Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và một số ý kiến góp ý nhằm hoàn thiện dự luật
Ngày cập nhật 30/10/2024

Qua 15 năm thực hiện Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng như đã làm thay đổi theo đúng định hướng cải cách chính sách thuế của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020; giảm bớt thủ tục hành chính cho người nộp thuế và cơ quan thuế, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Góp phần tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, chú trọng đến khuyến khích phát triển nông nghiệp, giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; giảm chi phí đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội. 

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, qua triển khai thực hiện chính sách thuế GTGT cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như số lượng nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế còn nhiều (26 nhóm) và không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào làm tăng chi phí sản xuất của doanh nghiệp và làm tăng giá bán ra, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng. Việc áp dụng các mức thuế suất (hiện nay gồm 03 mức: 0%, 5% và 10%) đối với các nhóm mặt hàng còn chưa phù hợp. Đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% còn nhiều (14 nhóm hàng hóa, dịch vụ) chưa phù hợp với định hướng cải cách hệ thống thuế, tiến tới áp dụng 1 mức thuế suất phổ thông. Việc xác định thuế suất đối với một số hàng hóa dựa vào mục đích sử dụng nên gây vướng mắc cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản còn có cách hiểu khác nhau giữa người nộp thuế và cơ quan thuế. Đồng thời, quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào cần phải chặt chẽ hơn nữa để góp phần ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách. 
Từ những tồn tại, hạn chế nêu trên, việc ban hành Luật thuế GTGT (sửa đổi) là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới chính sách thuế thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện hơn, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế để phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế. Đồng thời tạo môi trường pháp luật thống nhất và đồng bộ áp dụng trong nền kinh tế và khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật thuế GTGT hiện hành. Từ ngày Luật thuế GTGT ban hành đến nay, có nhiều Luật liên quan đã được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đòi hỏi Luật thuế GTGT phải sửa đổi để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các Luật như: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; Luật Hải quan năm 2014; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016; Luật Báo chí năm 2016; Luật Thủy sản năm 2017; Luật Trồng trọt năm 2018; Luật Chăn nuôi năm 2018; Luật Quản lý thuế năm 2019; Luật Chứng khoán năm 2019; Luật Đầu tư năm 2020; Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Dự thảo Luật Thuế GTGT gồm 4 Chương, 18 Điều, về cơ bản vẫn được kế thừa từ Luật hiện hành nhưng có chỉnh lý, bổ sung cho phù hợp với nội dung chính sách. Theo đó, dự thảo Luật: Giữ nguyên nội dung quy định tại 05 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: phạm vi điều chỉnh (Điều 1); thuế GTGT (Điều 2); đối tượng chịu thuế (Điều 3); căn cứ tính thuế (Điều 6); phương pháp tính thuế (Điều 9). Sửa đổi, bổ sung các nội dung quy định tại 11 Điều của Luật thuế GTGT hiện hành gồm: người nộp thuế (Điều 4); đối tượng không chịu thuế (Điều 5); giá tính thuế (Điều 7); thuế suất (Điều 8); phương pháp khấu trừ thuế (Điều 10); phương pháp tính trực tiếp trên GTGT (Điều 11); khấu trừ thuế GTGT đầu vào (Điều 12); các trường hợp hoàn thuế (Điều 13); hóa đơn, chứng từ (Điều 14); hiệu lực thi hành (Điều 15); tổ chức thực hiện (Điều 16). Bổ sung 01 Điều quy định về thời điểm xác định thuế GTGT và 01 Điều quy định về các hành vi bị nghiêm cấm.
 Sau đây, tác giả góp ý một số ý kiến vào dự thảo Luật
1. Khoản  25 Điều 5, trong dự thảo Luật quy định đối tượng không chịu thuế là: “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hằng năm từ hai trăm triệu đồng trở xuống, trường hợp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm luật này có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức doanh thu tại khoản này phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ…”.
Với mức doanh thu hằng năm hai trăm triệu đồng thì doanh thu một tháng chỉ 16 triệu đồng. Nếu tính tỷ suất lợi nhuận bán hàng 6%, thu nhập nhận được một tháng sẽ là 1 triệu đồng. Việc quản lý thuế với cả các cá nhân, hộ kinh doanh có mức doanh thu nhỏ sẽ gia tăng chi phí thực hiện thu, hiệu quả thu ngân sách không cao. Do đó, kiến nghị Ban soạn thảo luật cần nghiên cứu nâng mức doanh thu chịu thuế lên 360 triệu đồng, tức là 30 triệu đồng/tháng, vừa giảm chi phí quản lý thuế, giảm chi phí xã hội và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ kinh doanh.
2. Tại khoản 2 Điều 5 chọn Phương án 2: Giữ nguyên như hiện hành: Chuyển nội dung về Phân bón và nội dung về Tàu khai thác thủy sản tại vùng khơi, vùng biển; máy móc thiết bị chuyên dùng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp ở các Điều b, g, Khoản 2, Điều 9 (mức thuế suất 5%) sang Điều 5 thuộc đối tượng không chịu thuế. Quy định này góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực cũng như vấn đề chủ quyền biển, đảo.
