Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính
Ngày cập nhật 15/12/2023

Giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 (Luật Xử lý vi phạm hành chính). Theo đó, có 03 trường hợp giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính: giao quyền xử phạt (Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính), giao quyền quyết định cưỡng chế (Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính), giao quyền quyết định tạm giữ người theo thủ tục hành chính (Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

 

1. Giao quyền xử phạt[1]

- Người giao quyền xử phạt: Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 38; các khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 39; các khoản 2, 2a, 3, 3a và 4 Điều 40; các khoản 3, 4, 5, 6 và 7 Điều 41; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 42; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 43; các khoản 2, 3 và 4 Điều 43a; các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 44; các khoản 2, 3 và 4 Điều 45; Điều 45a; các khoản 2, 3 và 4 Điều 46; Điều 47; khoản 3 và khoản 4 Điều 48; khoản 2 Điều 48a; các khoản 2, 4 và 5 Điều 49; Điều 51 của Luật Xử lý vi phạm hành chính (cấp trưởng).

Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng.

- Người được giao quyền xử phạt: cấp phó của những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

- Phạm vi giao quyền: giao quyền xử phạt đồng thời với việc giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính: Áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất.

- Thời hạn giao quyền: Việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện thường xuyên hoặc theo vụ việc.

- Hình thức giao quyền: Việc giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.

Quyết định giao quyền phải có số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền.

- Cơ chế trách nhiệm: Cấp phó được giao quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao.

Trong thời gian giao quyền, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

- Về việc giao quyền tiếp: Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

2. Giao quyền quyết định cưỡng chế[2]

- Người giao quyền quyết định cưỡng chế: Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính (cấp trưởng).

- Người được giao quyền quyết định cưỡng chế: cấp phó của những người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế.

- Thời hạn giao quyền: pháp luật xử lý vi phạm hành chính không nêu rõ về thời hạn giao quyền. Theo quan điểm tác giả, việc cưỡng chế thi hành uyết định xử phạt vi phạm hành chính được xem xét trong từng trường hợp cụ thể căn cứ theo quy định tại Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, việc giao quyền quyết định cưỡng chế áp dụng theo từng vụ việc.

- Hình thức giao quyền: Việc giao quyền được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.

Quyết định giao quyền phải có số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền.

- Cơ chế trách nhiệm: Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao.

- Về việc giao quyền tiếp: Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

3. Giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính[3]

Tạm giữ người theo thủ tục hành chính là một trong chín biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Đối với một số biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính khác (Áp giải người vi phạm; tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; khám người; khám phương tiện vận tải, đồ vật; khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất), người có thẩm quyền được giao quyền đồng thời với việc giao quyền xử phạt vi phạm hành chính. Đối với biện pháp tạm giữ người theo thủ tục hành chính thì việc giao quyền phải được thực hiện riêng.

- Người giao quyền quyết định cưỡng chế: Người có thẩm quyền tạm giữ người quy định tại các điểm từ a đến i khoản 1 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính (cấp trưởng).

- Người được giao quyền quyết định cưỡng chế: cấp phó của những người có thẩm quyền tạm giữ người  theo thủ tục hành chính.

- Thời hạn giao quyền: Chỉ được giao quyền khi người có thẩm quyền vắng mặt.

- Hình thức giao quyền: Việc giao quyền được thể hiện bằng quyết định, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn giao quyền.

Quyết định giao quyền phải có số, ghi rõ ngày, tháng, năm, trích yếu, ký và đóng dấu; trường hợp cơ quan, đơn vị của người giao quyền không được sử dụng dấu riêng, thì đóng dấu treo của cơ quan cấp trên. Phần căn cứ pháp lý ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính  của cấp phó được giao quyền phải thể hiện rõ số, ngày, tháng, năm, trích yếu của quyết định giao quyền.

- Cơ chế trách nhiệm: Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện quyền được giao.

- Về việc giao quyền tiếp: Người được giao quyền không được giao quyền cho người khác.

4. Chấm dứt việc giao quyền[4]

Việc giao quyền chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Hết thời hạn giao quyền ghi trong quyết định;

- Công việc được giao quyền đã hoàn thành;

- Cấp trưởng chấm dứt việc giao quyền cho cấp phó. Trong trường hợp này, việc chấm dứt giao quyền phải được thể hiện bằng quyết định;

- Người giao quyền hoặc người được giao quyền nghỉ hưu, thôi việc, được điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, biệt phái, từ chức, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức hoặc tạm đình chỉ công tác theo quy định của pháp luật;

- Người giao quyền hoặc người được giao quyền chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết;

- Công việc được giao quyền tuy chưa hoàn thành nhưng vụ việc phải chuyển giao cho cơ quan, người có thẩm quyền khác xử lý theo quy định của pháp luật;

- Người giao quyền hoặc người được giao quyền bị khởi tố; bị tạm giữ, tạm giam để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử;

 - Điều kiện để cấp trưởng giao quyền tạm giữ người theo thủ tục hành chính quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính không còn.

5. Một số vấn đề trao đổi

- Tại khoản 2 Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP về giao quyền trong xử phạt vi phạm hành chính quy định: “Người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt, thì có thẩm quyền xử phạt và được giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như cấp trưởng”. Với quy định này có thể có hai cách hiểu như sau:

Một là, người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt thì sẽ có tất cả các quyền: giao quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử phạt thì được giao quyền xử phạt; người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cưỡng chế thì được giao quyền cưỡng chế; người được giao quyền đứng đầu hoặc phụ trách cơ quan, đơn vị có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính thì được giao quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

- Tương tự, tại khoản 3 Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định: “Trong thời gian giao quyền, những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính”, dẫn đến hai cách hiểu:

Một là, trong thời gian giao quyền, chỉ có những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại khoản 1 Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính mới vẫn có thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính.

Hai là, trong thời gian giao quyền, người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính vẫn có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; người có thẩm quyền cưỡng chế vẫn có thẩm quyền cưỡng chế.

- Theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP thì việc giao tạm giữ người theo thủ tục hành chính quyền chấm dứt khi điều kiện giao quyền không còn. Theo quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính được thực hiện khi người có thẩm quyền vắng mặt. Điều này có nghĩa, việc giao quyền trong trường hợp này sẽ chấm dứt khi người có thẩm quyền đã có mặt trở lại. Vấn đề đặt ra, nếu việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chưa kết thúc mà người có thẩm quyền đã có mặt trở lại thì việc giao quyền có chấm dứt không?

Từ những vấn đề trao đổi nêu trên, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét quy định, giải thích rõ nội dung điều luật để việc áp dụng pháp luật được thống nhất./.

 


[1] Điều 54 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày  23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.

[2] Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP.

[3] Điều 123 Luật Xử lý vi phạm hành chính; Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP

[4] Khoản 4 Điều 10 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP

 

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.518.939
Lượt truy cập hiện tại 1.685