Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến – giải pháp nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật trong tình hình mới
Ngày cập nhật 27/02/2023

Hình thức thi trực tuyến là xu hướng chung của thế giới, trong những năm vừa qua đã có rất nhiều kỳ thi Olympic quốc tế theo hình thức trực tuyến, và đều có cơ chế giám sát chặt chẽ. Trong thời đại 4.0 như hiện nay, đặc biệt sau khoảng thời gian thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid–19, xu hướng tổ chức các Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đang ngày càng khẳng định nhiều ưu điểm vượt trội như: đáp ứng mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tiết kiệm thời gian, chi phí; nội dung, hình ảnh trực quan sinh động; nội dung và hình thức mang tính tương tác cao…

 

1. Khái niệm, vai trò của thi tìm hiểu pháp luật

Thi tìm hiểu pháp luật là hình thức thi do cơ quan nhà nư­ớc, các tổ chức, các doanh nghiệp tổ chức nhằm động viên, khuyến khích đối tượng tìm đọc, nâng cao hiểu biết pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đối tượng và nâng cao dân trí pháp lý. Đây là một trong các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), là cầu nối chuyển tải những nội dung pháp luật vào cuộc sống, là hình thức sinh hoạt văn hoá pháp lý có sức hấp dẫn và hiệu quả.

2. Các loại hình thi tìm hiểu pháp luật

Thi tìm hiểu pháp luật đ­ược thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, do mục đích, yêu cầu, điều kiện, hoàn cảnh và khả năng cụ thể quyết định. Có 4 loại hình thường được áp dụng nhiều trên thực tế là: thi nói, thi viết, thi trên mạng (thi trực tuyến) và thi trắc nghiệm. Đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát, Nhà nước đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, và một trong những hình thức PBGDPL được áp dụng nhiều là tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến. Với hình thức mới này, người dự thi có thể ngồi tại nhà, sử dụng máy tính hoặc các thiết bị điện tử có kết nối mạng internet là có thể đăng ký, tham gia thi, hoàn toàn không bị giới hạn về thời gian, không gian. Hình thức thi này đã tạo được sức lan tỏa lớn, giúp đội ngũ cán bộ, công chức, Nhân dân tích cực, chủ động tham gia tìm hiểu pháp luật, góp phần đưa pháp luật đi vào cuộc sống.

3. Một số vấn đề cần lưu ý khi tổ chức một Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến

3.1. Lựa chọn nền tảng/phần mềm tổ chức thi trực tuyến phù hợp

Việc lựa chọn phần mềm để tổ chức thi trực tuyến là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu. Hiện nay có rất nhiều những nền tảng tổ chức nhưng không phải nền tảng nào cũng có đầy đủ các chức năng, công cụ hỗ trợ thiết kế bài thi và tổ chức kỳ thi. Do vậy các cơ quan, đơn vị cần tìm hiểu, lựa chọn một phần mềm phù hợp với nhu cầu của mình. 

Muốn tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến cần lựa chọn một nền tảng đáp ứng được các yêu cầu về khả năng xáo trộn các câu hỏi và câu trả lời ở cùng mức độ từ đó tạo được các mã đề khác nhau, tránh trường hợp người dự thi trao đổi đáp án cho nhau trong quá trình làm bài. Phần thi trắc nghiệm sẽ do hệ thống chấm tự động, biết điểm số ngay sau khi hoàn thành bài thi, đáp án đúng chỉ được công khai sau thời gian làm bài hoặc sau kỳ thi hoàn thành.

Các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức và quản lý thống kê kết quả các kỳ thi, người dự thi có thể tham gia một hoặc nhiều kỳ thi theo nhu cầu. Ban tổ chức có có thể tự tạo kho đề thi của riêng mình, hệ thống phải đảm bảo được tính bảo mật của đề thi.

3.2. Tạo kho đề thi 

Ban tổ chức cuộc thi cần soạn thảo kho đề thi. Để đảm bảo tính khách quan của các kỳ thi, có thể tạo ra nhiều bộ đề và lưu trữ. Tuy nhiên việc tự soạn thảo đề thi trên nền tảng thi trực tuyến sẽ gặp những trở ngại nếu Ban tổ chức thiếu kỹ năng hay kiến thức về công nghệ thông tin. Do đó, cần khảo sát và lựa chọn những phần mềm tổ chức thi trực tuyến có cấu hình đơn giản dễ soạn thảo đề thi hoặc có thể import (tải lên) từ một đề dạng word thông thường, website sẽ tự sinh các mã đề khác nhau theo các cài đặt tuỳ chọn của cuộc thi. 