Góp ý về tỷ lệ % để tính thuế trực tiếp (Điều 5), phương pháp trực tiếp tính cho các doanh nghiệp có quy mô nhỏ doanh thu dưới 1 tỷ đồng, các hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh, số thu không lớn. Việc quản lý các hoạt động quy mô nhỏ, số thu nhỏ làm tăng chi phí quản lý hành thu, đặc biệt là gian lận trong kê khai thuế, thất thoát trong việc hoàn thuế, hóa đơn giả...; Mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, phát triển kinh tế nội địa, chuyển đổi hộ kinh doanh lên mục tiêu 4 triệu doanh nghiệp... thì cần chế độ kế toán, thuế đơn giản, phù hợp... Do vậy, kiến nghị giảm thuế suất thuế trực tiếp để khuyến khích áp dụng hình thức tính thuế này, đặc biệt là hoạt động sản xuất, vận tải, xây dựng; cụ thể tỷ lệ % như sau: Phân phối, cung cấp hàng hóa 1%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu 3%; Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu 2%; hoạt động kinh doanh khác 2%.
3. Tại Điều 13 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong khấu trừ, hoàn thuế, kiến nghị bổ sung thêm các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm để tăng cường cơ sở pháp lý trong việc thực hiện thuế GTGT, quản lý thu thuế GTGT và góp phần hạn chế trong gian lận, khấu trừ, hoàn thuế, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật...
4. Góp ý về bổ sung các trường hợp được hoàn thuế GTGT tại khoản 3 Điều 15, theo dự thảo quy định cơ sở kinh doanh chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất thuế GTGT 5% (trừ hoạt động thanh lý tài sản) nếu có số thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết từ ba trăm triệu đồng trở lên sau 12 tháng liên tục hoặc 04 quý liên tục thì được hoàn thuế giá trị gia tăng. Quy định như dự thảo là phù hợp với thực tế. Bản chất hoàn thuế GTGT cho trường hợp này là hoàn thuế cho người nộp thuế chỉ sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất GTGT 5%; trong khi đó thuế GTGT đầu vào của chi phí có mặt hàng chịu thuế suất 10% cho nên lũy kế thuế GTGT liên tục bị khấu trừ. Việc khống chế 5% để tạo bình đẳng giữa các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng dịch vụ chịu thuế suất khác nhau...
5. Tại khoản 10 Điều 15 quy định về trình tự, thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng: Chọn phương án 2 vì quy trình, thủ tục hồ sơ hoàn thuế là một yếu tố rất quan trọng; trong đó, công tác hậu kiểm, đối với hồ sơ hoàn thuế cần được chú trọng,  do vậy kiến nghị quy định cụ thể về trách nhiệm của người nộp thuế và công chức thuế. Bổ sung thêm một số nội dung quy định hoàn thế GTGT đối với xuất khẩu và đầu tư...
Tại dự thảo Luật đã giao cụ thể cho Chính phủ hướng dẫn trình tự, thủ tục này. Do vậy, kiến nghị khi giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục thì cần nghiên cứu quy định trong Luật các nguyên tắc chung về trình tự, thủ tục hoàn thuế, lưu ý áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết hồ sơ thuế.
6. Nhiều nội dung trong Dự thảo Luật được quy định theo hướng giao “Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định”, trong đó có những nội dung quan trọng như điều kiện áp dụng thuế suất 0% (điểm d khoản 1 Điều 9); đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, chi tiết nhóm hàng hóa thuộc đối tượng áp dụng theo tỷ lệ % (điểm b khoản 2 Điều 12); chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng thay cho phía nước ngoài (điểm a khoản 2 Điều 14). Đây là những nội dung đang cần được cơ quan soạn thảo làm rõ về nội hàm để thống nhất về cách tiếp cận khi xây dựng chính sách. Vì vậy, kiến nghị chỉ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các vấn đề về quy trình, thủ tục. Đối với những nội dung quan trọng, đề nghị quy định trực tiếp trong Dự thảo Luật, không giao Bộ Tài chính quy định chi tiết.
Về ngôn ngữ, kỹ thuật soạn thảo: Điểm b khoản 2 Điều 35 Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14 ngày 14 tháng 3 năm 2017 quy định thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước quy định trình bày nội dung văn bản quy định “b) Từ “Mục”, “Tiểu mục” và số thứ tự của mục, tiểu mục được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, trên một dòng riêng, đặt canh giữa theo chiều ngang của văn bản. Số thứ tự của mục, tiểu mục dùng số Ả Rập. Tiêu đề của mục, tiểu mục được trình bày phía dưới, bằng chữ in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, đặt canh giữa theo chiều ngang của văn bản”. Do vậy, tại các Chương và mục của dự thảo đề nghị không viết hoa mà trình bày bằng chữ in thường.
Những ý kiến của tác giả về dự thảo Luật thuế GTGT hy vọng sẽ giúp cho doanh nghiệp luôn tuân thủ các quy định pháp luật về thuế và phù hợp với tình hình thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, khắc phục các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật thuế GTGT thời gian qua; tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế GTGT và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các pháp luật liên quan; bảo đảm tính khả thi, minh bạch và thuận lợi cho tổ chức thực hiện, góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả của hoạt động quản lý thuế trong phòng, chống trốn thuế, thất thu và nợ thuế; thu đúng thu đủ và ổn định nguồn thu ngân sách nhà nước.
 
Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.504.923
Lượt truy cập hiện tại 19.061