Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Thừa Phát lại với hoạt động thi hành án dân sự
Ngày cập nhật 26/04/2024

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/06/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã xác định: “Nghiên cứu chế định Thừa phát lại (thừa hành viên); trước mắt có thể tổ chức thí điểm tại một số địa phương, sau vài năm, trên cơ sở tổng kết, đánh giá thực tiễn sẽ có bước đi tiếp theo”.

 

Thực hiện chủ trương trên, ngày 14/11/2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24/2008/QH12 về thi hành Luật Thi hành án dân sự (sau đây gọi là Nghị quyết số 24/2008/QH12), trong đó giao cho Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm Thừa phát lại. Từ năm 2010, chế định này được thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.

Trên cơ sở tổng kết thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12, ngày 23/11/2012 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 36/2012/QH13 về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (sau đây gọi là Nghị quyết số 36/2012/QH13), trong đó đã giao Chính phủ tiếp tục tổ chức thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 đến hết ngày 31/12/2015 và tiến hành tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm, báo cáo để Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm 2015.

Tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13, ngày 26/11/2015 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2015/QH13 về việc thực hiện chế định Thừa phát lại, Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016. Nghị quyết đã ghi nhận kết quả đạt được trong việc thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 24/2008/QH12 và Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội; chấm dứt việc thí điểm và cho thực hiện chế định Thừa phát lại trong phạm vi cả nước, kể từ ngày 01/01/2016.

Tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại trong giai đoạn này được thực hiện theo Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung tên gọi và một số điều của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành. Theo các văn bản này, Thừa phát lại được thực hiện 04 nhóm công việc: thực hiện việc tống đạt các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự.

Theo quy định tại Nghị định số 61/2009/NĐ-CP và Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, trong hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại được ra quyết định thi hành án, áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án. Khi áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, Thừa phát lại có quyền và nghĩa vụ như Chấp hành viên. Trong trường hợp cưỡng chế thi hành án cần huy động lực lượng bảo vệ, Văn phòng Thừa phát lại phải báo cáo, xin ý kiến của Trưởng Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự cấp huyện nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại. Trên cơ sở ý kiến của Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, Văn phòng Thừa phát lại lập kế hoạch cưỡng chế, báo cáo Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, kèm theo hồ sơ thi hành án để Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự xem xét, phê duyệt kế hoạch cưỡng chế và ra quyết định cưỡng chế thi hành án. Sau khi được phê duyệt và ra quyết định cưỡng chế thi hành án, Thừa phát lại thực hiện việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự và quy định của Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP  về cưỡng chế thi hành án.

Như vậy, hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự của Thừa phát lại trong giai đoạn thực hiện thí điểm có các quyền khá rộng, gần như tương đương với cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, theo theo đánh giá về kết quả hoạt động của Thừa phát lại trong thời gian thí điểm (Báo cáo số 538/BC-CP ngày 19/10/2015 của Chính phủ tổng kết việc triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13), hạn chế lớn nhất của hoạt động Thừa phát lại trong thời gian thí điểm là số vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít, cá biệt có Văn phòng chưa tiếp nhận, tổ chức thi hành vụ việc nào. Trong việc tổ chức thi hành án của Thừa phát lại còn nhiều vướng mắc, bất cập phát sinh cũng như sai sót cần được giải quyết, khắc phục. Tâm lý e ngại, chưa sẵn sàng từ phía người dân trong việc yêu cầu các Văn phòng Thừa phát lại thi hành án dân sự; một số Văn phòng Thừa phát lại cũng ngần ngại ký hợp đồng thực hiện thi hành án dân sự do e ngại khả năng chưa thi hành án xong trước khi kết thúc thí điểm, nhất là đối với những vụ việc phải tiến hành xử lý bán đấu giá tài sản thường rất lâu. Nguồn nhân lực, chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thi hành án dân sự của các Văn phòng Thừa phát lại còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng nên khi thực hiện có sai sót, vi phạm về thời hạn, thủ tục đã được Viện kiểm sát nhân dân phát hiện và đề nghị, kiến nghị khắc phục. Về mặt cơ chế: Pháp luật chưa có quy định về việc Tòa án giải thích và ghi trong các bản án, quyết định về quyền yêu cầu Thừa phát lại thi hành án cũng như việc chuyển giao bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cho Văn phòng Thừa phát lại có thẩm quyền là một trong những nguyên nhân hạn chế việc người được thi hành án biết đến và liên hệ Văn phòng Thừa phát lại để yêu cầu tổ chức thi hành án. Việc trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại còn bị hạn chế, vướng mắc trong một số tình huống nhất định, nhất là trong kê biên, cưỡng chế tài sản khi các quy định pháp luật trong lĩnh vực thi hành án chưa tính đến sự tham gia của một chủ thể mới có thẩm quyền tổ chức thi hành án bên cạnh cơ quan thi hành án dân sự.

Thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13, ngày 08 tháng 01 năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại. Tại Nghị định này, hoạt động thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự được tiếp tục ghi nhận bên cạnh 03 hoạt động khác của Thừa phát lại là tống đạt các văn bản của Tòa án và Cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP giới hạn các quyền của Thừa phát lại trong thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự so với Nghị định số 61/2009/NĐ-CP, Nghị định số 135/2013/NĐ-CP, cụ thể: Trưởng Văn phòng Thừa phát lại phải đề nghị và được Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định thi hành án; kiến nghị Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự xem xét sửa đổi, bổ sung quyết định thi hành án đã ban hành. Khi tổ chức thi hành án, Thừa phát lại không được thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây: (1) Áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án, biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 66, Điều 71, Điều 72 của Luật Thi hành án dân sự; (2) Sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 9 Điều 20 của Luật Thi hành án dân sự; (3) Xử phạt vi phạm hành chính; (4) Yêu cầu Tòa án xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án theo quy định tại Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự; (5) Yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 75 của Luật Thi hành án dân sự; (6) Các quyền yêu cầu Tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng tài sản, giấy tờ tạm giữ; xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản để thi hành án, giải quyết tranh chấp tài sản; yêu cầu hủy giấy tờ, giao dịch liên quan đến tài sản; giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 4 Điều 68, khoản 3 Điều 69 và khoản 2 Điều 102 của Luật Thi hành án dân sự. Nội dung công việc Thừa phát lại phải thực hiện để tổ chức thi hành án bao gồm: (1) Xác minh điều kiện thi hành án; (2) Tổ chức thi hành án; (3) Thỏa thuận về việc thi hành án; (4) Thanh toán tiền thi hành án.

Với những hạn chế như trên của Thừa phát lại trong thi hành bản án, quyết định theo yêu cầu của đương sự dẫn đến những bất cập, khó thực hiện đối với hoạt động này của Thừa phát lại trên thực tế. Mặt khác, hầu hết các Văn phòng Thừa phát lại có quy mô tổ chức nhỏ, nhân lực hạn chế, khó bảo đảm cho hoạt động thi hành án dân sự./.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.511.004
Lượt truy cập hiện tại 23.553