doanh nghiệp A đã cho doanh nghiệp B thuê toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất trong sự án C của doanh nghiệp A. Tuy nhiên, tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất này đang có tranh chấp. Với hành vi này, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, khoản 3 Điều 24 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 38a của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 24 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP như sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp thiếu một trong các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc chấm dứt hợp đồng thuê tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;

          Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 nêu trên.

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Khoản 24 Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06 tháng 01 năm 2017  của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai quy định việc cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê, đất thuê lại trả tiền thuê đất hàng năm như sau:

- Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm; thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề trả tiền thuê đất hàng năm và đã được cấp Giấy chứng nhận thì được cho thuê tài sản gắn liền với đất đã được tạo lập hợp pháp theo quy định của pháp luật nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. Người thuê tài sản phải sử dụng tài sản trên đất theo mục đích đã được xác định trong quyết định cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc trong hợp đồng thuê đất, thuê lại đất đã ký.

- Tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính thuê đất của Nhà nước trả tiền thuê hàng năm; thuê đất, thuê lại đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, làng nghề trả tiền thuê đất, thuê lại đất hàng năm và đã được cấp Giấy chứng nhận thì được cho thuê tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Người thuê tài sản gắn liền với đất phải sử dụng đất đúng mục đích.

                Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản quy định về điều kiện của bất động sản đưa vào kinh doanh như sau:

- Nhà, công trình xây dựng đưa vào kinh doanh phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có đăng ký quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất trong giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất. Đối với nhà, công trình xây dựng có sẵn trong dự án đầu tư kinh doanh bất động sản thì chỉ cần có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất;

c) Không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

- Các loại đất được phép kinh doanh quyền sử dụng đất phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

b) Không có tranh chấp về quyền sử dụng đất;

c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

d) Trong thời hạn sử dụng đất.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi cho doanh nghiệp B thuê toàn bộ tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất trong sự án C trong khi tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất này đang có tranh chấp, doanh nghiệp A bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp A buộc phải chấm dứt hợp đồng thuê tài sản gắn liền với đất và nộp lại số tiền cho thuê bất hợp pháp này.

Tình huống 10. Doanh nghiệp A nhận chuyển nhượng 1000 m2  đất trồng lúa của ông T để nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên, 1000 m2 đất trồng lúa này không thuộc trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Với hành vi này, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 4, 5 Điều 26 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất có điều kiện mà không đủ điều kiện quy định tại các Điều 191 và Điều 192 của Luật đất đai như sau:

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân; trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc trả lại diện tích đất đã nhận chuyển quyền do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4 nêu trên.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp A bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp A buộc trả lại 1000 m đất đã nhận chuyển nhượng cho ông T.

Tình huống 11. Doanh nghiệp A nhận chuyển nhượng 0,5 héc ta đất trồng cây lâu năm của ông H để thực hiện dự án sản xuất vật liệu xây dựng, tuy nhiên, 0,5 héc ta đất này chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và mục đích sử dụng 0,5 héc ta đất này để sản xuất vật liệu xây dựng không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Với hành vi này, doanh nghiệp A sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1, 2, 4 Điều 28 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 193 của Luật đất đai như sau:

- Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc mục đích sử dụng đất của dự án đối với diện tích nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm dưới 0,1 héc ta;

b) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

d) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 01 héc ta đến dưới 03 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng nếu diện tích đất vi phạm từ 03 héc ta trở lên.

- Trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp khi chưa đủ cả 02 điều kiện quy định nêu trên thì hình thức và mức xử phạt được áp dụng bằng 1,5 lần mức phạt quy định nêu trên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc trả lại đất đối với trường hợp đã nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, trong trường hợp này, doanh nghiệp A sẽ bị phạt tiền từ 45.000.000 đồng đến 90.000.000 đồng. Ngoài tra, doanh nghiệp A buộc trả lại 0,5 héc ta đất cho ông H.

Tình huống 12. Ngày 01/02/2021, doanh nghiệp A là doanh nghiệp thực hiện dự án kinh doanh bất động sản đã bán cho 30 cá nhân 30 căn hộ với diện tích 60 m2 / 01 căn hộ tại khu nhà ở cao cấp thuộc phường H, huyện N, tỉnh M. Đến ngày 01/3/2021, doanh nghiệp A đã thực hiện bàn giao nhà cho 30 cá nhân, 30 cá nhân này đã thanh toán đầy đủ tiền cho doanh nghiệp A. Tuy nhiên, đến ngày 01/12/2021, doanh nghiệp A vẫn không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho 30 cá nhân này. Với hành vi này, doanh nghiệp A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, 5, 7 Điều 31 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản như sau:

Tổ chức thực hiện dự án kinh doanh bất động sản không nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của Luật Nhà ở và khoản 4 Điều 13 của Luật kinh doanh bất động sản thì hình thức và mức xử phạt tương ứng với thời gian và mức độ vi phạm như sau:

- Từ trên 06 tháng đến 09 tháng:

a) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm dưới 30 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

b) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 30 đến dưới 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất;

c) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với trường hợp vi phạm từ 100 căn hộ, công trình xây dựng, thửa đất trở lên.

