Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
GIỚI THIỆU MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 83/2010/NĐ-CP VỀ ĐĂNG KÝ GIAO DỊCH BẢO ĐẢM
Ngày cập nhật 29/11/2011

                        

I. Sự cần thiết ban hành Nghị định mới về đăng ký giao dịch bảo đảm
1. Những vướng mắc, bất cập của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP ngày 10/3/2000 về đăng ký giao dịch bảo đảm (gọi tắt Nghị định số 08/2000/NĐ-CP)
1.1. Nghị định số 08/2000/NĐ-CP được xây dựng trên cơ sở Bộ luật Dân sự 1995, do đó, một số nội dung của Nghị định này đã trở nên lạc hậu, bất cập và mâu thuẫn với một số quy định về đăng ký giao dịch bảo đảm( gọi tắt ĐKGDBĐ) của Bộ luật Dân sự 2005 và các văn bản pháp luật chuyên ngành.
Một số nội dung lạc hậu, bất cập và mâu thuẩn với các quy định khác như:
- Quy định về bảo lãnh, cầm cố, thế chấp trong Bộ luật Dân sự 2005 có nhiều thay đổi so Bộ luật Dân sự năm 1995, trong đó bảo lãnh không được coi là biện pháp bảo đảm bằng tài sản nên đối tượng ĐKGDBĐ cũng thay đổi;
- Quy trình về trình tự, thủ tục ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tàu bay, tàu biển được ban hành sau Nghị định 08/2000/NĐ-CP nên có nhiều thay đổi so với Nghị định này như:
+ Cơ quan ĐKGDBĐ;
+ Thủ tục hồ sơ ĐKGDBĐ;
+ Cơ chế phối hợp cung cấp thông tin;
+ Giá trị pháp lý của ĐKGDBĐ…
1.2. Một số quy định của Nghị định số 08/2000/NĐ-CP không còn phù hợp, cụ thể là:
- Nguyên tắc đăng ký dựa trên cơ sở “nội dung kê khai trong đơn” của Nghị định 08/2000/NĐ-CP phù hợp với hoạt động ĐKGDBĐ, nhưng không phù hợp với giao dịch bảo đảm liên quan đến bất động sản, tàu bay, tàu biển có một số điểm đặc thù;
- Quy định về thời hạn có hiệu lực của việc đăng ký “có giá trị trong 5 năm”của Nghị định 08/2000/NĐ-CP không phù hợp với pháp luật về  ĐKGDBĐ bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;
1.3. Nghị định số 08/2000/NĐ-CP chưa điều chỉnh kịp thời các yêu cầu nảy sinh trong thực tiễn đăng ký giao dịch bảo đảm như chưa ứng dụng công nghệ thông tin vào ĐKGDBĐ làm mất cơ hội, gây tốn kém cho các bên giao dịch.
2. Một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 08/2000/NĐ-CP
2.1. Về quy trình thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm
- Nhiều địa phương vẫn còn đăng ký quá hạn, không đúng quy trình hoặc từ chối đăng ký không có căn cứ theo quy định của pháp luật;
- Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia các giao dịch bảo đảm chưa được thiết lập.
2.2. Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm
- Còn buông lỏng trong công tác quản lý như chưa xác định cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước;
- Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực cán bộ chưa được chú trọng;
- Hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật chưa được thực hiện sâu rộng.
II. Tác động của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đối với hoạt động đăng ký giao dịch bảo đảm 
1. Bảo đảm tính thống nhất của pháp luật về ĐKGDBĐ
2. Thúc đẩy hoạt động phát triển thông qua việc thiết lập hành lang pháp lý thuận tiện, công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong giao dịch.
3. Xử lý những vướng mắc phát sinh trong hoạt động ĐKGDBĐ
4. Tạo cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện ĐKGDBĐ
5. Tăng cường hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về ĐKGDBĐ.
III. Những điểm mới cơ bản của Nghị định số 83/2010/NĐ-CP
1. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1)   
Nghị định quy định trình tự, thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm bằng tài sản; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan ĐKGDBĐ và QLNN về ĐKGDBĐ.
