Tìm kiếm tin tức

Liên kết website
Chính phủ
Các Bộ, Ngành ở TW
Tỉnh ủy, UBND Tỉnh
Sở, Ban, Ngành
Kết quả và những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ
Ngày cập nhật 01/12/2023

Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước, vì vậy nhằm đảm bảo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo khung pháp lý tương đối đầy đủ cho hoạt động của các doanh nghiệp. Cùng với đó, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng được Nhà nước quan tâm nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, bền vững và lâu dài. 

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đánh dấu bước đột phá chính thức về cơ chế để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đây là văn bản luật quan trọng khẳng định khung pháp lý về phát triển khu vực kinh tế tư nhân mà chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mục tiêu đưa doanh nghiệp khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Ngày 24/6/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đó xác định các nguyên tắc thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phươngxây dựng và tổ chức thực hiện nội dung chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, qua hơn 04 năm triển khai thực hiện Luật và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP, một số hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được triển khai tích cực cụ thể như sau:

Ngày 31/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 863/QĐ-UBND  về chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020 – 2024. Trên cơ sở đó, các Sở, ngành và địa phương đã ban hành các Chương trình, kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với quy mô và chức năng, nhiệm vụ được giao. Sở Tư pháp, qua các năm 2020, 2021, 2022 và 2023, đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hằng năm. Các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được các Sở, ngành (triển khai cơ bản đã đạt được những kết quả tích cực, cụ thể:

Một là, các chương trình về cơ bản đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của DNNVV, tạo lập các điều kiện cần thiết để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, phòng chống rủi ro và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

Hai là, quá trình triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đã có sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp triển khai các hoạt động cụ thể, như: tổ chức các lớp bồi dưỡng; tọa đàm nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ pháp chế doanh nghiệp và người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tổ chức các Chương trình pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp thông qua truyền hình, xây dựng các Bản tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp... Các hoạt động này đã đạt một số kết quả cụ thể, tạo kênh thông tin quan trọng và kịp thời để tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật kinh doanh tới các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp khắc phục tình trạng khó khăn trong việc tiếp cận thông tin pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, áp dụng pháp luật vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ba là, để nâng cao hiệu quả công các triển khai Luật, các văn bản quy phạm pháp luật, hầu hết các sở, ngành, địa phương đã tích cực đăng tải Luật Hỗ trợ DNNVV và các văn bản hướng dẫn thi hành lên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của địa phương và cơ quan, đơn vị; đồng thời, phối hợp với cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền thông qua việc xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, cẩm nang, ấn phẩm, tờ rơi,… tuyên truyền mục đích, ý nghĩa, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao hiệu quả hỗ trợ DNNVV của địa phương.

Bốn là, nhằm triển khai nhanh, kịp thời và có hiệu quả các chính sách của Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh trên nhiều lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, cụ thể: Nghị quyết số 21/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 về Quy định nội dung và mức chi hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Nghị quyết số 22/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 về Quy định một số chính sách hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, chuyển giao công nghệ và phát triển tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 26/02/2021 về Quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh (HĐND tỉnh) ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 02/2022/NQ-HĐND ngày 25/01/2022 của HĐND tỉnh ban hành Quy định một số chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp vào cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 07/9/2022 của HĐND tỉnh về thí điểm một số chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container đi, đến cảng Chân Mây tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 21/2022/NQ-HĐND ngày 26/10/2022 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 04/01/2023        ban hành Quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND ngày 28/03/202 quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án dược liệu quý thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định 56/2021/QĐ-UBND ngày 23/09/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy chế phối hợp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế...

Năm là, nội dung chương trình phổ biến cho doanh nghiệp ngày càng được đổi mới hơn, mang giá trị thiết thực đối với doanh nghiệp, phổ biến thông tin, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, lan tỏa rộng rãi, thông tin kịp thời các chính sách hỗ trợ của nhà nước đến DNNVV. Tiếp thu những vướng mắc, ý kiến của cộng đồng DNVVV trong bối cảnh dịch Covid-19, qua đó đề xuất giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc  pháp lý cho DNNVV, phản ánh ý kiến của cộng đồng DNNVV đến các Sở, ngành liên quan.

Sáu là, các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho DNNVV đã có những tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tại tỉnh ThừaThiên Huế đặc biệt là góp phần hình thành các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiệu quả, như Chương trình “Cafe sáng cùng doanh nghiệp”; Chương trình đối thoại “Cafe doanh nhân”. Đây là hoạt động để lãnh đạo các Sở, ngành trao đổi, đối thoại để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn…  Các ý kiến này được ghi nhận và sẽ giải quyết ngay hoặc liên thông với các sở, ngành để hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần “chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện như sau:

Thứ nhất, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ở Trung ương ban hành ngày càng nhiều, trong đó các văn bản QPPL liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định ở hầu hết các lĩnh vực nhưng thường xuyên được sửa đổi, bổ sung, tính ổn định không cao, vì vậy, quá trình triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để phổ biến, tuyên truyền, giúp cho các doanh nghiệp nắm bắt hết các thông tin pháp lý có liên quan gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, chưa bố trí nguồn kinh phí riêng cho hoạt động hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp, chủ yếu được lồng ghép, vận dụng trong nguồn kinh phí triển khai các hoạt động chuyên môn của các cơ quan có liên quan. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ pháp chế giúp thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đều bố trí kiêm nhiệm. Việc bảo đảm nguồn lực về con người và kinh phí triển khai hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu, còn phải nhờ sự điều tiết, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các chương trình, dự án, vì vậy các hoạt động chưa đáp ứng nhu cầu cần hỗ trợ của các doanh nghiệp.

Thứ ba, sự phối hợp trong hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa các sở, ngành, UBND cấp huyện còn chưa chặt chẽ và thường xuyên, chủ yếu do từng cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ triển khai mà chưa có sự gắn kết giữa nhiều lĩnh vực với nhau.

Thứ tư, phần lớn các doanh nghiệp ở tỉnh Thừa Thiên Huế là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, việc tìm hiểu về pháp luật còn chưa nhiều, chưa có thói quen tham gia các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Mặc dù Sở Tư pháp và các sở, ngành đã có nhiều hình thức giới thiệu về các hoạt động hỗ trợ pháp lý gửi đến doanh nghiệp nhưng chưa nhận được sự phản hồi nhu cầu từ phía doanh nghiệp.

Để hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, tác giả đề xuất, kiến nghị như sau:

Một là, đề nghị Bộ Tư pháp tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương.

Hai là, đề nghị các bộ, ngành biên soạn tài liệu, hướng dẫn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực quản lý.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng mạng xã hội để mở rộng phạm vi tiếp cận doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ pháp lý.

Bốn là, rút ngắn thời gian, trình tự, thủ tục đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật về vụ việc, vướng mắc. Vì để tiếp nhận hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật rất phức tạp, kéo dài, trong khi doanh nghiệp cần sự kịp thời trong quá trình giải quyết.

Năm là, cần giới thiệu, nhân rộng các mô hình, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp điển hình thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp cũng như mang lại nhiều giá trị, hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.

Sáu là, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và các văn bản, quy định pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng./.

 

Thủy Phương
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Chung nhan Tin Nhiem Mang
Thống kê truy cập
Tổng truy cập 22.522.436
Lượt truy cập hiện tại 3.291