- Thời gian vi phạm quy định nêu trên được tính từ ngày chủ đầu tư bàn giao nhà ở, công trình xây dựng, đất cho người mua hoặc kể từ thời điểm bên thuê mua đã thanh toán đủ tiền theo thỏa thuận đến thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, người nhận chuyển quyền sử dụng đất tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp A bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp A buộc phải nộp hồ sơ hoặc cung cấp đầy đủ giấy tờ cho 30 cá nhân tự nộp hồ sơ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận theo quy định pháp luật.

Tình huống 13. Hợp tác xã A được giao 03 héc ta đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm, tuy nhiên, sau 12 tháng hợp tác xã A không thực hiện việc trồng cây hàng năm mà không thuộc trường hợp bất khả kháng theo quy định pháp luật. Với hành vi này, Hợp tác xã A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 32 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi Không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục như sau:

1. Hành vi không sử dụng đất trồng cây hàng năm trong thời hạn 12 tháng liên tục, đất trồng cây lâu năm trong thời hạn 18 tháng liên tục, đất trồng rừng trong thời hạn 24 tháng liên tục mà không thuộc trường hợp bất khả kháng quy định tại Điều 15 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 0,5 héc ta đến dưới 03 héc ta;

c) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 03 héc ta đến dưới 10 héc ta;

d) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất không sử dụng từ 10 héc ta trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; trường hợp đã bị xử phạt mà không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai.

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, Hợp tác xã A bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, buộc Hợp tác xã A sử dụng đất theo mục đích được Nhà nước giao.

Tình huống 14. Doanh nghiệp A được Nhà nước giao 0,5 héc ta đất để thực hiện sản xuất, kinh doanh vào tháng 12/2013, tuy nhiên, đến tháng 10/2020, 0,5 héc ta đất này thuộc trường hợp phải làm các hồ sơ, thủ tục chuyển sang thuê đất nhưng doanh nghiệp A vẫn chưa thực hiện. Với hành vi này, doanh nghiệp A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Điều 33 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi không làm thủ tục chuyển sang thuê đất đối với trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 60 của Luật đất đai như sau:

1. Người đang sử dụng đất được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà nay thuộc trường hợp phải thuê đất theo quy định của Luật đất đai nhưng chưa nộp hồ sơ để làm thủ tục chuyển sang thuê đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê dưới 0,1 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất phải chuyển sang thuê từ 05 héc ta trở lên.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc làm thủ tục chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp A bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp A buộc phải làm thủ tục chuyển sang thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tình huống 15. Trong quá trình tổ chức thi công công trình xây dựng, doanh nghiệp A đã làm hư hỏng các cột mốc chỉ giới sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước cắm mốc, dẫn đến sự tranh chấp về mốc chỉ giới sử dụng đất giữa doanh nghiệp A và các hộ dân liền kề. Với hành vi làm hư hỏng các cột mốc chỉ giới sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước cắm mốc, doanh nghiệp A bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, 3 Điều 34 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về quản lý chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính như sau:

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp làm hư hỏng mốc địa giới hành chính, mốc chỉ giới sử dụng đất.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của chỉ giới sử dụng đất, mốc địa giới hành chính đối với hành vi quy định nêu trên.

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, doanh nghiệp A bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp A buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của mốc chỉ giới sử dụng đất.

Tình huống 16. Hộ gia đình ông A sử dụng 2000 m2 đất nông nghiệp để trồng cây hàng năm tại xã S, huyện H. Vì thấy Hợp tác xã B đang cần 2000 m2 đất nông nghiệp để trồng thử nghiệm cây thuốc nam nên Ông A đã góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Hợp tác xã B. Trong quá trình thực hiện các thủ tục góp vốn, Hợp tác xã B đã cố tình sửa chữa nội dung giấy tờ, chứng từ trong góp vốn bằng quyền sử dụng đất dẫn đến việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất của ông A bị làm sai lệch. Với hành vi này, Hợp tác xã B bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2, 4, 5 Điều 35 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất như sau:

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với trường hợp khai báo không trung thực việc sử dụng đất hoặc tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, chứng từ trong việc sử dụng đất dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận và việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất bị sai lệch mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong các trường hợp quy định nêu trên.

- Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp Giấy chứng nhận đã cấp và thực hiện lại thủ tục hành chính về đất đai theo quy định đối với các trường hợp quy định nêu trên.