3.3. Chấm thi và thống kê kết quả

Do việc tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến mới phát triển nên nhiều cơ quan, đơn vị vẫn còn e ngại về tính chính xác trong việc chấm thi khi tổ chức thi trực tuyến. Bên cạnh các vấn đề khác về quy cách chấm thi, hình thức chấm thi… các nền tảng có thể cài đặt được số lượt dự thi của người dự thi, đếm thời gian, tổng hợp kết quả, thống kê theo các trường thông tin. Việc xem xét và lựa chọn nền tảng có chức năng hỗ trợ chấm thi và đảm bảo tính bảo mật trong khi tổ chức là vấn đề hết sức quan trọng, góp phần quyết định đến thành công của một Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến.

3.4. Các công việc khác

Ngoài ra để tạo một Cuộc thi cho chuyên nghiệp và thu hút cần chuẩn bị thêm banner cuộc thi, thể lệ, thông báo, tài liệu tham khảo, hình ảnh, video clip đính kèm…Trong đó, quan trọng nhất là việc ban hành quy chế/thể lệ Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến và bám sát quy chế/thể lệ Cuộc thi trong quá trình tổ chức, tổng kết, trao giải, …

4. Ưu điểm, nhược điểm của mô hình Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến

4.1. Ưu điểm

Người dự thi được tự do, linh hoạt trong việc lựa chọn địa điểm/thời gian dự thi

Trong khi các mô hình thi truyền thống có thời gian, địa điểm cố định và giới hạn thì thi trực tuyến cho phép người dự thi linh hoạt hơn. Lợi ích quan trọng nhất của việc thi trực tuyến là sự thuận tiện cho người dự thi, họ không cần đến cơ quan/đơn vị/tổ chức phát động cuộc thi mà hoàn toàn có thể tự do lựa chọn địa điểm dự thi. Bên cạnh đó, thời gian dự thi cũng hoàn toàn do người dự thi quyết đinh vào bất kỳ thời điểm nào thuận tiện cho bản thân (tuy nhiên phải diễn ra trong khoảng thời gian mà Ban tổ chức quyết định Cuộc thi). Mọi hoạt động có thể diễn ra trực tuyến thông qua các thiết bị điện tử thông minh được kết nối Internet.

Thu hút tối đa số người đăng ký và tham dự thi

Như đã trình bày, với lợi thế linh hoạt và tự do về thời gian, địa điểm, yêu cầu duy nhất là phải có thiết bị điện tử thông minh được kết nối Internet – hình thức thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến giải quyết triệt để tình trạng người muốn dự thi nhưng không thể sắp xếp được thời gian/điều kiện dự thi hoặc việc khống chế số lượng người thi do địa điểm thi chưa đảm bảo về mặt không gian/chỗ ngồi. Điều này góp phần thu hút số lượng người dự thi một cách đông đảo nhất.

Tiết kiệm thời gian, chi phí

So với hình thức tổ chức thi trực tiếp, Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến giúp đơn vị tổ chức và người dự thi tiết kiệm được nhiều chi phí. Với các thủ tục đăng ký dự thi đơn giản, nhanh chóng, không chỉ loại bỏ các trình tự, thủ tục phức tạp, rườm rà mà còn có thể bỏ qua các chi phí khác như xăng xe, đi lại, thuê hội trường hoặc người dẫn chương trình, thiết bị hỗ trợ,v..v... Điều duy nhất cần phải có là một thiết bị có khả năng kết nối internet mạnh.

Xây dựng nên không gian dự thi thoải mái

Không gian dự thi luôn thoải mái và miễn phí cho tất cả người thi. Người dự thi không cần phải đến địa điểm – nơi tổ chức cuộc thi mà được tự do lựa chọn không gian tùy thích, có thể ở nhà, ở địa điểm công cộng hoặc bất cứ nơi nào người dự thi cảm thấy dễ tiếp thu nhất. Một không gian thi không có sự giám sát và áp lực sẽ giúp người dự thi có tâm trạng tốt hơn, dễ dàng hoàn thành bài dự thi của bản thân.

