Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Trao đổi về việc xử lý phương tiện vi phạm hành chính là tài sản chung của vợ chồng
Ngày cập nhật 25/06/2024

Trong xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp phải xử lý phương tiện vi phạm hành chính mà trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng mặc dù đứng tên một người nhưng là tài sản chung của vợ chồng thì phải xử lý như thế nào?

 

Khoản 1, 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính) quy định: Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Theo quy định trên, vi phạm hành chính là hành vi cụ thể của đối tượng có hành vi vi phạm (cá nhân hoặc tổ chức). Việc xử phạt vi phạm hành  chính được áp dụng với chính đối tượng có hành vi vi phạm. Vậy nếu người vợ/chồng có hành vi vi phạm hành chính mà hành vi đó có quy định hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì có phù hợp không?

Xét các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình quy định:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì  trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định về đại diện tại Điều 26 của Luật Hôn nhân và gia đình.

 Theo quy định tại Điều 24, 25, 26, 27, 30 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được xác định theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng. Trong trường hợp vợ, chồng kinh doanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật Hôn nhân và gia đình và các luật liên quan có quy định khác.

Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình hoặc giao dịch khác phù hợp với quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật Hôn nhân và gia đình. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: (1) Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm; (2) Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; (3) Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; (4) Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình; (5) Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường; (6) Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan

Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hôn nhân và gia đình về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của vợ chồng quy định: Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận. Trong trường hợp vợ hoặc chồng xác lập, thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản chung để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì được coi là có sự đồng ý của bên kia, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình (những trường hợp việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng: Bất động sản; động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu; tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình). Trong trường hợp vợ hoặc chồng định đoạt tài sản chung vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 35 của Luật Hôn nhân và gia đình thì bên kia có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu.

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP nêu trên, chỉ có trường hợp định đoạt tài sản chung thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng đối với ba nhóm tài sản. Ngoài ra, việc chiếm hữu, sử dụng tài sản chung nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình; các nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; nghĩa vụ khác theo quy định thì vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới.

Căn cứ các quy định trên, đối với tài sản chung của vợ chồng là phương tiện vi phạm hành chính cần phải xử lý theo quy định thì phải xem xét các yếu tố liên quan theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình như trên (tài sản chung được đưa vào kinh doanh; tài sản chung nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình,...), làm cơ sở để xác định trách nhiệm, nghĩa vụ chung của vợ chồng./. 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 19.708.248
Lượt truy cập hiện tại 1.337