Điểm a, b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định áp dụng mức phạt tiền như sau:

a) Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b dưới đây; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP áp dụng đối với các tổ chức.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, Hợp tác xã B bị phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Ngoài ra, Hợp tác xã B còn bị tịch thu các giấy tờ đã bị sửa chữa  và nộp Giấy chứng nhận đã cấp và thực hiện lại thủ tục hành chính về đất đai theo quy định.

Tình huống 17. Công ty cổ phần A được nhà nước cho thuê 4 héc ta đất theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm để thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng khu thương mại, dịch vụ tại huyện X, tỉnh Y. Tuy nhiên, Công ty cổ phần A cho doanh nghiệp tư nhân B thuê lại 02 héc ta đất theo hình thức trả tiền thuê đất một lần và bị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Y xử phạt 80.000.000 đồng. Công ty cổ phần A muốn biết với hành vi này, thẩm quyền lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính là thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh X có đúng không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 3 Điều 38 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp trong việc xử phạt vi phạm hành chính như sau:

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền:

a) Phạt cảnh cáo;

b) Phạt tiền đến 500.000.000 đồng;

c) Tịch thu các giấy tờ đã bị tẩy xóa, sửa chữa, làm sai lệch nội dung; giấy tờ giả đã sử dụng trong việc sử dụng đất;

d) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động dịch vụ tư vấn trong lĩnh vực đất đai có thời hạn;

đ) Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi vi phạm như trên của Công ty cổ phần A thì Ủy ban nhân dân tỉnh Y xử phạt Công ty cổ phần A là đúng thẩm quyền.

Tình huống 18. Doanh nghiệp A có hành vi chiếm 0,5 héc ta đất rừng phòng hộ tại xã M, huyện N để thực hiện dự án sản xuất đồ gốm. Trong quá trình đi kiểm tra việc sử dụng đất tại xã M, anh Nguyễn Văn An là cán bộ phòng Tài nguyên và môi trường huyện N đã phát hiện hành vi lấn chiếm 0,5 héc ta đất rừng phòng hộ của doanh nghiệp A nên đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính. Doanh nghiệp A muốn biết anh Nguyễn Văn An có quyền lập biên bản vi phạm hành chính đối với hành vi này của doanh nghiệp A hay không?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 2 Điều 40 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính như sau:

- Người có thẩm quyền lập biên bản gồm:

Công chức, viên chức được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và hoạt động dịch vụ về đất đai.

Công chức kiểm lâm được giao nhiệm vụ thực hiện thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng rừng được lập biên bản- vi phạm hành chính đối với hành vi lấn, chiếm, sử dụng đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất vào mục đích khác. Công chức, viên chức Cảng vụ hàng không được giao nhiệm vụ thực hiện kiểm tra việc sử dụng đất cảng hàng không, sân bay dân dụng.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên, với hành vi vi phạm như của doanh nghiệp A thì anh Nguyễn Văn An lập biên bản vi phạm hành chính của doanh nghiệp A là đúng thẩm quyền.

Tình huống 19. Doanh nghiệp A đã thực hiện huyển nhượng 05 héc ta đất gắn với  một phần dự án đầu tư trên tổng số 50 héc ta đất được Nhà nước giao cho doanh nghiệp B, tuy nhiên, sau hơn 2 tháng nhận chuyển nhượng, doanh nghiệp B mới phát  hiện 05 héc ta đất này đang bị kê biên để bảo đảm thi hành án nên đã báo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp B muốn biết thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm hành chính của doanh nghiệp A là bao lâu?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là 02 năm.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên thì thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm của doanh nghiệp A là 02 năm.

Tình huống 20. Doanh nghiệp A đã bán toàn bộ tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà chưa hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Với hành vi này, doanh nghiệp A bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm này. Doanh nghiệp A muốn biết cách tính số lợi bất hợp pháp này được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: (Có tính chất tham khảo)

Khoản 6 Điều 7 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP quy định về việc xác định số lợi bất hợp pháp như sau:

Trường hợp bán tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 23 của Nghị định số 91/2019/NĐ-CP được xác định bằng giá trị khấu hao tài sản trong thời gian đã mua bán (tính theo giá trị của tài sản ghi trong hợp đồng mua bán đã ký). Thời hạn sử dụng của tài sản để tính khấu hao được xác định theo quy định của pháp luật đối với loại tài sản đã mua bán.

Như vậy, đối chiếu với quy định viện dẫn như trên thì số lợi bất hợp pháp trong trường hợp vi phạm này của doanh nghiệp A được xác định bằng giá trị khấu hao tài sản trong thời gian đã mua bán (tính theo giá trị của tài sản ghi trong hợp đồng mua bán đã ký) Thời hạn sử dụng của tài sản để tính khấu hao được xác định theo quy định của pháp luật đối với loại tài sản đã mua bán.

                                                                  Người thực hiện: Hồ Thị Ly

 

 

Tập tin đính kèm:
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.880.248
Lượt truy cập hiện tại 11.973