Mở ra cho người dự thi nhiều cơ hội tham gia một cách đơn giản và hiệu quả hơn

Sự phát triển của công nghệ số cho phép người dự thi có thể được tham gia nhiều lần/nhiều lượt thi trong một ngày/tuần/tháng trong cùng một Cuộc thi (tùy theo quy chế/thể lệ). Điều này dĩ nhiên mở ra cho người dự thi nhiều cơ hội để giành chiến thắng/giải thưởng nhất có thể.

4.2. Nhược điểm

Lệ thuộc hoàn toàn vào công nghệ và chất lượng đường truyền internet

Bên cạnh những ưu điểm, mô hình Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến vẫn có những hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả của việc dự thi. Việc phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ và internet sẽ gián tiếp giới hạn một số người tham dự, là những người không giỏi về công nghệ hoặc không có điều kiện về phương tiện. Ngoài ra, khi đường truyền mạng gặp sự cố hoặc khi lượng người dự thi cùng tham gia truy cập quá lớn, việc thi sẽ bị gián đoạn và ảnh hưởng đến kết quả cũng như tâm lý của những người tham dự thi.

Dễ bị phân tán

Việc dự thi ở các địa điểm công cộng dễ bị xao nhãng bởi nhiều hoạt động của những người xung quanh, thậm chí bao gồm chính sở thích cá nhân của người dự thi. Một số tác động bên ngoài có thể khiến người dự thi bỏ thi giữa chừng. Vì vậy, mô hình này cũng đòi hỏi người dự thi cần có sự tập trung và quyết tâm cao.

Không đánh giá được toàn diện năng lực của người dự thi 

Kết quả của mỗi cuộc thi trực tuyến thường chỉ thể hiện qua thông số, thống kê của phần mềm cuộc thi và không có sự giám sát trực tiếp của ban tổ chức, ban giám khảo, do đó trường hợp nhờ người khác làm hộ hoặc hỗ trợ, dẫn đến việc chưa thể đưa ra đánh giá chính xác về kết quả của người dự thi. 

5. Giải pháp và định hướng tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến trong thời gian tới

Có thể thấy bất kỳ mô hình nào cũng sẽ có 2 phương diện ưu – nhược điểm. Thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trực tuyến giải quyết được yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin cũng như “nâng tầm” phạm vi của công tác PBGDPL, tuy nhiên nó có tạo nên lỗ hổng kiến ​​thức đáng kể nếu người dự thi tham gia với tâm thế “hời hợi”, chạy theo số lượng “thành tích”.

Định hướng trong thời gian tới đối với các cuộc thi trắc nghiệm trực tuyến tìm hiểu pháp luật là xây dựng phần mềm chuyên biệt tổ chức các cuộc thi trực tuyến và có chia sẻ rộng rãi, không giới hạn trên mạng lưới các bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở phần mềm này, tùy theo mục tiêu, đối tượng, nội dung…, sẽ phát triển thêm các tính năng, trường dữ liệu để phục vụ các cuộc thi trực tuyến được hiệu quả. Đây sẽ là kho dữ liệu, không chỉ là các thông tin pháp luật mà còn tăng cường tính tương tác giữa người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó nâng cao hiểu biết, ý thức pháp luật cho người dân, phục vụ đắc lực cho công tác theo dõi, chỉ đạo, quản lý nhà nước.

Để những cuộc thi tương tự đạt được nhiều thành công hơn nữa, cần nhanh chóng hoàn thiện và đưa vào hoạt động Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) chuyên biệt PBGDPL của Trung ương với dung lượng lớn, cấu hình mạnh làm đầu mối thực hiện các hoạt động PBGDPL, tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật trong phạm vi toàn quốc. Đồng thời là cơ sở để các địa phương xây dựng, vận hành Cổng TTĐT về PBGDPL của địa phương và chủ động tổ chức các cuộc thi trực tuyến tại địa phương.

Bên cạnh đó, chủ đề thi tìm hiểu pháp luật nên và cần tập trung vào những quy định mới, gần gũi với đại đa số Nhân dân, gắn liền với đời sống, các vấn đề dư luận quan tâm…

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông rộng khắp, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông làm nòng cốt và giữ vai trò chủ đạo. Phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên trong phối hợp, tổ chức các cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu pháp luật cho hội viên, đoàn viên và đông đảo các tầng lớp Nhân dân./.

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.544.165
Lượt truy cập hiện tại 16.561