Theo đó, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đổi mới cách thức tổ chức thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn kết chặt chẽ với hoạt động chuyển đổi số, từng bước đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; tại Kế hoạch đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
1. Tăng cường thực hiện tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, các văn bản chỉ đạo về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và các chính sách của tỉnh đối với người Việt Nam ở nước ngoài; tình hình người Việt Nam ở nước ngoài và những đóng góp của đồng bào ta ở nước ngoài đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung và việc phát triển kinh tế - xã hội ở Thừa Thiên Huế nói riêng.
2. Tham mưu, bổ sung nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài vào kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm. Chú trọng lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến Luật tương trợ tư pháp; pháp luật về hộ tịch, quốc tịch, chứng thực. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến nội dung Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh liên quan đến các quy định, chính sách bảo hộ của Nhà nước Việt Nam đối với công dân Việt Nam tại nước ngoài, bằng các hình thức như: đăng tải tin, bài trên Trang thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh Thừa Thiên Huế, Trang thông tin điện tử của Sở, Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, tuyên truyền thông qua “Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…
3. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài. Thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các nội dung cần lưu ý qua các kênh thông tin, khai thác tối đa kênh truyền thông của cộng đồng, đặc biệt là thông qua các trang mạng xã hội phổ biến hiện nay như zalo, Trang fanpage Pháp luật với Cuộc sống.
4. Thực hiện chức năng quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi đăng tải, cung cấp, tuyên truyền các thông tin, quan điểm sai sự thật liên quan tới công tác người Việt Nam ở nước ngoài theo quy định tại Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
5. Tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định, chính sách thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành còn hiệu lực liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài để phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, các cơ chế hợp tác song phương và đa phương về lãnh sự và bảo hộ công dân, các điều ước, thỏa thuận quốc tế về lãnh sự, tạo cơ sở pháp lý cho công tác bảo hộ quyền và lợi ích của pháp nhân và công dân Việt Nam ở nước ngoài.