Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Xử lý chậm nộp tiền trồng rừng thay thế, quy định hiện hành và kiến nghị, đề xuất
Ngày cập nhật 14/06/2024

Quy định về trồng rừng thay thế khi chuyển đổi rừng sang mục đích khác có thể được xem là sự bổ sung, bù đắp kịp thời cho diện tích rừng bị mất do chuyển đổi mục đích, bảo đảm giữ ổn định môi trường sinh thái, duy trì diện tích và độ che phủ của rừng. Quy định về nộp tiền trồng rừng thay thế khi chuyển đổi rừng sang mục đích khác được quy định lần đầu tiên tại Thông tư số 24/2013/TT-BNNPTNT ngày 06/5/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhưng từ đó đến nay pháp luật không quy định chế tài xử lý vi phạm chậm/không nộp tiền trồng rừng thay thế. Do đó, đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả của quy định này trong thực tiễn thi hành. Vì vậy, trong phạm vi bài viết, tác giải xin trao đổi một số nội dung có liên quan như sau:

 

Các quy định hiện hành có liên quan đến trồng rừng thay thế

Điều 3 (Chủ dự án tự trồng rừng thay thế) Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT) quy định:

“1. Chủ dự án lập, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế. Trường hợp diện tích rừng chuyển sang mục đích khác nằm trên địa bàn nhiều tỉnh thì lập từng phương án riêng trên địa bàn từng tỉnh. Tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế trên diện tích đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

8. Thực hiện trồng rừng thay thế:

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi Phương án trồng rừng thay thế, dự toán, thiết kế trồng rừng thay thế được phê duyệt, chủ dự án nộp đủ số tiền vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh nơi chủ dự án nộp hồ sơ; Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh thông báo bằng văn bản về việc hoàn thành nghĩa vụ trồng rừng thay thế cho chủ dự án;

b) Chủ dự án thực hiện trồng rừng theo Phương án trồng rừng thay thế, thiết kế, dự toán trồng rừng thay thế được phê duyệt; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiệm thu hoàn thành trồng rừng thay thế do chủ dự án thực hiện;

c) Trường hợp chủ dự án không thực hiện trồng rừng thay thế theo quy định tại điểm b khoản này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tổ chức thực hiện trồng rừng thay thế tại địa điểm khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn bằng nguồn tiền do chủ dự án đã nộp vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh;

d) Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh thực hiện giải ngân tiền trồng rừng thay thế theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Thông tư này.

Điều 4 (Chủ dự án không tự trồng rừng thay thế) Thông tư số 25/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 22/2023/TT-BNNPTNT) quy định:

1. Chủ dự án nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị nộp tiền trồng rừng thay thế trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính hoặc qua môi trường điện tử đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi có diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng sang mục đích khác. Trường hợp nộp hồ sơ qua môi trường điện tử thực hiện theo quy định tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

7. Tổ chức trồng rừng thay thế:

a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao chủ rừng được quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp, trừ chủ rừng là doanh nghiệp tư nhân hoặc cơ quan, tổ chức nhà nước khác là chủ đầu tư để trồng rừng thay thế;

b) Chủ đầu tư lập, trình phê duyệt thiết kế, dự toán; thực hiện trồng rừng thay thế, quản lý, bảo vệ, nghiệm thu hoàn thành diện tích rừng trồng theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật về lâm nghiệp khác.

…”

Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên thì hiện nay pháp luật hiện hành quy định việc trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được thực hiện theo hai hình thức, gồm: (i) Chủ dự án tự trồng rừng thay thế và (ii) Trường hợp chủ dự án không tự trồng rừng thay thế thì nộp tiền vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng ở cấp tỉnh.

Chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm về trồng rừng thay thế

Qua rà soát các quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp - được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 07/2022/NĐ-CP, nhận thấy, tại Điều 15 (vi phạm quy định về trồng rừng thay thế) chỉ quy định chế tài xử lý đối với hành vi “chậm trồng rừng thay thế theo phương án trồng rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”, cụ thể:

“Hành vi chậm trồng rừng thay thế theo phương án trồng rừng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bị xử phạt như sau:

1. Chậm trồng rừng thay thế diện tích dưới 01 ha:

a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi chậm trồng rừng thay thế từ 01 năm đến dưới 02 năm;

b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chậm trồng rừng thay thế từ 02 năm đến dưới 03 năm;

c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi chậm trồng rừng thay thế từ 03 năm trở lên.

2. Chậm trồng rừng thay thế diện tích từ 01 ha đến dưới 03 ha:

…”

Như vậy, để xử lý đối với hành vi vi phạm “chậm/không nộp tiền trồng rừng thay thế” là chưa có cơ sở để xem xét. Đồng thời, điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Chỉ xử phạt vi phạm hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính do pháp luật quy định” và tại khoản 6 Điều 12 Luật này quy định “Xác định hành vi vi phạm hành chính không đúng” là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Việc này sẽ tạo tiền lệ xấu, tạo kẽ hở để các chủ dự án lợi dụng, chây ì không chấp hành việc nộp tiền trồng rừng thay thế trong khi nếu các chủ dự án lựa chọn thực hiện hình thức trồng rừng thay thế mà không chấp hành đúng sẽ bị xử phạt.

Kiến nghị, đề xuất

Khoản 4 Điều 19 Luật Lâm nghiệp năm 2017 về điều kiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác quy định: “Có phương án trồng rừng thay thế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc sau khi hoàn thành trách nhiệm nộp tiền trồng rừng thay thế. Do đó, đề nghị các cơ quan liên quan khi tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng cần đảm bảo theo đúng quy định tại Luật Lâm nghiệp, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật và quy định của pháp luật khác liên quan.

Cơ quan có thẩm quyền cần kịp thời xem xét để sửa đổi, bổ sung bất cập quy định tại Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ngày 25/4/2019 của Chính phủ cho phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện cho các địa phương có chế tài xử lý các chủ dự án chây ì, chậm/không nộp tiền trồng rừng thay thế, tạo nguồn vốn triển khai trồng rừng nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái, đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng./.

 

Văn Hóa
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.510.210
Lượt truy cập hiện tại 22.971