So với Nghị định số 08/2000/NĐ-CP thì Nghị định số 83/2010/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh rộng hơn bao gồm cả việc đăng ký, thế chấp, cầm cố, đặt cọc, ký cược, ký quỹ bằng tài sản. Bên cạnh đó, việc đăng ký biện pháp bảo lãnh bằng tài sản quy định tại Nghị định số 08/2000/NĐ-CP đã được đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định này vì không còn phù hợp với khái niệm bảo lãnh trong Bộ luật Dân sự năm 2005.
2. Về giải thích từ ngữ (Điều 2)
Nghị định 08/2000/NĐ-CP không có quy định về giải thích từ ngữ, nhưng tại Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã quy định cụ thể về vấn đề này.
3. Về đối tượng đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 3)
Nghị định tập hợp, liệt kê các trường hợp đăng ký bắt buộc: Thế chấp quyền sử dụng đất; Thế chấp rừng sản xuất là rừng trồng; Cầm cố tàu bay, thế chấp tàu bay; Thế chấp tàu biển; Các trường hợp khác, nếu pháp luật có quy định.
Lượt bỏ trường hợp “thế chấp một tài sản để bảo đảm thực hiện nhiều nghĩa vụ”phải ĐKGDBĐ được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP.
4. Thời hạn có hiệu lực của đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 6)
Được tính từ thời điểm đăng ký cho đến thời điểm xóa đăng ký theo đơn của người yêu cầu xóa đăng ký.
5. Thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 7)
Trong trường hợp tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm cơ quan đăng ký nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ;
Trong trường hợp tài sản bảo đảm là tàu bay, tàu biển thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm thông tin về giao dịch bảo đảm được ghi vào Sổ đăng bạ tàu bay, Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;
Trong trường hợp tài sản bảo đảm là các tài sản khác không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản nêu trên thì thời điểm đăng ký giao dịch bảo đảm là thời điểm nội dung của đơn yêu cầu đăng ký được nhập vào Cơ sở dữ liệu về giao dịch bảo đảm.
6. Các trường hợp từ chối đăng ký, đăng ký thay đổi, xoá đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 11, 12, 13)
6.1. Cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm từ chối đăng ký khi có một trong các căn cứ sau đây (Điều 11):
 Không thuộc thẩm quyền đăng ký;
 Hồ sơ đăng ký không hợp lệ;
Người yêu cầu đăng ký không nộp lệ phí đăng ký hoặc không thanh toán lệ phí đúng thời hạn;
 Yêu cầu đăng ký thay đổi, đăng ký văn bản thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm, sửa chữa sai sót trong trường hợp đã xóa đăng ký giao dịch bảo đảm;
 Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký không phù hợp với thông tin được lưu trữ tại cơ quan đăng ký;
 Khi phát hiện thông tin trong hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không đúng sự thật hoặc có giấy tờ giả mạo.
6.2. Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ đăng ký thay đổi khi có một trong các căn cứ sau đây (Điều 12):
 Rút bớt, bổ sung hoặc thay thế bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm; thay đổi tên của bên bảo đảm, bên nhận bảo đảm;
 Rút bớt tài sản bảo đảm;
 Bổ sung tài sản bảo đảm mà không ký kết hợp đồng bảo đảm mới;
 Tài sản bảo đảm là tài sản hình thành trong tương lai đã hình thành, trừ trường hợp tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm hình thành trong tương lai là phương tiện giao thông cơ giới đã ghi số khung khi đăng ký giao dịch bảo đảm;
 Yêu cầu sửa chữa sai sót nội dung đã kê khai trong đơn yêu cầu đăng ký;
 Thay đổi nội dung khác đã đăng ký.
6.3. Người yêu cầu đăng ký nộp hồ sơ xoá đăng ký thay đổi khi có một trong các căn cứ sau đây (Điều 13):
 Chấm dứt nghĩa vụ được bảo đảm;
 Hủy bỏ hoặc thay thế giao dịch bảo đảm đã đăng ký bằng giao dịch bảo đảm khác;
Thay thế toàn bộ tài sản bảo đảm bằng tài sản khác;
 Xử lý xong toàn bộ tài sản bảo đảm;
 Tài sản bảo đảm bị tiêu hủy; tài sản gắn liền với đất là tài sản bảo đảm bị phá dỡ, bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
 Có bản án, quyết định của Tòa án hoặc quyết định của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật về việc hủy bỏ giao dịch bảo đảm, tuyên bố giao dịch bảo đảm vô hiệu, đơn phương chấm dứt giao dịch bảo đảm hoặc tuyên bố chấm dứt giao dịch bảo đảm trong các trường hợp khác theo quy định của pháp luật;
 Theo thỏa thuận của các bên.
7. Về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm
7.1. Nghị định số 83/2010/NĐ-CP bổ sung một số quy định mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn về thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm, thời hạn giải quyết và trả kết quả đăng ký giao dịch bảo đảm (Mục 1 Chương II)
a) Về phương thức nộp hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm
Đã bổ sung phương thức nộp hồ sơ qua các phương tiện điện tử.
b) Về thời hạn giải quyết hồ sơ
Đã quy định thống nhất thời hạn giải quyết hồ sơ đ/v tất cả các loại tài sản, theo đó:
-    Giải quyết trong ngày nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ,
-    Giải quyết trong ngày làm việc tiếp theo đ/v hồ sơ nhận sau 15 giờ,
-    Trong trường hợp phải kéo dài thời gian giải quyết thì cũng không quá 3 ngày làm việc (khoản 1 Điều 18). 
7.2. Nghị định số 83/2010/NĐ-CP đã quy định riêng về thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển, đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và các tài sản khác; quy định về đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm (Mục 2, 3, 4, 5, 6 Chương II)
a) Về hồ sơ thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay, tàu biển
Đã quy định theo hướng đơn giản hóa, loại bỏ những giấy tờ không cần thiết
Đồng thời bổ sung các quy định về hồ sơ, thủ tục đối với các trường hợp:
- Xóa đăng ký giao dịch bảo đảm bằng tàu bay (Điều 23)
- Đăng ký thay đổi nội dung giao dịch bảo đảm đã đăng ký bằng tàu biển (Điều 25)
- Đăng ký văn bản thông báo xử lý tài sản bảo đảm bằng tàu biển (Điều 26)
b) Về trình tự, thủ tục, hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất
Đã kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp tại các Thông tư liên tịch số: 05/2005/TTLT-BTP-BTNMT, 03/2006/TTLT-BTP-BTNMT, 06/2010/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
c) Về trình tự, thủ tục đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản (trừ tàu bay, tàu biển)
Đã kế thừa và pháp điển hóa các quy định còn phù hợp tại các Thông tư do Bộ Tư pháp ban hành như Thông tư số 06/2006/TT-BTP hướng dẫn một số vấn đề về thẩm quyền, trình tự và thủ tục đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm, Thông tư 03/2007/TT-BTP sửa đổi, bổ sung Thông tư 06/2006/TT-BTP.
7.3. Nghị định số 83/2010/NĐ-CP quy định một số vấn đề chung về thủ tục đăng ký trực tuyến phù hợp với Luật Giao dịch điện tử. So với Nghị định số 08/2000/NĐ-CP thì nội dung đăng ký trực tuyến hoàn toàn mới, phù hợp với chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nhà nước, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
8. Cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm
Nghị định số 83/2010/NĐ-CP quy định mới về từ chối cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm với 3 trường hợp sau:
- Yêu cầu cung cấp thông tin tại cơ quan không có thẩm quyền cung cấp thông tin;
- Đơn yêu cầu cung cấp thông tin không hợp lệ;
- Người yêu cầu cung cấp thông tin không nộp phí.
9. Trách nhiệm quản lý của nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm và cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm
9.1. Nghị định nêu rõ vai trò của Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm (Khoản 2 Điều 46).
9.2. Nghị định bổ sung vai trò quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất (Khoản 4 Điều 46).
9.3. Nghị định giao cho Sở Tư pháp giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về đăng ký giao dịch bảo đảm tại địa phương (Khoản 5 Điều 46).
9.4. Nghị định quy định rõ trách nhiệm của cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 49).
9.5. Nghị định quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm (Điều 50)
9.6. Nghị định quy định cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin về tài sản bảo đảm giữa cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm với các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng và đăng ký lưu hành tài sản (Điều 51)./.
 

Phan Văn Quả
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 18.917.059
Lượt truy cập hiện tại 3.341